Nhiều cơ sở chế biến gỗ dừng hoạt động

21/10/2023 20:55 PM | Kinh doanh

Thời gian gần đây, do thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, phần lớn cơ sở chế biến gỗ ở Yên Bái hoạt động cầm chừng hoặc dừng hẳn.

Vài năm về trước, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, ngành chế biến ván bóc từ gỗ phát triển rầm rộ. Các xưởng gỗ mở ra la liệt. Tuy vậy, từ khoảng giữa năm 2022 trở lại đây, do giá gỗ xuống thấp, người sản xuất bị ép giá, đầu ra không có, nhiều cơ sở chế biến gỗ lao đao vì thua lỗ phải dừng hoặc hoạt động một cách cầm chừng.

Anh Nguyễn Mạnh Hường - chủ xưởng gỗ ván bóc ở thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên - cho biết, cuối năm 2022, xưởng của gia đình anh dừng hoạt động, ván bóc còn hơn 500 m3 chất đầy 2 kho do chưa tiêu thụ được. Hiện xưởng chỉ thi thoảng khởi động máy móc cho khỏi han gỉ, hỏng hóc.

Theo anh Hường, trước đây sản phẩm bán rất dễ, nhiều doanh nghiệp đến tận nơi mua ván bóc về chế biến. Hiện nay, người mua vắng bóng, thi thoảng có khách nhưng các "thượng đế" lại trả giá rất thấp. Tính ra, trừ chi phí mua nguyên liệu, công sản xuất... doanh nghiệp thua lỗ.

Nhiều cơ sở chế biến gỗ dừng hoạt động - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở chế biến gỗ ở Yên Bái đóng cửa do không tìm được nguồn tiêu thụ.

Cùng chung cảnh ngộ với xưởng gỗ nhà anh Hường, ông Dương Kim Tư - ở thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên - cho biết: Thời cao điểm, mỗi ngày xưởng sơ chế cả chục m3 gỗ nguyên liệu với 6 công nhân lao động thường xuyên và hàng chục nhân công phơi ván mùa vụ. Tuy nhiên, do giá gỗ xuống thấp , nếu bán thì thua lỗ nên xưởng phải dừng hoạt động.

Nói về vấn đề này, ông Lưu Việt Trung - Phó chủ tịch UBND xã Lương Thịnh - cho biết, toàn xã hiện có trên 65 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng . Các sản phẩm chủ yếu là ván ép, gỗ thanh, ván bóc. Từ giữa năm 2022 đến nay, thống kê có trên 20 xưởng xin tạm dừng hoạt động.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh Yên bái có 520 cơ sở chế biến gỗ (trong đó có 44 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 476 hộ cá thể), tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.

Tính đến tháng 7, có trên 230 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng dừng hoạt động.

Nhiều cơ sở chế biến gỗ dừng hoạt động - Ảnh 2.

Người dân đầu tư hàng trăm, hàng tỷ đồng mua máy móc về nhưng phải để không do kinh doanh thua lỗ.

Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Thái Bình - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Yên Bái - cho biết, do nhu cầu các thị trường nhập khẩu gỗ giảm mạnh, không có hoặc rất ít đơn hàng, từ đó, chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ bị đứt gãy tác động trực tiếp đến các cơ sở chế biến gỗ và các hộ dân trồng rừng , buộc nhiều cơ sở chế biến gỗ phải tạm dừng sản xuất.

Mặt khác, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái có công nghệ chế biến còn lạc hậu, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu hàng còn đơn điệu, sản phẩm có sức cạnh tranh không cao… từ đó khiến việc tiêu thụ gỗ chế biến từ rừng trồng gặp vô vàn khó khăn, trở ngại.

Đặc biệt, từ giữa tháng 4, Liên minh châu Âu (EU) có quy định sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải chứng minh không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng . Theo đó, toàn bộ những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trên đất rừng bị chuyển đổi thành đất để sản xuất ra các sản phẩm này sau ngày 31/12/2020 không được nhập khẩu vào EU. Do vậy, việc xuất khẩu gỗ rừng trồng sang thị trường này thêm phần khó khăn.

Nhiều cơ sở chế biến gỗ dừng hoạt động - Ảnh 3.

Hiện Yên Bái đang thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục lại ngành gỗ tại địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Yên Bái, để ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển bền vững, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục rà soát và quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; kiểm soát việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ theo đúng tiêu chí, đảm bảo quy mô và chất lượng sản phẩm sau chế biến.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục ưu đãi đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp có công nghệ cao, có khả năng chế biến sâu, với sản lượng lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, khả năng liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài cho những cơ sở sơ chế nhỏ lẻ và người trồng rừng, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu cũng cần được chú trọng.

Theo Hân Nguyễn - Văn Đức

Cùng chuyên mục
XEM