Nhiều mặt hàng có thuế nhập khẩu về 0% từ 01/01/2018: Chờ mua hàng giá rẻ

01/01/2018 14:37 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngoài mặt hàng ô tô, năm 2018 còn nhiều mặt hàng có thể cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan. Trong đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế suất thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế kể từ ngày 01/01/2018.

Ồ ạt cắt giảm thuế

Người tiêu dùng vẫn trông đợi giá ô tô sẽ giảm khi thuế suất thuế nhập khẩu về 0% kể từ ngày 01/01/2018 đối với ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN, thời điểm Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực. Đối với mặt hàng ô tô, hiện nay Thái Lan và Indonesia đang là thị trường dẫn đầu trong khối ASEAN về lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. Năm 2017 thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô trong khối ASEAN chỉ còn 30%, và sẽ về mức 0% kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, ngoài mặt hàng này, một loạt  mặt hàng thiết yếu như  xe máy; phụ tùng, linh kiện ô tô xe máy; thực phẩm; hoa quả nhiệt đới; tủ lạnh; điều hòa; sữa và các sản phẩm từ sữa;… cũng sẽ có mức thuế về mức 0%.

Theo ông Trần Bá Cường - Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương – năm 2018 còn nhiều mặt hàng có thể cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan. Trong đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế suất thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế kể từ ngày 01/01/2018.

“Những mặt hàng này bao gồm ô tô, xe máy; phụ tùng, linh kiện ô tô xe máy; thực phẩm; hoa quả nhiệt đới; tủ lạnh; điều hòa; sữa và các sản phẩm từ sữa;…Khi thuế về 0%, người dân sẽ được hưởng lợi vì được mua hàng giá rẻ”, ông Trần Bá Cường nói.

Cũng theo ông Cường, vấn đề đặt ra là liệu các nhà sản xuất trong nước có cạnh tranh được với các mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN hay không. Đối với mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, các nước trong khu vực không có thế mạnh về sữa như Việt Nam bởi điều kiện khí hậu của Việt Nam lý tưởng hơn cho việc chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các quốc gia trong khu vực không có sữa để bán cho Việt Nam.

“Thay vào đó, họ hoàn toàn có thể nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Australia hay New Zealand và đảm bảo tỷ lệ 40% theo quy tắc xuất xứ giữa các nước ASEAN để được hưởng thuế 0%”, ông Trần Bá Cường cho hay.

Ngoài câu chuyện về thuế, còn chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh, vấn đề quy mô sản xuất như thế nào sẽ đặt ra đối với mặt hàng sữa. Đó là những vấn đề các doanh nghiệp trong nước cần quan tâm để có thể hạ giá thành sản phẩm.

Cũng theo ông Cường, đến năm 2018, tỷ lệ tự do hóa của Việt Nam trong khu vực ASEAN sẽ đạt 98,2%, con số này gần như ở mức cao nhất nếu như so với các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, ngoại trừ hai Hiệp định thế hệ mới là TPP và EVFTA.

Tuy nhiên, phải đến năm 2024 Việt Nam mới có thể gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với những mặt hàng cuối cùng. Theo đó, năm 2024 chúng ta sẽ xóa bỏ thuế suất nhập khẩu đối với 16 dòng thuế xăng dầu còn lại, khi đó mức độ tự do hóa của Việt Nam trong ASEAN lên đến 98,5%.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ đàm phán về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với 31 dòng thuế thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá. Ngoài chuyện thuế quan, chúng ta cũng xóa bỏ hàng rào phi thuế quan gồm: cấp phép nhập khẩu tự động; hạn ngạch thuế quan; giấy phép…. ; các biện pháp minh bạch hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại; hệ thống hỗ trợ xử lý các vấn đề đầu tư phục vụ cho thương mại;…

Nhiều mặt hàng có thuế nhập khẩu về 0% từ 01/01/2018: Chờ mua hàng giá rẻ - Ảnh 1.

Kể từ 01/01/2018, không chỉ mặt hàng ô tô có thuế suất thuế nhập khẩu về 0% trong khối ASEAN.

Đừng quên nguyên tắc xuất xứ

Mặc dù vậy, khi không có quy tắc xuất xứ, việc đàm phán thuế quan là hoàn toàn vô nghĩa, nên nói thuế quan sẽ về 0% khi một hiệp định có hiệu lực là mới chỉ nói phần nổi của tảng băng chìm.

Theo bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương, việc đàm phán về thuế quan và nguyên tắc xuất xứ luôn song hành cùng nhau, giống như chúng ta đi hai chiếc giày ở hai chân.

“Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng, ngay sau khi một Hiệp định thương mại tự do nào đó có hiệu lực thì hơn 90% hàng hóa có mức thuế quan 0%. Nhưng thực ra nếu không đáp ứng được nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ thì không có cách nào hàng hóa có thể được hưởng thuế quan 0%”, bà Bùi Kim Thùy cho biết.

Bà Bùi Kim Thùy cho rằng quan trọng nhất với bất kỳ một Hiệp định thương mại tự do là Chương về thương mại hàng hóa, trong đó có quy định về nguyên tắc xuất xứ. Một Hiệp định sẽ không thể được coi là Hiệp định thương mại tự do nếu thiếu đi điều khoản cơ bản này.

Như đã nói ở trên với mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, một mặt hàng nữa cũng cần quan tâm là dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới. Chúng ta có nhiều nhà sản xuất dầu thực vật nhưng lại không có lợi thế về nguồn nguyên liệu thô để làm ra dầu ăn. Trong khi đó, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và cả Singapore đều có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu nên sẽ tiết kiệm được chi phí hơn rất nhiều so với sản phẩm của Việt Nam.

“Trước đây chúng ta nhập khẩu dầu thô hoặc hạt nguyên liệu từ các nước ngoài khối ASEAN như Argentina, Braxin,… nhưng đến năm 2018 nếu nhập từ các nước ngoài khu vực ASEAN thì sản phẩm sẽ không đáp ứng tiêu chí nguồn gốc xuất xứ, và sẽ không được hưởng thuế ưu đãi nếu xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Như vậy, mặt hàng dầu ăn sẽ khó có thể tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN” ông Trần Bá Cường cho biết.

Hay như mặt hàng hoa quả nhiệt đới, gần đây hoa quả của Thái Lan nhập vào thị trường Việt Nam rất nhiều, giá cả lại không quá đắt đỏ như hoa quả nhập khẩu từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản,… Rõ ràng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt từ năm 2018, đồng thời tạo sức ép cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Ông Trần Bá Cường cho rằng thỏa thuận này cũng hướng các quốc gia tới sự chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, quốc gia nào có thế mạnh ở lĩnh vực nào thì tập trung sản xuất trong lĩnh vực đó. Lĩnh vực nào không mạnh thì có thể thu hẹp dần hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Do vậy, sự chủ động của doanh nghiệp và người dân trong hội nhập sẽ giúp cho họ không phải đối mặt với cái được gọi là mặt trái của hội nhập.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và hoàn tất đàm phán 16 Hiệp định Thương mại tự do. Trong đó có 12 Hiệp định đã ký kết và 4 Hiệp định đang đàm phán. Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hong Kong, Trung Quốc là Hiệp định mới nhất trong tổng số 16 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.

Theo Nguyễn Tuân

Cùng chuyên mục
XEM