Nhiều Thượng Nghị sĩ Mỹ muốn mời Facebook, Twitter và Google đến điều trần vì hợp tác với công ty Trung Quốc

10/06/2018 19:25 PM | Công nghệ

Các thành viên đứng đầu Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ đang muốn các giám đốc điều hành của 3 công ty Facebook, Google và Twitter có mặt tại một buổi điều trần trước công chúng, nhằm trả lời chất vấn về vấn đề bảo mật trên các nền tảng này, bao gồm mối quan hệ của những công ty này với các công ty viễn thông Trung Quốc.

Theo Bloomberg, giới lập pháp Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đang ngày càng "săm soi" các công ty công nghệ lớn nhiều hơn, cụ thể là ở cách thức mà các công ty này thu thập lượng lớn dữ liệu người sử dụng và hành động của họ với số dữ liệu đó. Một số ủy viên Quốc hội Mỹ cũng liên tục chỉ trích Facebook trong những ngày gần đây, sau khi công ty này tiết lộ mình chia sẻ dữ liệu cho 4 nhà sản xuất thiết bị di động Trung Quốc dưới dạng quan hệ đối tác.

Nhiều Thượng Nghị sĩ Mỹ muốn mời Facebook, Twitter và Google đến điều trần vì hợp tác với công ty Trung Quốc - Ảnh 1.

Mark Warner, một đảng viên đảng Dân chủ Virginia, người đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, đã gửi một bức thư cho Google vào ngày 7/6 vừa qua. Trong thư, ông yêu cầu Google giải trình về quan hệ của công ty này với các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc, bao gồm Huawei Technologies và Xiaomi, nhằm thăm dò xem liệu số dữ liệu người dùng sẽ được lưu trữ trên di động hay đã được cho phép đưa vào máy chủ các công ty Trung Quốc, và cách những thỏa thuận lưu trữ sẽ được giám sát và thực thi như thế nào.

"Khả năng là các nhà bán lẻ Trung Quốc có mối liên hệ trên giấy tờ với Đảng Cộng sản Trung Quốc để cho tổ chức này có quyền truy cập vào các công cụ phần mềm mà có thể lấy được dữ liệu người dùng từ công ty con của Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google). Việc này dấy lên những mối quan ngại về an ninh quốc gia." ông Warner viết trong bức thư. Một bức thư tương tự cũng được gửi đến Twitter.

Ông Warner cũng đồng thời yêu cầu Google đưa thông tin về vấn đề hợp tác với Công ty Tencent Holding, nhà điều hành dịch vụ nhắn tin mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc WeChat. Trong tháng 1, Google và Tencent đã đạt được thỏa thuận chia sẻ bằng sáng chế và đồng ý sẽ cùng nhau hợp tác phát triển công nghệ trong tương lai.

Google thậm chí còn có thỏa thuận với hàng tá các nhà sản xuất thiết bị, người phát ngôn của Google cho biết.

"Chúng tôi không cung cấp quyền truy cập đặc biệt đến những dữ liệu người dùng của Google như một phần của các thỏa thuận, và những thỏa thuận này cũng bao gồm các biện pháp bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư," phát ngôn viên này cho hay.

Mark Warner nói rằng ông vui mừng vì mình không phải tham gia vào buổi điều trần của CEO Facebook Mark Zuckerberg, trong khi rất nhiều Thượng nghị sĩ phải đến cho dù họ không hiểu biết nhiều về mạng xã hội cũng như cách mà các tập đoàn công nghệ thu thập thông tin người sử dụng.

"Tôi nghĩ giờ chúng ta đã nắm bắt được nhiều thông tin hơn", ông Warner nói. Trước đó, Mark Warner cùng Thượng nghị sĩ Richard Burr - Chủ tịch của Ủy ban Tình báo - đã từng nhắc đến việc tổ chức các phiên điều trần về mạng xã hội gây ảnh hưởng có liên quan đến cuộc thăm dò những ảnh hưởng của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Nhưng lần này ông Warner còn hỏi cả Google và Twitter xem họ có những thỏa thuận tương tự với các công ty công nghệ Trung Quốc như Facebook tiết lộ hay không. Phía Huawei nói rằng họ không bao giờ lấy hay lưu trữ thông tin cá nhân người dùng.

Tờ Wall Street Journal báo cáo gần đây rằng các thành viên của Quốc hội đã bắt đầu rà soát kĩ lưỡng phần hệ điều hành của Android mà Google hợp tác với Huawei.

Đại diện Mike Conaway của bang Texas, người dẫn đầu cuộc thăm dò sự can thiệp của Nga của Ủy ban Tình báo Nhà trắng, đang họp báo để thu thập thêm thông tin về vụ việc của Google và Huawei, theo lời người phát ngôn của ông.

"Tôi quan tâm đến những vấn đề mà người dân không hiểu, những gì đã xảy ra với thông tin cá nhân của họ trên mạng", Thượng nghị sĩ John Cornyn chia sẻ. "Rõ ràng là họ đã có một bài học rằng Facebook và kể cả Google đều đang sử dụng những thông tin này của họ như một công cụ kiếm tiền."

Thượng nghị sĩ Tom Cotton lại có sự lo ngại trước quyết định gần đây của Google về việc ngừng gia hạn hợp đồng Chương trình máy bay drone với Lầu Năm Góc, với tên Project Maven, sau các cuộc biểu tình rộng rãi từ các nhân viên của công ty này.

"Việc Google sẽ từ chối hợp đồng này, và việc công ty này hợp tác với một "cánh tay ảo" của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cùng thời gian đó - sẽ nói cho chúng ta toàn bộ những gì bạn cần biết về sự liên quan mật thiết của sự việc này với vấn đề yêu nước", Tom Cotton nói trong một phát biểu.

Cùng với những căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, mối quan hệ của các ông lớn công nghệ với Huawei đang bị chính phủ Mỹ rà soát chặt chẽ, bởi Mỹ cũng coi Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh. Quốc hội đã ngăn Lầu Năm Góc mua thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE, chỉ ra rằng các sản phẩm này có kết nối với các công ty Trung Quốc, và có khả năng giúp Trung Quốc gián điệp và trộm cắp các tài sản trí tuệ.

Huawei giờ đang bị đánh giá là "Một mối đe dọa đến an ninh quốc gia đến từ Trung Quốc và bất cứ sự hợp tác nào đều có vấn đề", theo lời ông Cornyn.

Duy Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM