Nhìn cách Sơn Đoòng được quản lý, hang đá ở Hạ Long có tủi phận không?

26/09/2016 10:26 AM | Kinh tế vĩ mô

Những bức ảnh chụp lại khung cảnh tiệc tùng của hàng trăm người trong hang động ở Hạ Long khiến nhiều người không khỏi giật mình.

"Nỗi buồn" bị biến thành phòng tiệc

Đầu tháng 9, trên mạng xã hội đã lan truyền nội dung quảng bá dịch vụ tổ chức các buổi tiệc, kỷ niệm sinh nhật, ăn uống linh đình trong các hang động trên vùng di sản vịnh Hạ Long . Địa điểm tổ chức cụ thể chính là ở hang Trống hoặc hang Hồ Động Tiên với chi phí cho mỗi thực khách từ 3 đến 5 triệu đồng/người.

Theo đó, để biến hình thành khung cảnh “lãng mạn, thần tiên” phục vụ hàng trăm “thượng đế”, các hang đá ở Hạ Long đã bị cơ giới hoá với những sàn gỗ rộng cả trăm mét vuông, các vách đá bị xâm phạm nghiêm trọng nhằm đặt sân khấu cho bữa tiệc.

Và khi báo chí ghi nhận, các thạch nhũ trong hang Trống gần như không còn phản quang, nhiều khối thạch nhũ bị rêu xanh bề mặt, một số lại bị ám màu đen, nước từ trần hang nhỏ xuống sàn gỗ lênh láng.

Thực ra, không phải đến đầu tháng 9 các hang động ở Hạ Long mới bị biến thành phòng tiệc mà nó đã diễn ra hơn 10 năm nay. Bởi theo lời ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long: “Một số công ty du lịch trên địa bàn đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép hoạt động dịch vụ ăn uống tại một số hang động trên vịnh Hạ Long từ năm 2005".

Và nếu quay ngược thời gian về năm 2012, một trong những du thuyền 5 sao hạng sang bậc nhất của vịnh Hạ Long đã tổ chức một buổi dạ tiệc siêu sang cho toàn bộ ban giám khảo và thí sinh Vietnam’s Next Top Model tại hang Trống.

Nhìn sang Sơn Đoòng mà “tủi phận”

Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, được mở cửa cho khách du lịch vào thăm quan từ năm 2013. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Bình chỉ cho phép công ty du lịch Oxalis đưa một lượng khách giới hạn vào thăm quan, khoảng 500 đến 600 người mỗi năm. Hạn chế này được lý giải vì vấn đề an toàn và bảo tồn thiên nhiên.

Để trở thành vị khách may mắn đi thăm quan hang Sơn Đoòng, ngoài việc đăng ký nhanh nhất khách phải đáp ứng được yêu cầu về thể lực, trí tuệ và phải chi một mức giá khá cao, lên đến 3.000 USD/người. Cho đến nay, số người vào được trong hang này vẫn ít hơn số người leo được lên đỉnh Everest.

Đánh giá về việc quản lý du lịch hang động nói trên, PGS. TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho biết hang Sơn Đoòng là ví dụ khá tốt về việc quản lý du lịch hang động. Các nhà quản lý đã quan tâm đến chuyện tính toán sức chứa của tài nguyên thiên nhiên, đã hiểu được rằng lượng khách đến không phải là yếu tố hàng đầu mà mục tiêu cuối cùng phải là cung cấp các dịch vụ để khách được trải nghiệm tốt nhất.

Mặt khác, khi lượng khách quá đông tại một thời điểm sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên khiến cho chúng bị xuống cấp, giống như việc Hạ Long cho phép các công ty du lịch đưa hàng trăm khách vào trong hang Trống, hang Động Tiên mở tiệc, mà theo ông là “bậy vô cùng”.

“Cái hang cũng là vật thể sống chứ không phải vô tri vô giác. Nó sẽ bị xuống cấp nếu như có quá nhiều khí cacbonic. Đấy là chưa kể những sinh vật sống trong hang sẽ bị tác động, chúng sẽ bỏ đi nơi khác nếu bị quấy rầy, và như thế hang động ấy sẽ trở thành hang chết, thành những cái hang không có linh hồn”, ông Lương phân tích.

Quản lý ở hang Sơn Đoòng rất hay. Việc hạn chế lượng khách không chỉ bảo tồn được hang mà còn làm tăng cảm giác thèm muốn của du khách. Và tất nhiên, để trải nghiệm một cảm giác có một không hai, khách sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Cho đến nay những cái hang ở Hạ Long vẫn đang chờ câu trả lời của lãnh đạo địa phương. Nhưng nếu được lên tiếng, hẳn nó sẽ thốt lên lời ghen tị với Sơn Đoòng, không phải vì Sơn Đoòng là kỳ quan thế giới, mà là cách nó được quản lý địa phương đối xử.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM