Nhiều doanh nghiệp thép thua lỗ trong quý 1/2019 nhưng Hoa Sen vẫn lãi 53,2 tỷ đồng

08/05/2019 13:30 PM | Kinh doanh

Giai đoạn này không phải là thời điểm thuận lợi của ngành thép. Chiến tranh thương mại diễn ra trong năm ngoái và xu hướng bảo hộ tại các thị trường nước ngoài đã khiến ngành thép Việt Nam nói chung và ngành tôn nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo quý 1 cho thấy nhiều doanh nghiệp thép đều sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ hai con số, thậm chí nhiều công ty báo lỗ.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) vẫn hoạt động ổn định với doanh thu hơn 6.911 tỷ đồng và có lãi 53,2 tỷ đồng sau thuế nhờ duy trì được doanh thu xuất khẩu mặc dù gặp nhiều rào cản thương mại từ các nước và doanh thu thị trường nội địa từ hệ thống 563 cửa hàng bán lẻ trên cả nước.

Diễn biến khó đoán của nguyên liệu đầu vào đã khiến biên lợi nhuận trong quý của Hoa Sen chỉ đạt 11,3% so với mức 13,5% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên công ty đã giảm được đáng kể các loại chi phí trong kỳ.

Chi phí tài chính của HSG giảm 49 tỷ đồng (từ 253 tỷ đồng xuống 204 tỷ đồng), trong đó chi phí lãi vay giảm 24 tỷ đồng (từ 216 tỷ đồng xuống 192 tỷ đồng).

Để giảm được chi phí như vậy, Hoa Sen đã giảm hàng tồn kho gần 2.100 tỷ đồng (từ đầu kỳ 01/10/2018 hơn 6.647 tỷ đồng đến 31/3/2019 chỉ còn 4.561 tỷ đồng); giảm nợ vay ngắn hạn hơn 3.200 tỷ đồng (từ đầu kỳ 01/10/2018 hơn 10.789 tỷ đồng đến 31/3/2019 chỉ còn 7.562 tỷ đồng); giảm nợ vay dài hạn hơn 200 tỷ đồng (từ đầu kỳ 01/10/2018 hơn 3.461 tỷ đồng đến 31/3/2019 chỉ còn 3.258 tỷ đồng).

Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 125 tỷ đồng (từ 249 tỷ đồng xuống 124 tỷ đồng, giảm hơn 50%) nhờ thực hiện chương trình tái cấu trúc một cách đồng bộ, tinh gọn bộ máy nhân sự, tiết giảm các loại chi phí và đưa vào vận hành thành công hệ thống ERP để quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.

Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn của Hoa Sen đã giảm đáng kể từ 2.118 tỷ đầu năm xuống còn 1.761 tỷ, cùng với việc giảm hơn 3.200 tỷ nợ vay ngắn hạn cho thấy tình hình tài chính của Hoa Sen đã lành mạnh hơn đáng kể.

Tại thời điểm 31/3, lợi nhuận chưa phân phối của công ty đạt hơn 1.158 tỷ, tiền và tương đương tiền đạt hơn 370 tỷ đồng.

Theo Hoa Sen, từ đầu tháng 3/2019, hoạt động kinh doanh đã ổn định cùng với các hoạt động tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được triển khai đồng bộ trong thời gian qua nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong các tháng tới sẽ có sự cải thiện đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp thép thua lỗ trong quý 1/2019 nhưng Hoa Sen vẫn lãi 53,2 tỷ đồng - Ảnh 1.

Liên tục xuất khẩu các lô hàng lớn, HSG đã và đang khẳng định vị thế thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế

Theo bản phân tích và nhận định mới nhất của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt thì Tập đoàn Hoa Sen đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh do tác động của giảm giá nguyên vật liệu và hoạt dộng đầu cơ nhiều rủi ro. KQKD dưới kỳ vọng gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư và ảnh hưởng lên giá cổ phiếu. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này vẫn giữ nguyên quan điểm Hoa Sen là thương hiệu tôn mạ và ống thép lớn có độ phủ toàn quốc với thị phần vượt trội, và HSG vẫn duy trì lợi thế tuyệt đối về hoạt động bán lẻ so với hầu hết các đối thủ cùng ngành. "Bằng kế hoạch tiết giảm hoạt động đầu cơ và hạn chế giao dịch với bên liên quan để giảm rủi ro quản trị doanh nghiệp, HSG đang đi đúng hướng để khôi phục lại mức lợi nhuận mà thị trường kỳ vọng ở một doanh nghiệp đầu ngành. Với tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt ở cả thị trường nội địa và quốc tế HSG đang là doanh nghiệp nắm lợi thế rõ ràng nhất để hồi phục lợi nhuận trong trung hạn" – Bản phân tích nhận định.

Theo chứng khoán Rồng Việt, HSG có thể ghi nhận 616 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong NĐTC 2018-2019, tăng 50% so với NĐTC trước và "HSG sẽ hồi phục mạnh mẽ trong các quý còn lại của năm để hoàn thành và vượt kế hoạch LNST 500 tỷ nhờ duy trì tốc độ bán hàng và lực hỗ trợ từ giá thép cán nóng."./.

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM