Nhìn lại ngày 11/11 ở xứ Trung: Vẫn bổn cũ soạn lại nhưng sao năm nay lại phản tác dụng, khách mua vắng hơn, lời lãi kém hẳn?

14/11/2023 09:59 AM | Kinh doanh

Người tiêu dùng ngày càng thông minh, khuyến mại kiểu thiếu trung thực là mất khách.

Dịp lễ Độc Thân 11/11 ở Trung Quốc từ lâu đã trở thành một siêu lễ hội mua sắm nhộn nhịp, rầm rộ. Tuy nhiên, đã có nhiều nhận xét rằng năm nay các nền tảng mua sắm tại Trung Quốc làm ăn kém hẳn so với những “mùa Độc Thân” trước.

Theo thống kê của Syntun (Trung Quốc), tổng giá trị giao dịch của các nền tảng thương mại điện tử tổng hợp vào các ngày 11/11 hàng năm đang giảm đi thấy rõ: năm 2020 là 498,2 tỉ NDT, năm 2021 là 600 tỉ NDT, năm 2022 là 557,1 tỉ NDT và năm 2023 chỉ vỏn vẹn 310,5 tỉ NDT. Nguyên nhân cốt lõi không phải là do tình hình kinh tế chung mà là do ba yếu tố dưới đây.

Quanh năm khuyến mãi, cần gì chờ đến 11/11?

Một trong những nguyên nhân khiến lễ hội mua sắm ngày 11/11 đang trở nên “nhạt” là do chuyện khuyến mãi, giảm giá đã trở nên quá đỗi bình thường đối với người tiêu dùng. 2/3 các đợt giảm giá trên nền tảng Tmall của Alibaba rơi vào các ngày hội mua sắm, còn lại là giảm giá theo mùa, giảm giá trong kỳ nghỉ lễ hoặc vào một dịp bất kỳ nào đó.

Các chương trình khuyến mãi trên livestream hay các nền tảng lớn khác ở Trung Quốc như JD và Pinduoduo cũng được tung ra liên tục khiến người dùng thấy nhàm chán. Các đợt khuyến mãi không còn khan hiếm nên người ta cũng chả có lý do gì để trông mong ngày 11/11.

photo-1699874367437

Đẩy giá cao rồi mới giảm - mánh khóe quá cũ

Lợi ích thực tế mà người dùng nhận được qua đợt khuyến mãi ngày 11/11 không nhiều. Sau nhiều năm, người ta đã quá quen với mánh khóe đẩy giá cao rồi mới giảm của các cửa hàng, khiến cho giá của sản phẩm “giảm cũng như không” hay thậm chí còn đắt hơn bình thường.

Một khách hàng đến từ Thâm Quyến, Trung Quốc phát hiện ra rằng chai dầu gội cô mới mua trong đợt giảm giá 11/11 ngày thường chỉ có giá 128 NDT nhưng đến lễ Độc Thân lại tăng lên thành 162 NDT. Cô yêu cầu bộ phận chăm sóc khách hàng hoàn lại khoản chênh lệch giá vô lý nhưng bị từ chối. Đã có hơn 60.000 khiếu nại về trải nghiệm mua sắm ngày 11/11 trên nhiều nền tảng, chủ yếu là vì giá cả "không trung thực".

photo-1699874426735

Người dùng ngày nay thực dụng hơn

Trước đây, không khí lễ hội trong ngày 11/11 ở Trung Quốc rất đậm nét. Người ta “phát cuồng” với việc mua sắm, bỏ vào giỏ hàng bất cứ thứ gì mình thích rồi khoe những gì mình mua được trên mạng xã hội. 

Nhưng ngày nay, người tiêu dùng xứ Trung đã trở nên thực dụng và lý trí hơn. Một số cư dân mạng cho biết, giá thấp không có nghĩa là chất lượng cao, và càng không có nghĩa là nó cần thiết trong cuộc sống của họ.

Chưa kể, nhiều nền tảng còn đưa ra các chiến lược khuyến mãi chồng chéo rắc rối: thưởng mua sắm, hoàn tiền, tích điểm, số dư tài khoản, voucher, … Nhiều trong số các chế độ khuyến mãi này có thể được áp dụng đồng thời, gây ra cảm giác cồng kềnh, mệt mỏi khi kiểm tra lại số tiền cuối cùng phải trả. Nhiều cư dân mạng còn bày tỏ: “Tôi đến đây để mua sắm chứ có phải để làm toán đâu”. Người tiêu dùng đã không còn “khát” khuyến mãi đến mức chịu ngồi tính toán tỉ mẩn như trước nữa, giờ đây chỉ cần thấy bất tiện, tốn thời gian vô ích là họ bỏ đi.

Tờ báo kinh tế Yicai của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát người dùng độ tuổi 18 đến 40 nhân ngày 11/11. 41,67% người tham gia cho biết họ không bị “lay động” bởi quảng cáo giá thấp. 48,96% người tham gia nói rằng họ mua sắm ít hơn so với trước đây.

photo-1699874724569

Những chiêu trò cũ dùng suốt mấy năm trước của các cửa hàng, nền tảng xứ Trung trong ngày 11/11 đến nay đã phản tác dụng. Ngành thương mại điện tử nước này đã chuyển từ giai đoạn ổn định sang bão hòa. Nếu không có những chiến dịch quảng cáo mới lạ và “trung thực” hơn, lễ hội mua sắm ngày 11/11 sẽ dần trở nên mờ nhạt và không còn được mong đợi nữa.

Tham khảo từ: Net Ease

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM