“Nhìn mặt mà bắt hình dong”: Sai lầm đánh giá bản chất con người qua case studies về những ác nhân tai tiếng trong lịch sử

06/10/2019 08:10 AM | Sống

Phần lớn chúng ta đều tin rằng bản thân có thể nhận diện Hitler mà Madoff ngay lập tức khi gặp những ác nhân này ngoài đời thực. Nhưng liệu đó có phải sự thật? Cây viết người Mỹ Malcolm Gladwell cho rằng những khuynh hướng và thành kiến bẩm sinh có thể làm sai lệch phán đoán của chúng ta và ngăn chúng ta phát hiện những “con quỷ đội lốt người” trong xã hội.

Trong cuốn sách mới nhất “Trò chuyện với người lạ” (Talking to Strangers), cây viết đến từ New York Malcom Gladwell một lần nữa đưa đến những khám phá mới mẻ về hành vi của con người và các mối quan hệ. Lần này tác giả tập trung khai thác các trường hợp về những ác nhân tai tiếng nhất trong lịch sử cận đại như trùm phát xít Đức Adolf Hitler, “ông trùm lừa đảo Ponzi” Bernie Madoff hay huấn luyện viên ấu dâm Jerry Sandusky.

Bên cạnh tội ác, những người này cùng có điểm chung là che giấu rất giỏi bộ mặt thật của mình. Trong trường hợp của Hitler, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã không thể nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm của trùm phát xít này; với Madoff và Sandusky, đồng nghiệp và người quen đều từng cho rằng đây là những công dân tuân thủ luật pháp.

Chuyện gì đã xảy ra? Họ bị qua mặt trắng trợn hay họ quá ngây thơ?

Theo tác giả, xu hướng đánh giá sai người khác hiện hữu trong mỗi người chúng ta. “Chúng ta nghĩ rằng mình có thể dễ dàng nhìn thấu tâm can người khác dựa trên những dấu hiệu mơ hồ… Tất nhiên là chúng ta không làm điều đó với chính mình. Chúng ta thấy bản thân phức tạp và bí ẩn nhưng với người lạ mọi chuyện lại đơn giản. Nếu tôi có thể thuyết phục được bạn về điều gì đó thông qua cuốn sách này thì đó sẽ là: Người lạ không đơn giản.”

Cuốn sách của Gladwell sẽ đưa đến những cái nhìn mới về những lầm tưởng chúng ta thường có khi gặp gỡ và đánh giá những người lần đầu gặp mặt.

Sai lầm #1: Chúng ta thường “nhìn mặt mà bắt hình dong”.

Thủ tướng Anh Neville Chamberlain là một trong số ít những nhà lãnh đạo trên thế giới từng ngồi lại với Adolf Hitler (họ đã có với nhau ba cuộc gặp). Sau nhiều giờ tương tác, Chamberlain cảm thấy giữa hai người có một mối tâm giao và ông đã nói với cố vấn của mình rằng Hitler “không có bất cứ dấu hiệu điên rồ nào mà thể hiện rất nhiều sự hào hứng”. Ông cũng tin Hiller khi hắn hứa sẽ không hứng thú với việc mở rộng lãnh thổ vượt quá Sudetenland. Ngài thủ tướng đã lầm.

Không chỉ mỗi Chamberlain mắc sai lầm mà phần lớn dân chúng nước Anh đều mang niềm tin tương tự vào sức mạnh phán đoán của sự tương tác nên họ tung hô ý kiến của ngài Thủ tướng. Theo tác giả Gladwell thì chúng ta đều có xu hướng này: “Chúng ta tin rằng thông tin thu thập được từ những tương tác trực tiếp đều rất giá trị”, ông nói tiếp “Bạn sẽ không bao giờ thuê một cô bảo mẫu về trông con bạn nếu bạn chưa gặp người đó trước. Các công ty không thuê nhân viên ào ào. Họ liên lạc với ứng viên và phỏng vấn trực tiếp, có khi là vài tiếng và cũng có khi nhiều hơn một lần.”

Trên thực tế, những chính trị gia thấy rõ nhất mối hiểm họa do Hitler đem lại là những người chưa từng gặp mặt hắn ngoài đời. Trong những ví dụ khác, bao gồm cả trường hợp tình báo viên cấp cao của Mỹ làm gián điệp cho Cuba và câu chuyện các thẩm phán New York đưa ra quyết định có tuyên các bị cáo tại ngoại hay không, tác giả cho thấy hiện tượng sự nhạy cảm của chúng ta bị đánh lừa bởi ấn tượng ban đầu đang diễn ra ngày càng phổ biến.

“Nhìn mặt mà bắt hình dong”: Sai lầm đánh giá bản chất con người qua case studies về những ác nhân tai tiếng trong lịch sử - Ảnh 1.

Sai lầm #2: Chúng ta ngộ nhận rằng ai cũng thành thật nên mất nhiều chứng cứ để chúng ta tin rằng không phải mọi người đều như vậy.

Suốt hơn một thập kỷ, trợ lý huấn luyện viên đội bóng bang Pennsylvania Jerry Sandusky và bác sĩ của đội tuyển Thể dục dụng cụ Hoa kỳ Larry Nassar liên tiếp lạm dụng tình dục nhiều trẻ em mà không bị phát giác. Mặc dù có vô số cáo buộc theo thời gian, chúng đều bị bác bỏ bởi địa vị của những kẻ này và những người hậu thuẫn đằng sau. Mãi đến khi một số lượng lớn nạn nhân đưa những câu chuyện của họ ra ánh sáng thì những kẻ thủ ác mới bị điều tra và kết án.

Tác giả giải thích cách Sandusky và Nassar che giấu tội ác của mình trong một thời gian dài với lý thuyết Truth Default Theory (tạm dịch: Lý thuyết Mặc định Sự thật) của nhà tâm lý học Tim Levine, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về việc tại sao chúng ta lại rất tệ trong việc phát hiện những lời nói dối và những kẻ nói dối. Những ai từng phân vân về việc “Bản chất con người vốn tốt hay vốn xấu?” sẽ hứng thú với nghiên cứu này; Levine khẳng định rằng con người nói chung đều tin mình là người tốt. 

Khi cố phân tích tính cách những người chúng ta gặp gỡ, “chúng ta không làm như những nhà khoa học duy lý trí là thu thập chứng cứ xem liệu họ đang nói thật hay nói dối trước khi đưa ra kết luận, chúng ta bắt đầu với niềm tin. Chúng ta chỉ ngừng tin khi những hoài nghi của bản thân tăng đến mức chúng ra không thể giải thích cho chúng nữa.”

Tác giả cũng bàn về câu chuyện phụ huynh các vận động viên thể dục dụng cụ nhí từng tin tưởng Nassar. Một vài người trong số họ khi trả lời phỏng vấn cho podcast Believed đã nói về cách họ gạt những lo lắng của mình như thế nào. Tác giả viết: “Mặc định sự thật trở thành vấn đề khi chúng ta buộc phải lựa chọn giữa hai phương án thay thế, một là có thể, hai là không thể tưởng tượng được.” 

Trong câu chuyện này, các bậc phụ huynh dễ tin vào tấm mặt nạ Nassar dùng để che giấu bản chất - một vị bác sĩ đáng kính luôn có đội ngũ đồng nghiệp hùng hậu đứng về phía ông ta – hơn là sự thật đau lòng là hắn đã gây ra tội ác ghê gớm lên những đứa con của họ và chính họ đã cho phép con mình ở gần hắn.

“Nhìn mặt mà bắt hình dong”: Sai lầm đánh giá bản chất con người qua case studies về những ác nhân tai tiếng trong lịch sử - Ảnh 2.

Sai lầm #3: Chúng ta nghĩ rằng những người chúng ta gặp cũng dễ đọc vị như những nhân vật trong phim sitcom Friends.

Trong phần ba của cuốn sách, tác giả đánh giá về sự nổi tiếng của bộ sitcom dài hơi này và ông cho rằng sự nổi tiếng đó đa phần đến từ việc bộ phim “rất rõ ràng”. Với biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể, các diễn viên có thể truyền tải ý định và phản ứng của mình giúp người xem bắt kịp được mạch phim ngay cả khi TV đang tắt tiếng.

Tác giả Gladwell lấy ví dụ về sitcom Friends để minh họa cho sự “phản ánh”, một phát hiện khác của nhà tâm lý học Tim Levine. Phản ánh là loại niềm tin ẩn tàng nhiều nguy cơ, đó là: “cách ai đó thể hiện ra bên ngoài… là cửa sổ chân thực và tin cậy mở ra những điều họ cảm nhận ở bên trong.”  

Qua các thí nghiệm, Levine nhận thấy người tham gia dễ phát hiện những kẻ nói dối có những biểu hiện mà chúng ta vẫn nghĩ một người đang nói dối thường có (cười giả tạo, quá nhiều hay quá ít giao tiếp ánh mắt, đổi tông giọng). Tuy nhiên họ lại lúng túng khi phải tìm ra những kẻ nói dối mà không có các dấu hiệu đó. Cũng bởi những quan điểm về phản ánh sai lệch đó, chúng ta thường xuyên đối mặt với những xáo trộn trong cuộc sống vì không như dàn diễn viên của Friends, phần lớn mọi người không bộc lộ nội tâm của mình.

Sai lầm #4: Chúng ta bị đánh lừa bởi những người có vẻ ngoài không “khớp” với bản chất của họ.

Gladwell gọi đây là vấn đề ăn khớp. Lấy ví dụ Bernie Madoff, với mái tóc trắng, bộ suit đặt may và phong thái đạo mạo, Madoff mang dáng dấp của một thiên tài về đầu tư. Ngoại hình đó – kết hợp với xu hướng mặc định sự thật của người ngoài – cho phép hắn thực hiện phi vụ lừa đảo Ponzi lớn nhất lịch sử. Mặc dù có nhiều người đặt câu hỏi về thành công bất thường của ông ta, không ai đào sâu sự việc hơn nữa. Tội của Madoff chỉ được đưa ra ánh sáng khi ông này hết tiền trả cho các nhà đầu tư và phải thừa nhận tội lỗi với các con trai. Ngay cả lúc đó, mặc dù ông ta có tội, ông ta vẫn có dáng vẻ của người vô tội (hay đủ vô tội) trong mắt nhiều người và tránh được việc bị truy xét.

Không ăn khớp cũng có thể diễn ra theo chiều ngược lại, Gladwell đã kể câu chuyện về cô sinh viên đại học Amanda Knox làm ví dụ. Cô sinh viên người Mỹ theo học tại Ý Knox ở chung phòng với Meredith Kercher. Khi Kercher được phát hiện tử vong trong căn hộ của hai người, Knox và hai nghi can khác bị triệu tập. Trong các cuộc hỏi cung của cảnh sát và những lần đứng trước tòa, “Knox cáo già” không có những biểu hiện một người vô tội thường có theo quan điểm của những người bình thường. 

Cô này nói lớn tiếng, cười cợt với bạn trai và đánh hông trước mặt các điều tra viên khi đi phục dựng hiện trường. Công tác điều tra bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Knox bị buộc tội giết người và bị tống vào tù. Sau đó, khi bản kháng cáo được chấp nhận và đủ bằng chứng buộc tội thủ phạm thực sự, Knox được tuyên trắng án và trả tự do. Theo tác giả, tội thực sự của cô này là “sự kỳ cục”. Ông cũng nói “Chúng ta đã xây dựng nên xã hội mà ở đó một nhóm người bị phân biệt đối xử chỉ vì họ không tuân theo những quan niệm ấu trĩ của số đông về sự phản ánh dù họ vô tội.”

“Nhìn mặt mà bắt hình dong”: Sai lầm đánh giá bản chất con người qua case studies về những ác nhân tai tiếng trong lịch sử - Ảnh 3.

Vậy làm cách nào để tránh khỏi những điểm mù sai lầm này?

Gladwell đưa ra khá nhiều đề xuất nhưng 3 điểm liên quan nhất là:

Chúng ta phải ý thức được rằng mình là những “thẩm phán” tồi và cách chúng ta đánh giá tính cách của người khác bị ảnh hưởng bởi những định kiến vốn có của con người.

Chúng ta cần cân nhắc mọi thông tin có được về đối tượng mình gặp gỡ thay vì chỉ dựa vào những ấn tượng về vẻ ngoài của đối phương.

Chúng ta nên cố đưa vào các tương tác sự cởi mở và vị tha, tha thứ cho những người trót mắc sai lầm là bảo vệ cho những kẻ phạm tội.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM