Nhiều siêu thị chủ lực của Big C ngày càng "teo tóp" trong khi các đối thủ tăng trưởng mạnh mẽ

06/09/2018 08:09 AM | Kinh doanh

Big C Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống Big C - đạt mức đỉnh doanh thu 3.500 tỷ vào năm 2012 sau đó sụt giảm xuống còn quanh mức 2.700 tỷ đồng trong 2 năm trở lại đây. Tương tự, doanh thu của Big C An Lạc cũng rơi từ mức 2.600 tỷ năm 2012 xuống còn 1.300 tỷ trong năm 2017, tức giảm tới 50%.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1998 với tên gọi ban đầu là siêu thị Cora, Big C đã mau chóng phát triển và trở thành một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam với doanh thu những năm gần đây đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Thời điểm mới thành lập, Big C được đánh giá khá cao nhờ cách thức vận hành khác biệt cùng với quy mô vượt trội so với các đối thủ trong nước như Co.op mart, Citimart, Maximark…và điều này giúp Big C dễ dàng mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn quốc. Hình ảnh hàng dài người xếp hàng thanh toán tại các quầy thu ngân tại Big C là điều không hiếm gặp.

Sau gần 20 năm hoạt động, năm 2016 đánh dấu bước ngoặt quan trọng với Big C Việt Nam khi chuỗi siêu thị này đổi chủ. Cụ thể, trong nỗ lực tái cấu trúc hoạt động, tập đoàn Casino Group của Pháp (chủ sở hữu thương hiệu Big C) tuyên bố đạt thỏa thuận bán Big C Việt Nam cho Central Group của Thái Lan với giá trị 1,1 tỷ USD. Trong khi đó, chuỗi Big C Thái Lan cũng được Casino Group bán cho TCC Group với mức giá 3,5 tỷ USD.

 Nhiều siêu thị chủ lực của Big C ngày càng teo tóp trong khi các đối thủ tăng trưởng mạnh mẽ  - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, Central Group là cái tên khá đình đám trong những năm gần đây với hàng loạt thương vụ M&A như Big C, chuỗi điện máy Nguyễn Kim hay trang thương mại điện tử Zalora.

Sau những năm tháng "thăng hoa", hoạt động của Big C Việt Nam dường như đang gặp không ít khó khăn, bất chấp việc đã đổi chủ sang một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á.

Theo số liệu chúng tôi có được, các doanh nghiệp chủ chốt của hệ thống Big C Việt Nam như Big C Thăng Long (bao gồm các siêu thị Big C tại khu vực Hà Nội), Big C An Lạc (quản lý một số siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh), Big C Hải Phòng (quản lý cả Big C Bắc Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hạ Long), Big C Bình Dương hay Big C Đồng Nai đều sụt giảm hoặc đi ngang trong nhiều năm trở lại đây.

Big C Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống Big C - đạt mức đỉnh doanh thu 3.500 tỷ vào năm 2012 sau đó sụt giảm xuống còn quanh mức 2.700 tỷ đồng trong 2 năm trở lại đây. Tương tự, doanh thu của Big C An Lạc cũng rơi từ mức 2.600 tỷ năm 2012 xuống còn 1.300 tỷ trong năm 2017, tức giảm tới 50%. Doanh thu của Big C An Lạc giảm khá sâu trong năm 2017 có thể đến từ việc một siêu thị trực thuộc là Big C Hoàng Văn Thụ (Quận Phú Nhuận) tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2017.

Ba chuỗi Big C Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai nhìn chung cũng đi ngang trong các năm gần đây.

 Nhiều siêu thị chủ lực của Big C ngày càng teo tóp trong khi các đối thủ tăng trưởng mạnh mẽ  - Ảnh 2.

Cùng với sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Big C Thăng Long cũng giảm mạnh từ 211 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 131 tỷ đồng năm 2016. Sang năm 2017, lợi nhuận có sự tăng trưởng trở lại, đạt 193 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2015.

Với doanh thu giảm đều qua các năm, không bất ngờ khi lợi nhuận Big C An Lạc cũng sụt giảm khá mạnh. Trong năm 2015, lợi nhuận trước thuế Big C An Lạc đạt 184 tỷ đồng và đến năm 2016 chỉ còn 129 tỷ đồng. Năm 2017, tình hình tiếp tục tệ hơn khi lợi nhuận trước thuế Big C An Lạc chỉ còn 92 tỷ đồng.

Do hệ thống Big C Việt Nam gồm hàng chục pháp nhân khác nhau và công ty holding sở hữu các pháp nhân này không nằm tại Việt Nam nên chúng tôi chưa thể đánh giá được đầy đủ thực trạng kinh doanh cả hệ thống. Tuy vậy, với việc các chuỗi lớn nhất hiện diện ở các đô thị lớn đều không tăng trưởng thì kết quả của những siêu thị nhỏ hơn cũng khó có thể đột phá.

Có thể nói, hoạt động kinh doanh của hệ thống Big C Việt Nam những năm gần đây giảm sút là điều khá bất ngờ trong bối cảnh ngành bán lẻ vẫn đang tăng trưởng tích cực. Trong năm 2017, doanh thu bán lẻ Việt Nam đạt 2,9 triệu tỷ đồng (130 tỷ USD), tăng 10,6% so với năm trước đó và là con số kỷ lục từ trước tới nay. Theo dự báo của viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ đạt 11,9%/năm.

 Nhiều siêu thị chủ lực của Big C ngày càng teo tóp trong khi các đối thủ tăng trưởng mạnh mẽ  - Ảnh 3.

Trong khi Big C đang gặp khó khăn thì những đối thủ cùng ngành như Lotte Mart, Aeon hay Vinmart dù mới xuất hiện nhưng đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam với doanh thu tăng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7Eleven…cũng đang khiến cuộc cạnh tranh trong ngành bán lẻ thêm phần khốc liệt.

Theo Minh Anh

Từ khóa:  siêu thị , Big C
Cùng chuyên mục
XEM