img
Nhìn lại tuyết trắng Thường Châu đến Dubai tràn nắng: Từ bây giờ, chúng ta sẽ không còn tự ti trong những giải đấu tầm châu lục - Ảnh 1.
Nhìn lại tuyết trắng Thường Châu đến Dubai tràn nắng: Từ bây giờ, chúng ta sẽ không còn tự ti trong những giải đấu tầm châu lục - Ảnh 2.

20/1/2018. Đúng thời điểm này của một năm về trước, U23 Việt Nam bất ngờ quật ngã U23 Iraq trên chấm phạt luân lưu trong một trận cầu mãn nhãn, no nê cả bàn thắng và kịch tính. Đấy không phải là lần đầu tiên thầy trò ông Park Hang-seo khiến cả châu Á phải ngạc nhiên, nhưng từng bước tiến của đội quân áo đỏ hồi ấy vẫn mang đậm dấu ấn “ngựa ô”.

Như tất cả cùng khắc ghi tâm khảm, chiến thắng U23 Qatar (cũng bằng sút 11m) sau đó mở ra cánh cửa chung kết giải U23 châu Á. Thường Châu tuyết trắng không phải nơi chúng ta đoạt cúp vàng, nhưng siêu phẩm cầu vồng của Quang Hải hay lá cờ màu máu của Duy Mạnh đã trở thành biểu tượng cho một cái tên Việt Nam trỗi dậy.

Nhìn lại tuyết trắng Thường Châu đến Dubai tràn nắng: Từ bây giờ, chúng ta sẽ không còn tự ti trong những giải đấu tầm châu lục - Ảnh 3.

Trỗi dậy thế nào, thì chúng ta quay trở lại ngay với niềm hân hoan, sung sướng hiện thời.

20/1/2019. Vẫn là trận đầu tiên của vòng loại trực tiếp, nhưng giải đấu đã được nâng tầm: Asian Cup, nơi hội tụ những đội tuyển quốc gia hay nhất Á châu. Vẫn là một đối thủ trên tài: Jordan – nhất bảng đấu của họ với thành tích chưa hề thủng lưới, trong khi Việt Nam chật vật lọt qua khe cửa hẹp chỉ nhờ hơn Lebanon ở tiêu chí fair-play.

Nhưng Công Phượng đã lại ghi bàn, một pha bóng còn đẹp hơn và mang tính dàn xếp đồng đội hơn cả bàn thắng anh ghi vào lưới U23 Iraq năm ngoái (đá nối sau pha tung móc ngẫu hứng của Phan Văn Đức). Người kiến tạo cho Phượng hôm qua vẫn là một cầu thủ của “lò” Sông Lam – Trọng Hoàng, và bàn xé tung nóc lưới Jordan đã cứu tuyển Việt Nam khỏi nguy cơ thất bại ngay trong 90 phút.

Trên chấm phạt đền, lịch sử đã lặp lại với may mắn từ khung gỗ cùng sự xuất sắc của Văn Lâm. Nếu “thần tài” năm ngoái là Bùi Tiến Dũng với phong cách bắt 11m đầy chất “phủi” thì bây giờ, Văn Lâm cũng thể hiện được ưu thế của óc phán đoán, sải tay dài và phần nào đó cái tư chất của một người được đào tạo bài bản ở Spartak Moskva.

UAE với sa mạc, cát vàng và nắng ngập tràn trong cái ngày cả nước nhớ đến Thường Châu băng giá, dường như có một mối lương duyên sâu thẳm. Giống như mối lương duyên mà bóng đá Việt Nam có được lứa cầu thủ tài năng từ HA.GL, Hà Nội và các vùng miền khác, rồi lại có được ông Park Hang-seo như một món quà Thượng đế ban cho.

Như bao lần thắng trong vinh quang khác, người hâm mộ nô nức đổ xuống đường, giới chuyên môn nghẹn giọng y như những người xem đá bóng chỉ bằng tình yêu thuần tuý, còn các cầu thủ và ông Park thì nhanh chóng nén niềm vui lại để chuẩn bị cho những thách thức lớn hơn. Nhưng lúc này, cái mốc một năm khiến chúng ta bỗng nhiên phải “đằm” mình lại, để nhận ra chúng ta thực sự có thể đang đứng ở đâu, và tận hưởng niềm vui ở đẳng cấp nào.

Nhìn lại tuyết trắng Thường Châu đến Dubai tràn nắng: Từ bây giờ, chúng ta sẽ không còn tự ti trong những giải đấu tầm châu lục - Ảnh 4.

Một năm là quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không hề ngắn để “lửa thử vàng”.

Trong một năm ấy, HLV Park Hang-seo đã 3 lần đánh bại nhà cầm quân đẳng cấp thế giới Sven Goran Eriksson, nếu tính cả 2 trận bán kết AFF Cup đi – về và giao hữu trước thềm Asian Cup. Thực ra thì không cần biết đối trọng là ai, ông Park cũng thừa chỉ tiêu để thuyết phục toàn bộ cộng đồng bóng đá Việt Nam, bao gồm luôn cả lực lượng “cư dân mạng” khó tính và ưa chỉ trích.

Cũng trong một năm ấy, U23 Việt Nam đã chứng tỏ họ không phải là những kẻ ăn may, đã bước những bước căn cơ, bền vững để hoá thân thành tuyển Việt Nam hiện tại. Nó trải qua bước đệm U23 + 3 tại Asiad (vẫn lọt vào Top 4), hội tụ đủ tinh hoa già – trẻ để hoàn thành mục tiêu vàng AFF Cup, để rồi đến kỳ Asian Cup lần này, rút bớt những nhân tố cựu binh như Anh Đức, Văn Quyết để hướng đến một tương lai có thừa cả sức trẻ lẫn độ dạn dày.

Những tính toán của ông thầy Hàn Quốc có thể vắt sức Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Công Phượng, Văn Đức… những người chơi tất cả các giải đấu quan trọng nhất của năm qua. Nhưng bù lại, sự va đập liên tục ở môi trường bên ngoài “ao làng” giúp họ có được cái lì lợm, tự tin trước mọi đối thủ, dù yếu hay mạnh, mọi hoàn cảnh, dù thuận lợi hay khó khăn.

Đấy là những phẩm chất đã làm nên tuyển Việt Nam vừa thắng oanh liệt Jordan, trong một trận đấu bị dẫn trước, bị đối phương dồn ép bằng thể hình, thể lực nhưng bản lĩnh đã giúp đổi thay tất cả.

Nhìn lại tuyết trắng Thường Châu đến Dubai tràn nắng: Từ bây giờ, chúng ta sẽ không còn tự ti trong những giải đấu tầm châu lục - Ảnh 6.

Bàn thắng của Công Phượng đã là rất quý. Nhưng tinh thần và lối chơi của cả đội trong suốt thời gian còn lại của trận đấu mới là tài sản vô giá cho bóng đá Việt sau này. Chúng ta không chỉ thoát hiểm, không chỉ chống đỡ mà còn bùng lên chơi sòng phẳng, thậm chí dồn ép Jordan bằng một áp lực khủng khiếp trong nhiều thời điểm đã được chuẩn bị.

Ông Park chuẩn bị thế nào? Đó là khi hàng thủ chơi rất tập trung để hoá giải các đợt hãm thành có chủ đích của Jordan ở đầu các hiệp đấu. Đó là khi Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức, Trọng Hoàng tăng tốc với những pha dàn xếp đổi hướng tấn công đa dạng, đôi khi chẳng nề hà chiều cao, cân nặng để treo bóng vào trước khung thành. Đó là khi tuyến hai với Hùng Dũng là điển hình, sẵn sàng rình bóng bật ra để sút xa, điều ít thấy trong cách đá xưa nay của Việt Nam. Đó cũng là khi các cầu thủ bỏ hẳn lối phá bóng cầu may, họ giải vây bằng cách châm ngòi cho những đợt phản công…

Những bài học trận mạc, những miếng đánh hiện đại, cách tiếp cận trận đấu thận trọng, linh hoạt nhưng đầy lạc quan và một nền tảng thể lực đủ đáp ứng những yêu cầu khắc nghiệt - đã giúp tuyển Việt Nam của ông Park có được một tầm vóc mới.

Tầm vóc ấy khiến chúng ta điềm tĩnh vượt qua Yemen trong điều kiện cần rất gắt gao, không vỡ trận trước Iran, thậm chí ghi đến 2 bàn vào lưới Iraq chính tại Asian Cup lần này. (12 năm trước, tuyển Việt Nam của HLV Alfred Rield lập kỳ tích vào tứ kết giải 2007 gần như không được chơi bóng khi bị Iraq loại bằng tỉ số 2-0).

Tầm vóc ấy khiến chúng ta đã lâu rồi, vượt qua được nỗi ám ảnh trước những cuộc đối đầu Tây Á. Chúng ta có thể chưa bằng họ về đẳng cấp, nhưng sự nỗ lực, tập trung và khí chất chiến binh – như báo châu Á bình luận – giúp chúng ta có những trận đấu cân bằng. Thực tế là ngoại trừ 2 ông lớn Iran, Iraq (thêm UAE thắng Việt Nam ở trận tranh HCĐ Asiad), những đối thủ khác Tây Á khác đều chưa thể đánh bại được các đội bóng Việt Nam từ khi ông Park cầm quân. Thậm chí, ông thầy Hàn Quốc còn “bỏ túi” những chiến thắng trước Qatar, Bahrain, Syria…

Tầm vóc ấy khiến chúng ta có thể nghĩ đến AFF Cup với một áp lực nhẹ nhàng hơn. Chúng ta vẫn chờ đợi để so tài Thái Lan, nhưng khi cơ hội ấy chưa tìm đến, chúng ta đã làm tốt, làm khá nhẹ nhàng phần việc của mình trước Philippines, Malaysia… Và dẫu trong bóng đá không có phép so sánh, bắc cầu, vẫn phải thừa nhận rằng ở một trình độ đã được tôi luyện tại đấu trường châu lục thì chúng ta vô địch Đông Nam Á là xứng đáng.

Bây giờ thì tuyển Việt Nam đang “toạ sơn quan hổ đấu” để chờ đối thủ của mình ở vòng tứ kết Asian Cup 2019. Có thể là Nhật Bản. Cũng có thể là Saudi Arabia. Nhật thì ông Park đã từng thắng một lần, đội còn lại thì nằm trong nhóm Tây Á. Nghĩa là về lý thuyết, chúng ta không có gì phải run sợ cả.

Và hẳn là cũng đã đến lúc những thống kê thành tích cho phép chúng ta đón nhận niềm vui ở sân chơi châu lục bằng một tâm thế mới. Đó là tâm thế đội bóng đã vượt qua được giới hạn của bản thân, đã sẵn sàng, luôn cố gắng và ngày càng chơi sòng phẳng hơn hoặc thu hẹp khoảng cách đáng kể với tất cả các nền bóng đá phát triển của châu Á. Nếu cần minh chứng, xin được thống kê lại một lần: từ Thường Châu đến Dubai, qua 3 giải đấu lớn mà chúng ta tham dự, cái tên Việt Nam đang là Á quân U23, Top 4 Asiad và lúc này, tạm thời nằm trong 8 đội mạnh nhất Asian Cup.

Nhà viết truyện cổ tích Park Hang-seo thì không hề có ý định dừng sáng tác…


Sport5
Internet, Sport5
Nhật Ánh
Theo Trí Thức Trẻ21.01.2019

Trí Thức Trẻ