Nhìn mục tiêu cuối năm này của TP.HCM, DN tại đây chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng phấn chấn, hồ hởi

04/08/2016 14:44 PM | Kinh tế vĩ mô

Mức tăng trưởng tín dụng từ 9% vào năm 2003 đã tăng lên đến 15% vào năm 2015. Dự kiến, năm 2016, tăng trưởng tín dụng của toàn thành phố Hồ Chí Minh đạt tới 18-20%. Đây là mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 8 năm qua.

Tại ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ hai HĐND TPHCM Khóa IX diễn ra sáng nay, 4/8, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, cho hay nhờ vào các chính sách tín dụng, tiền tệ linh hoạt và sự chủ động của ngành ngân hàng thành phố, tín dụng trong những năm qua tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, năm 2013 tăng trưởng tín dụng của thành phố đạt 9%, sang năm 2014 tăng lên 12% và năm 2015 đạt 15%. Riêng năm 2016 thành phố phấn đấu đạt 18-20%.

Như vậy, trong vòng 2 năm qua, mức tăng trưởng tín dụng khá tốt. Nếu năm 2016, mục tiêu đề ra đạt được, mức tăng tưởng tín dụng sẽ tăng gấp đôi so với năm 2013 và tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Đây là dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ của Tp.HCM đang ổn định, nhu cầu tài chính của doanh nghiệp lớn và có một làn sóng doanh nghiệp đang bùng nổ mạnh mẽ tại đây.

Cùng với đó, để thúc đẩy nền kinh tế, đạo động lực cho doanh nghiệp sống và phát triển, những năm qua, các ngân hàng tại thành phố đã cố gắng hạ lãi suất.

Nếu so với năm 2014 thì năm 2015 lãi suất cho vay đã giảm từ 0,3 đến 1 điểm phần trăm. Việc giảm lãi suất cho vay đã có tác dụng rất tốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

"Năm nay, doanh nghiệp lo lắng có khả năng ngân hàng sẽ tăng lãi suất do thời gian qua nhiều ngân hàng thương mại nâng lãi suất huy động của mình. Nhân kỳ họp HĐND thành phố này, tôi cũng xin báo cáo là ngân hàng thành phố đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại cố gắng giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, nếu không giảm được thì cố gắng giữ lãi suất cho vay, đặc biệt là 5 lĩnh vực sản xuất ưu tiên", ông Minh thông tin.

Tính đến cuối tháng 7-2016 dư nợ tín dụng của TPHCM ước tăng gần 11% và dư nợ tín dụng tăng trưởng liên tục từng tháng từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp hấp thụ vốn sản xuất kinh doanh. Dư nợ tín dụng toàn thành phố hiện nay khoảng 1.350.000 tỉ đồng, ông Minh cho biết.

Về xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Hoàng Minh thông tin thêm: tính đến cuối tháng 7 nợ xấu của thành phố là 3,98%, giảm nhẹ so với đầu năm 2016 (4,02%). Tuy nhiên, nếu trừ đi nợ xấu của các chi nhánh ba "ngân hàng 0 đồng" (Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu) tại thành phố thì nợ xấu của thành phố đến nay chỉ còn 2,01%.

TPHCM nhắm đến mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) giai đoạn 2016-2020 bình quân hàng năm 8-8,5%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp và thủy sản, trong đó tỷ trọng của dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm 56-58%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 9.800 đô la Mỹ …

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM