Nhiều bác sĩ, tỷ phú đã chết; nhiều người trẻ bán mạng kiếm tiền, bỏ qua sức khỏe: Nghỉ ngơi không đúng cách, đường đến nghĩa địa của bạn càng ngắn lại

06/04/2019 10:13 AM | Sống

Hậu quả của bi kịch chết trẻ nằm ở chỗ, thế hệ trẻ hiện nay đang thiếu trầm trọng kiến thức về sức khỏe cũng như nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe. Khi đối mặt với công việc, họ sẽ làm với cường độ cao, bỏ qua nguyên tắc nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể. Phải ghi nhớ rằng, biết nghỉ ngơi đúng còn quan trọng hơn biết làm việc!


01

Hôm rồi chúng tôi đến bệnh viện thăm người bạn lớp đại học đang điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối. Nhìn dáng vẻ tiều tụy, mệt mỏi, gượng cười của cậu, chúng tôi không khỏi xót xa. 

Nói thế nào nhỉ, cậu ấy đang có cuộc sống đáng mơ ước với tất thảy mọi người: Vợ đẹp, con khôn, nhà cửa đàng hoàng, xe hơi sang trọng... Một công việc tốt, sự nghiệp đang đà thăng tiến, gia đình ấm êm. Vậy mà, đùng một cái, án tử trao tay với tấm phiếu kết luận cậu bị ung thư phổi giai đoạn cuối. 

Cậu ấy nói với chúng tôi thế này: "Tớ không nghĩ cuộc đời mình rẽ hướng đột ngột như vậy. Quá nhiều dự định dang dở. Tớ mới 42 tuổi và các con của tớ vẫn còn nhỏ, có quá nhiều thứ tớ muốn được trải nghiệm cùng chúng. Chỉ sợ, chẳng còn cơ hội nữa". Xong cậu cười chua chát: "Tớ có lỗi gì? Tớ đâu làm gì sai? Nếu làm việc quá chăm chỉ mà phải mang án tử thế này, thật chẳng còn đạo lý gì trên đời".  

Chúng tôi không lạ gì với cậu ấy. Ngay từ thời sinh viên, ý thức rõ bản thân xuất phát điểm thấp, chỉ là một chàng trai tỉnh lẻ lên thành phố theo học, cậu bạn ấy đã không ngừng nỗ lực, không ngừng kiếm tiền. Trong khi chúng tôi còn mải mê yêu đương, cãi vã, giận hờn... thì cậu ấy bán mạng làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống và vùi đầu vào sách vở, thư viện, các lớp kỹ năng... 

Sau này ra trường, không ngạc nhiên khi cậu ấy được nhận vào những công ty tài chính tốt nhất với mức lương hậu hĩnh nhất. Chúng tôi mừng, vì chàng trai nghèo ấy đã có cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Giống như hàng trăm các mối quan hệ khác, ra trường chúng tôi ít liên lạc hơn nhưng vẫn thường xuyên theo dõi thông tin của nhau thông qua facebook hoặc zalo, nhìn những tấm ảnh, sự kiện ghi dấu thành công của cậu bạn, chúng tôi không khỏi tự hào. Vậy mà, cái dịp gần nhất lớp tôi gặp mặt nhau, lại là lần gặp gỡ tại bệnh viện, thăm cậu ấy. Chẳng biết, cậu ấy còn cầm cự được bao lâu. 

Bạn tôi thừa nhận, cậu quá mải mê kiếm tiền, khao khát mang tới cho gia đình, vợ con những gì tốt đẹp nhất, mong muốn chúng không phải trải qua nỗi khổ sở, ám ảnh nhưng cậu đã từng... nên cậu làm việc xuyên ngày đêm. Cậu luôn tự nhủ bản thân "nốt hôm nay nữa thôi, ngày mai sẽ nghỉ ngơi", nhưng thực tế, ngày nghỉ phép của cậu trong 3 năm nay chưa hề dùng tới. 

"Khi có dấu hiệu ho khan và tức ngực, tớ đơn thuần nghĩ rằng do trái gió trở trời... Những dấu hiệu lớn dần, nhưng vì tiếc một ngày nghỉ để tới bệnh viện thăm khám. Cho tới khi vợ tớ phát hiện tớ bị ngất trong nhà tắm và đưa đi cấp cứu. Lúc tỉnh dậy là một tờ giấy báo tin tớ K rồi, giai đoạn cuối", cậu ấy thở dài.

Quá nhiều người, giống như bạn tôi, thường "lao vào kiếm tiền", gây dựng sự nghiệp mà không dành thời gian cho sức khỏe. Kiếm rất nhiều tiền, nhưng tới khi có tiền tỷ trong tay, mới nhận ra tiền cũng chẳng mua lại được thời gian và sức khỏe. Lúc ấy, ân hận cũng đã muộn. 

Gần đây chúng ta xôn xao trước câu chuyện của một bệnh nhân. Anh kể rằng cho tới khi phải nằm viện điều trị 72 ngày, bán 2 căn nhà ở trung tâm thành phố, anh mới nhận ra, chỉ cần có sức khỏe thì bản thân mỗi chúng ta đã sở hữu triệu đô. Chúng ta quá chủ quan, cho rằng mình đang nắm trong tay thanh xuân, thời gian... nên bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe. Mải miết chạy theo các mối quan hệ, mải miết chạy theo đồng tiền, cật lực làm việc, bán sức thâu đêm... cái kết nhận lại, thường là hồ sơ bệnh án. Đến lúc ấy, chúng ta mới tự hỏi: Làm việc, để sống hay để chết?

Nhiều bác sĩ, tỷ phú đã chết; nhiều người trẻ bán mạng kiếm tiền, bỏ qua sức khỏe: Nghỉ ngơi không đúng cách, đường đến nghĩa địa của bạn càng ngắn lại - Ảnh 1.

02


Nhà sáng lập tập Đoàn Xuân Vũ nổi tiếng Trung Quốc, CEO Trương Nhuệ bất ngờ đột tử do nhồi máu cơ tim ở tuổi 44 – đúng vào giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp đã gây choáng váng cho nhiều người.

Moritz Erhardt (21 tuổi), thực tập sinh của ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) đặt chi nhánh tại London, làm việc tới 20 tiếng/ngày. Khi Erhardt qua đời vào ngày 15/8/2013, anh đã làm việc liên tục trong 72 giờ. Thiếu ngủ khiến anh chàng co giật và phải dùng thuốc để kiểm soát bệnh động kinh. Sau khi trở về nhà, Erhardt lên cơn động kinh trong khi tắm và tử vong.

Năm 2015, số người chết do làm việc quá sức ở Nhật ở mức kỷ lục: 2.310 trường hợp (theo Bộ Lao động Nhật). Dù vậy, đây có thể chỉ là bề nổi, bởi con số ước tính thực tế là 10.000 người – bằng số người thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn giao thông tại đất nước này.

Trên thực tế, những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Từ việc thăm dò khảo sát, con số này còn cao gấp nhiều lần số liệu thống kê chính thức. 

Trong tiếng Nhật Karoshi có nghĩa là "Chết vì làm việc quá sức". Tuy nhiên, thuật ngữ này không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn được đưa vào từ điển tiếng Anh bởi làm việc tới chết không chỉ là một hiện tượng phổ biến và nghiêm trọng tại Nhật mà còn là vấn đề đáng báo động trên toàn thế giới. "Làm việc quá sức" cũng là cụm từ xuất hiện rất nhiều trên tiêu đề các bài báo suốt nhiều thập kỷ qua.

Ở Nhật, tỉ lệ tử vong do làm việc quá sức, kể cả tự tử do áp lực công việc ở mức khá cao. Khảo sát cho thấy, có những người thậm chí đã làm việc 80 giờ/tuần (gấp đôi khuyến cáo).

Còn tại Trung Quốc, khảo sát cho thấy có tới 52,72% bác sĩ có thời gian làm việc trung bình từ 40-60 giờ/tuần, 32,69% bác sĩ phải làm việc hơn 60 giờ/tuần.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Durham (Anh) đã tiến hành một cuộc khảo sát trên phạm vi toàn cầu, phỏng vấn tổng cộng 1,8 triệu người ở 134 quốc gia. Kết quả cho thấy, có 68% số người tham gia trả lời rằng họ cảm thấy mệt mỏi, thật sự mong muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn.

Trong số đó, những người trẻ, người có thu nhập cao có thời gian nghỉ ngơi ít nhất. Ví dụ tại Anh, những người tham gia trả lời phỏng vấn có thời gian nghỉ ngơi trung bình mỗi ngày chỉ 3 giờ 8 phút. Trong đó, nhiều người thậm chí chỉ nghe nhạc khi nghỉ ngơi và không có điều kiện để làm bất kỳ việc gì khác.

Có một sự thật đáng buồn rằng, đa số mọi người đều hiểu, chẳng có bất kỳ một công việc nào đáng giá cả mạng sống và sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, do yếu tố nghề nghiệp, nhiều người phải lựa chọn công việc như là một sự hiến thân. Sự hiến thân ấy vô hình dẫn bạn tới thẳng nghĩa địa, đau xót ở chỗ, bạn chẳng hề hay biết. 


Nhiều bác sĩ, tỷ phú đã chết; nhiều người trẻ bán mạng kiếm tiền, bỏ qua sức khỏe: Nghỉ ngơi không đúng cách, đường đến nghĩa địa của bạn càng ngắn lại - Ảnh 2.

03

Chúng ta thường dành rất nhiều thời gian để học cách làm việc, nhưng rất hiếm ai bỏ thời gian để tìm hiểu, nghỉ ngơi có quan trọng hay không. Trên thực tế, biết cách nghỉ ngơi đúng còn quan trọng hơn là biết làm việc bởi vì nó tác động trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Không có sức khỏe thì làm việc giỏi bao nhiêu cũng không khiến cho bạn sống tốt.

Có một sự thật rằng, mặc dù áp lực từ xã hội và thị trường lao động cạnh tranh gay gắt đang cuốn con người vào "vòng xoáy sinh tồn" đầy nguy hiểm, nhưng nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những cái chết trẻ lại chính là sự chủ quan. Vì độ tuổi này đang là thời kỳ thanh xuân, sức khỏe tốt nhất, nên nhiều người lầm tưởng rằng cơ thể sẽ không ảnh hưởng nhiều. Từ đó, họ không coi trọng việc chăm sóc bản thân và nghỉ ngơi hợp lý.

Tất cả những người trẻ tuổi thường "lao vào kiếm tiền", gây dựng sự nghiệp mà không dành thời gian cho sức khỏe, kể cả việc bổ sung kiến thức về sức khỏe lẫn các hoạt động tăng cường thể chất, thể dục thể thao. Thậm chí, họ còn không nghỉ ngơi đúng cách và luôn trong trạng thái "không có thời gian".

Còn một nhóm người còn nguy hiểm hơn cả, đó là nhóm thanh niên kể cả khi không làm việc, cũng không nghỉ ngơi đúng nghĩa. Họ sẽ chơi điện thoại, sử dụng các thiết bị công nghệ, chơi game, đi du lịch, đi hát karaoke… nhưng đây hoàn toàn không phải là nghỉ ngơi thật sự.

Thực tế, khi bị tổn thương cả tâm trí và thể lực, người trẻ cũng thường không coi đó là điều nghiêm trọng. Họ không hề biết rằng, theo thời gian, sự phung phí sức khỏe chính là "quả bom hẹn giờ" chỉ chờ đến ngày là sẽ phát nổ, kết thúc cuộc sống một cách bất ngờ, chóng vánh.

Giáo sư Trường Xuân (Khoa y học xã hội và Giáo dục Sức khỏe, Học viện y tế Công cộng Đại học Bắc Kinh) nhấn mạnh, hậu quả của bi kịch chết trẻ nằm ở chỗ, thế hệ trẻ hiện nay đang thiếu trầm trọng kiến thức về sức khỏe cũng như nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe. Khi đối mặt với công việc, họ sẽ làm với cường độ cao, bỏ qua nguyên tắc nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể. Phải ghi nhớ rằng, biết nghỉ ngơi đúng còn quan trọng hơn biết làm việc! 

Giáo sư Nữu Văn Dị khuyên, hãy xem nghỉ ngơi cũng là một "công việc", bạn cần phải lập kế hoạch cho nó. Khi mệt thì nên nghỉ, để sau đó làm việc với hiệu suất cao hơn. Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia về "công việc nghỉ ngơi hữu ích": 

Nhiều bác sĩ, tỷ phú đã chết; nhiều người trẻ bán mạng kiếm tiền, bỏ qua sức khỏe: Nghỉ ngơi không đúng cách, đường đến nghĩa địa của bạn càng ngắn lại - Ảnh 3.

Tạm quên công việc. Hãy tạm quên mọi công việc, suy nghĩ để tập trung cho việc nghỉ ngơi. Hít thật sâu không khí trong lành giúp lưu thông máu và bạn sẽ cảm thấy sảng khoái.

Thân thiện với mọi người. Thời gian giải lao tại văn phòng cũng là cơ hội cho bạn nghỉ ngơi bằng cách trò chuyện với đồng nghiệp. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, những mối quan hệ xã hội tốt có thể là liều thuốc tinh thần cho bạn. Khi có thời gian vui vẻ với các đồng nghiệp, bạn sẽ cảm thấy thư giãn, vui vẻ như có thêm năng lượng.

Giải lao sau mỗi 90 phút làm việc. Các nghiên cứu cho thấy, mỗi người chỉ có thể làm việc liên tục và hiệu quả nhất trong 90 phút. Do đó, bạn nên giải lao bằng cách vận động cơ thể sau 90 phút làm việc để lấy lại năng lượng, đồng thời đảm bảo hiệu quả công việc.

Kéo dài ngày nghỉ. Bạn có bao giờ tính xem mình dành bao nhiêu thời gian cho các kỳ nghỉ? Làm việc quá cật lực sẽ làm cơ thể bạn kiệt sức, cho dù đã dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn nên tổ chức vài kỳ nghỉ định kỳ mỗi năm. Nghỉ dưỡng hoặc đi chơi đâu đó là một giải pháp hiệu quả để giải tỏa căng thẳng, giúp bạn tiếp tục làm việc hiệu quả.

Ngủ trưa. Ngủ trưa rất có lợi cho hệ thần kinh, giúp tăng cường chức năng não bộ, khuyến khích sự sáng tạo. Bạn nên dành từ 25-30 phút cho giấc ngủ trưa mỗi ngày. 

Tập thể dục: Mỗi ngày nên tập thể dục tối thiểu 15 phút, mỗi tuần nên có ít nhất 1 ngày nghỉ ngơi hoàn toàn, đi bộ, thư giãn hoặc làm việc riêng theo sở thích. 

Bạn ạ, không có công việc nào quan trọng hơn tính mạng. Tại sao lại lựa chọn chết hơn là nghỉ ngơi?

Tuệ Mẫn

Cùng chuyên mục
XEM