Nhảy lên khi thang máy rơi liệu có sống sót?

19/12/2016 15:35 PM | Công nghệ

Theo thống kê, tai nạn thang máy là vô cùng hy hữu, với tỉ lệ xảy ra tai nạn khi đi thang máy chỉ ở mức 0,00000015%. Nhưng chẳng may, vào một ngày nọ, bạn rơi vào 0,00000015% kia thì phải làm sao?

Ngày nay, các tòa nhà cao tầng, chung cư, khách sạn, hay các khu thương mại mọc lên như nấm. Và thang máy là phương tiện không thể thiếu giúp chúng ta di chuyển.

Sự thuận tiện của thang máy là điều không cần bàn cãi. Vèo một cái, bất kì ai cũng có thể đi từ tầng 1 lên đến tầng 25 một cách nhanh chóng.

Thế nhưng, mặt trái của sự thuận tiện đó là nỗi ám ảnh mang tên Rơi thang máy.

Theo thống kê, tai nạn thang máy là vô cùng hy hữu, với tỉ lệ xảy ra tai nạn khi đi thang máy chỉ ở mức 0,00000015%.

Trong đó, phần lớn các tai nạn thang máy gây tử vong và thương tích xảy ra trong quá trình lắp đặt và bảo dưỡng của công nhân, tiếp theo là những người bị kẹt ở cửa thang máy hoặc hụt chân khi thang máy dừng ở giữa hai tầng.

Nhưng chẳng may, vào một ngày nọ, bạn rơi vào 0,00000015% kia thì phải làm sao?

Một số người cho rằng, nhảy lên gần thời điểm thang máy tiếp đất sẽ giúp chúng ta tránh được những va chạm mạnh?

CÂU TRẢ LỜI LÀ KHÔNG!

Suy nghĩ này chỉ đúng với thang máy rơi tự do trong khoảng cách ngắn, có vận tốc thấp (ví dụ: rơi từ tầng 3, ở khoảng cách 7m xuống đất).

Còn nếu rơi từ vị trí cao hơn, theo lý thuyết, bạn phải nhảy lên cùng lúc và cùng tốc độ với thang máy trôi, và đó là điều không tưởng. Vì vậy, nhảy lên chỉ làm gia tăng mức độ nguy hiểm mà thôi.

Thông thường, tốc độ rơi của thang máy khoảng 160 km/h, nhưng con người chỉ có thể nhảy 3 - 4 km/h mà thôi. Do đó, nếu bạn nhảy lên, nguy cơ chấn thương còn cao hơn!

Vậy chúng ta phải làm gì?

Đầu tiên, hãy cố loại bỏ trong đầu những sự sợ hãi mà có thể xảy đến với bạn và phải thật bình tĩnh.

Tiếp theo, bạn hãy ghi nhớ phương pháp này: thay vì đứng thẳng, bạn nên nằm thẳng trên sàn nhằm san sẻ tác động của trọng lực lên toàn cơ thể bạn. Khi đó, mọi bộ phận cơ thể sẽ ít bị áp lực, giảm nguy cơ chấn thương.

Bất kì thang máy nào cũng có bộ phận giảm sốc đặt dưới đế. Khi bạn nằm yên trên sàn, bạn và thang máy là một khối, bạn sẽ được bộ phận giảm sốc “hỗ trợ”.

Trường hợp ít "đen" hơn là thang máy bị kẹt cứng khi đang di chuyển. Bạn hãy bấm nút mở cửa hoặc bấm nút cứu hộ cũng như đập cửa hay gọi thật to để nhờ đến sự trợ giúp từ bên ngoài.

Ngoài ra, bạn đừng có dại dột mà leo ra ngoài thang máy! Nguy cơ bị kẹp giữa thang máy và sàn nhà là rất cao. Kinh nghiệm cho thấy, trong trường hợp kẹt thang máy, ở trong cabin lại là phương án an toàn nhất.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM