Nhiều công ty tại Việt Nam lo lắng trễ giao hàng theo hợp đồng do vụ Hanjin

08/09/2016 11:00 AM | Kinh doanh

Những công ty sản xuất theo hợp đồng cung cấp cho các thương hiệu lớn như Nike hay Hugo Boss, trong đó có các nhà máy tại Việt Nam, đang cố gắng để đảm bảo những sản phẩm áo phông, giày thể thao của họ có thể đến tay khách hàng trước dịp lễ cuối năm sau vụ việc phá sản của Hanjin.

Theo ước tính, việc tập đoàn vận tải biển Hanjin đệ đơn phá sản cũng như việc các tàu chở hàng của hãng bị đóng băng tại các cảng biển khiến khoảng 14 tỷ USD tiền hàng hóa bị kẹt lại.

Tập đoàn Esquel Group, một công ty có trụ sở tại Hồng Kông chuyên sản xuất hợp đồng cho các thương hiệu như Nike, Hugo Boss hay Ralph Lauren... đang cố gắng thuê xe tải để chở các nguyên vật liệu từ các tàu vận tải của Hanjin ở cảng biển Trung Quốc cho những nhà máy gần thành phố Hồ Chí Minh một cách sớm nhất có thể.

Trong khi đó, hãng Liaoning Shidai Wanheng, một công ty nhập khẩu và cung cấp vải cho tập đoàn Marks & Spencer cũng quyết định sắp xếp thay thế phương tiện vận tải cho các lô hàng vốn sẽ được vận chuyển bởi Hanjin.

Ông Kent Teh, phụ trách hoạt động của Esquel tại Việt Nam cho biết: “Dây chuyền sản xuất của chúng tôi đang phải chờ đợi (nguyên liệu vận chuyển từ cảng biển Trung Quốc). Có thể chúng tôi sẽ phải dùng đường hàng không để vận chuyển các sản phẩm may mặc cho những khách hàng ở Mỹ và Anh.”


Việt Nam xuất khẩu 82 tỷ USD các mặt hàng tiêu dùng tính đến tháng 6/2016

Việt Nam xuất khẩu 82 tỷ USD các mặt hàng tiêu dùng tính đến tháng 6/2016

Động thái nộp đơn xin phá sản của hãng tàu vạn tải Hanjin-Hàn Quốc đã khiến nhiều loại mặt hàng từ quần áo, túi xách, tivi, lò vi sóng... kẹt trên các cảng biển hoặc trên những con tàu chở hàng lênh đênh ngoài khơi, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu.

Một tòa án tại Mỹ hôm qua đã tạm thời hoãn thi hành án với trường hợp của Hanjin để các tàu của công ty có thể neo đậu và dỡ hàng tại một số cảng như Los Angeles mà không sợ bị chủ nợ tịch thu. Những rắc rối mà Hanjin gây ra có thể ảnh hưởng lớn đến mùa mua sắm cuối năm khi người Phương Tây nghỉ lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh.

Trong năm ngoái, doanh thu bán hàng trong dịp lễ này tại Mỹ đã đạt tới 626 tỷ USD.

Hãng Samsung Electronics, một khách hàng lớn của Hanjin cho biết nếu các sản phẩm của hãng không được dỡ hàng khỏi các tàu chở hàng ngay lập tức thì công ty sẽ buộc phải sử dụng đường hàng không để vận chuyển đến tay khách hàng theo đúng hợp đồng. Kể cả như vậy, Samsung vẫn phải chịu những thiệt hại đáng kể do các chi phí phát sinh.

Cụ thể, Samsung có thể sẽ phải tốn ít nhất 8,8 triệu USD để thuê 16 chiếc máy bay chuyên trở 1.469 tấn hàng hóa đến cho các khách hàng như theo hợp đồng.

Theo Samsung, nhiều công ty bán lẻ khác cũng như người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại đáng kể từ vụ Hanjin.

Trong khi tập đoàn mẹ Hanjin cùng chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng để giải quyết vấn đề khó khăn hiện nay thì các nhà bán lẻ Mỹ hiện đang kêu gọi sự giúp đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực từ vụ việc trên.

Hiện có khoảng 86 tàu chở hàng của Hanjin đang bị kẹt ở 50 cảng biển tại 26 quốc gia do các cảng này từ chối neo đậu, dỡ hàng khi lo ngại Hanjin không có đủ tài chính để thanh toán chi phí.

Ảnh hưởng hình ảnh quốc gia

Trước sự chậm trễ và rắc rối của các tàu chở hàng Hanjin, phía Esquel nhận định việc sản xuất có thể bị trễ mất 1 tuần còn chi phí vận chuyển phát sinh sẽ cao gấp đôi so với kế hoạch. Hiện Esquel đang cố gắng tính toán mọi biện pháp có thể để giao hàng đúng thời hạn theo hợp đồng. Ngoài xe tải, công ty còn tính đến sử dụng các hãng vận tải biển khác và thậm chí là cả máy bay.

Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Anh cho biết một số nhà sản xuất của Việt nam đã chuyển sang sử dụng các hãng vận tải biển khác để đảm bảo giao hàng đúng thời hạn.

Trong khi đó, nhà sản xuất túi xách Michael Kors cho biết họ có một số container hàng hóa trên tàu của Hanjin và lo ngại những ảnh hưởng về chi phí do rắc rối trên gây ra.

Phía Calvin Klein và Tommy Hilfiger cũng cho biết họ có hàng hóa trên tàu của Hanjin nhưng số lượng không lớn nên chúng không ảnh hưởng nhiều đến công ty.

Hiện hiệp hội bán lẻ Mỹ (RILA) đã kêu gọi Bộ trưởng thương mại Mỹ, bà Penny Pritzker và Chủ tịch ủy ban Hàng hải Mỹ (FMC), ông Mario Cordero can thiệp vào vụ việc trên để giải quyết tình hình.

Trong những nỗ lực mới nhất, hãng Hanjin tuyên bố sẽ thanh toán 100 tỷ Won (92 triệu USD) nhằm giải quyết các rắc rối hiện nay.Đảng cầm quyền Saenuri cũng đang đề nghị chính phủ cung cấp khoản vay ưu đãi 100 tỷ Won cho Hanjin.

“Vụ việc gián đoạn vận tải trên đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Hàn Quốc”, chuyên gia kinh tế Lee Sang Jae của Eugene Investment & Securities nhận định.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM