Nhìn lại "năm tuổi" của những doanh nhân tuổi Tuất giới ngân hàng: Nhiều người "phất" lên trông thấy

04/02/2019 13:40 PM | Kinh doanh

Quan niệm "năm tuổi" sẽ có nhiều khó khăn thế nhưng lại không đúng khi nhìn vào năm vừa qua của 3 doanh nhân ngân hàng tuổi Tuất. Sự nghiệp của họ không chỉ có nhiều thuận lợi và thành tựu; khối tài sản cũng gia tăng đáng kể trên sàn chứng khoán.

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, "năm tuổi" là năm sinh gắn với con giáp theo vòng tuần hoàn. Người ta tin rằng vào năm tuổi, nhiều điều không may mắn sẽ xảy ra đối với sự nghiệp và cuộc sống đối với con giáp đó. Trong giới tài chính ngân hàng, có không ít lãnh đạo, doanh nhân nổi tiếng sinh vào năm Tuất.

Thế nhưng năm Mậu Tuất vừa qua lại ghi nhận một năm thành công, thậm chí là "rực rỡ" với nhiều ông chủ, bà chủ nhà băng. Họ không chỉ có một năm thành công với lĩnh vực ngân hàng mà cơ nghiệp ngoài ngành cũng có được thành quả tích cực, tài sản ngày càng gia tăng.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank (sinh năm 1970, Canh Tuất)

Vị Chủ tịch Techcombank sinh ngày 8/6/1970, là doanh nhân trở về từ Đông Âu và là một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong giới tài chính ngân hàng nhiều năm qua nhưng lại khá kín tiếng với giới truyền thông.

 Nhìn lại năm tuổi của những doanh nhân tuổi Tuất giới ngân hàng: Nhiều người phất lên trông thấy  - Ảnh 1.

Năm 2018 có thể xem là một năm thành công rực rỡ của vị doanh nhân này khi Techcombank chính thức lên sàn HoSE, lọt top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất và có kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng. Mã cổ phiếu TCB chào sàn với mức giá 128.000 đồng/cp, là cổ phiếu ngân hàng có giá cao nhất lúc này.

Với mức lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt hơn 10.600 tỷ, Techcombank là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Không những thế, nhà băng này còn vượt qua loạt "ông lớn" ngân hàng thương mại nhà nước để vươn lên vị trí á quân lợi nhuận. Vốn điều lệ của Techcombank cũng một bước tăng vọt 3 lần lên gần 35.000 tỷ, là ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay.

Tài sản của ông Hồ Hùng Anh cũng tăng lên nhanh chóng sau khi TCB lên sàn. Dữ liệu của CafeF cho thấy, cuối năm 2018, ông Hồ Hùng Anh cùng với mẹ, vợ, con trai và em dâu nắm giữ 17,02% cổ phần Techcombank, trị giá khoảng 16.200 tỷ đồng. Ngoài ở Techcombank, ông Hùng Anh còn sở hữu 1.000 tỷ đồng cổ phiếu Masan Group và gián tiếp sở hữu nhiều tài sản khác.

Nếu xét cả số tài sản sở hữu trực tiếp và gián tiếp thì ông Hùng Anh và người nhà còn được cho là có đến 37.000 tỷ đồng, và là cái tên sáng giá nhất trong top danh sách các tỷ phú đô la tiếp theo của Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Bá Dương.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HDBank (Canh Tuất – 1970)

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 là một nữ doanh nhân, tỷ phú USD đầu tiên và duy nhất của Việt Nam theo xếp hạng của Forbes. Bà hiện vừa là tổng giám đốc của VietJet Air vừa là Phó chủ tịch HĐQT HDBank. Cùng với Chủ tịch HĐQT là bà Lê Thị băng Tâm, hai bóng hồng quyền lực này đã có nhiều ảnh hưởng trong chiến lược đổi mới và phát triển vượt bậc của HDBank.

 Nhìn lại năm tuổi của những doanh nhân tuổi Tuất giới ngân hàng: Nhiều người phất lên trông thấy  - Ảnh 2.

Năm 2018, HDBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 4.005 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 65,7% so với năm 2017, tiếp tục nằm trong Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống. Khả năng sinh lời trên vốn ROE và khả năng sinh lời trên tổng tài sản ROA đạt lần lượt 20,27% và 1,58%. Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank được kiểm soát ở mức 0,97%.

HDBank là một trong những nhà băng tích cực mở rộng mạng lưới nhất trong năm vừa qua khi hoàn tất việc tăng thêm 45 chi nhánh/phòng giao dịch, nâng quy mô mạng lưới lên 285 điểm.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, năm 2018 HDBank còn có nhiều sự kiện nổi bật. Cổ phiếu HDB được niêm yết trên sàn chứng khoán hồi đầu năm và nằm trong nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh. Ngân hàng đã được sự chấp thuận của NHNN để nhận sáp nhập PGBank, một ngân hàng nhỏ nhưng được cho là sẽ mang lại nhiều lợi thế cho HDBank, đặc biệt là từ cổ đông Petrolimex.

Không chỉ HDBank mà Vietjet cũng có kết quả kinh doanh tích cực. Năm 2018, Vietjet đạt doanh thu thuần cả năm đạt hơn 52.000 tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 3% lên 5.216 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 37,6%.

Năm Mậu Tuất cũng là năm vị nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam nhận được nhiều sự công nhận từ quốc tế. Bà Thảo được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 (xếp ở vị trí thứ 44) của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.

Bà Thảo hiện đang sở hữu gần 40 triệu cổ phiếu VJC và 36 triệu cổ phiếu HDB. Khối tài sản này hiện có giá trị lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Chưa kể, bà Thảo còn đang đại diện cho SOVICO sở hữu gần 131 triệu cổ phiếu HDB và 24,7 triệu cổ phiếu VJC có tổng giá trị hơn 7.000 tỷ đồng.

Bà Thái Hương, Tổng Giám đốc BacABank (sinh năm 1958, Mậu Tuất)

Doanh nhân Thái Hương sinh năm 1958, quê Nghệ An được nhiều người biết đến hơn với vai trò là người sáng lập Tập đoàn TH True Milk. Ít người biết bà vốn xuất thất thân là dân tài chính và trước đó đã nổi tiếng với vai trò hàng đầu tại ngân hàng Bắc Á và hiện bà đang giữ vị trí Tổng Giám đốc đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT tại nhà băng này.

 Nhìn lại năm tuổi của những doanh nhân tuổi Tuất giới ngân hàng: Nhiều người phất lên trông thấy  - Ảnh 3.

Năm 2018, BacABank có lợi nhuận trước thuế đạt 842 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2017 và hoàn thành kế hoạch đặt ra. Nợ xấu tại nhà băng này luôn được duy trì ở mức thấp so với mặt bằng chung của hệ thống. Tại thời điểm ngày 31/12/2018, BacABank có 488 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 0,76% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Được biết, bà Hương nắm giữ hơn 21,6 triệu cổ phiếu BAB, tính đến ngày 1/2/2019 có giá trị khoảng 447 tỷ đồng.

BacABank của bà Thái Hương là một ngân hàng quy mô khá nhỏ trong hệ thống với tổng tài sản đạt hơn 91.000 tỷ đồng. Năm 2018, ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thành công từ mức 5.000 tỷ lên gần 5.500 tỷ.

Nhìn chung, BacABank vẫn tiếp tục có một năm hoạt động hiệu quả và là một trong những ngân hàng nhỏ lành mạnh nhất hiện nay. Tuy nhiên năm 2018, dấu ấn của bà Thái Hương lại chủ yếu gắn với cái tên TH True Milk khi Tập đoàn TH chính thức khởi công nhà máy chế biến sữa công suất 1.500 tấn/ ngày tại Kaluga, Liên Bang Nga.

Theo Hải Vân

Từ khóa:  doanh nhân
Cùng chuyên mục
XEM