Nhật - Trung cực ghét nhau trên bàn đàm phán nhưng về quan hệ kinh tế, đây lại là “cặp vợ chồng” không thể tách rời

26/07/2016 13:54 PM | Kinh tế vĩ mô

Mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang băng giá nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, nhưng nếu xét về thương mại đầu tư, hai nước láng giềng này lại như một cặp vợ chồng son không thể tách rời.

Giao dịch thương mại giữa 2 cường quốc này bắt đầu từ rất sớm, những di tích lịch sử và các công trình khảo cổ cho thấy Nhật Bản đã có mối quan hệ thông thương với Trung Quốc từ thời phong kiến.

Tuy nhiên, nếu xét trên thời kỳ hậu chiến thế giới thứ II thì hợp tác kinh tế giữa 2 nước bắt đầu vào khoảng 1948-1949 và các hiệp định thương mại đầu tiên được ký kết vào năm 1952.

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng (SDSC) của đại học quốc gia Australia, Trung Quốc coi Nhật Bản là một nguồn cung cấp quan trọng về hàng hóa công nghiệp, công nghệ và các chuyên gia nhằm hỗ trợ kiến thiết lại kinh tế đất nước sau năm 1949.

Trong khi đó, Nhật Bản coi Trung Quốc là thị trường nguyên vật liệu lớn cung cấp cho các mảng kinh tế sau thời kỳ chiến tranh.

Trong khoảng thập niên 50-60, Nhật Bản và Trung Quốc đã ký 4 hiệp định thương mại dù họ chưa hề xác lập quan hệ ngoại giao nào. Vào năm 1965, Nhật Bản trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc.

Đối tác thương mại cùng có lợi

Viện nghiên cứu Fujitsu cho rằng quan hệ thương mại Trung Nhật phần lớn dựa theo nguyên tắc bổ trợ cho nhau và đôi bên cùng có lợi.

Mặc dù trong một số trường hợp, lợi ích giữa 2 bên có thể không cân bằng nhưng mối quan hệ Trung Nhật vẫn tạo nên nhiều giá trị gia tăng cho cả 2 nước, đặc biệt là trong một số ngành công nghiệp.

Ví dụ, thị trường ô tô Trung Quốc là vô cùng quan trọng với ngành sản xuất xe hơi Nhật Bản và không thể bị thay thế bởi bất kỳ thị trường nào khác. Tương tự, thị trường Nhật Bản đóng vai trò vô cùng quan trọng cho ngành nông nghiệp Trung Quốc.

Có một điều thú vị là kim ngạch xuất khẩu ô tô từ Nhật Bản sang Trung Quốc khá tương đương với kim ngạch nông thủy sản xuất khẩu từ Trung Quốc vào Nhật Bản.

Số liệu của IHS Economics cho thấy đối với Trung Quốc, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và cũng là nguồn nhập khẩu lớn thứ 4. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Nhật Bản.

Khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, xuất khẩu của Nhật Bản cũng chịu tác động tiêu cực. Trong tháng 5/2016, sản lượng công nghiệp Nhật Bản giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước còn xuất khẩu giảm 11,3% tháng thứ 8 liên tiếp.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc cũng giảm mạnh 14,9%.

Ngoài ra, việc đồng Yên tăng giá cũng là một nguyên nhân khiến xuất khẩu Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Theo số liệu của Natixis, khoảng 8,8% FDI từ Nhật Bản được đổ vào Trung Quốc trong năm 2015, chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ trong bảng xếp hạng những thị trường đầu tư FDI chủ chốt từ Nhật.

Trong năm 2015, ngành sản xuất Trung Quốc chiếm 66% vốn FDI từ Nhật nhưng chi phí nhân công tăng cao đang khiến lợi nhuận của các dự án này bị giảm.

Nhiều nhà máy Nhật Bản, đặc biệt là những công ty sản xuát hàng giá trị thấp đã chuyển địa điểm hoạt động từ Trung Quốc sang các nước khác như Thái Lan hay Việt Nam.

Ở phía ngược lại, số liệu của JETRO cho thấy FDI từ Trung Quốc vào Nhật năm 2015 đã giảm 27,6% so với năm trước đó.

Khẩu chiến về văn hóa, lịch sử

Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế thương mại như vậy, mối quan hệ Nhật Trung vẫn thường xuyên căng thẳng sau chiến tranh thế giới thứ II. Từ cuộc tranh cãi về tội ác chiến tranh của Nhật Bản trong Thế chiến II đến tranh chấp lãnh thổ trên vùng Biển Hoa Đông.

Viện phân tích chiến lược Stratfor nhận định Nhật Bản coi Trung Quốc đang tiến hành khiêu khích nhằm khẳng định “chủ quyền” trên một số vùng biển và chính quyền Tokyo đang tăng cường hợp tác quốc phòng với một số nước như Philippine để đối phó với tình hình trên.

Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh lại cho rằng sự gia tăng hợp tác quốc phòng của Nhật Bản là một động thái tăng cường quân bị với sự xúi giục từ Mỹ.

Tháng 6 vừa qua, Nhật Bản tuyên bố rằng Trung Quốc đang có những hành động leo thang quân sự ở Biển Hoa Đông, qua đó gia tăng sự tranh chấp giữa 2 nước về lãnh hại tại khu vực này.

Đáp trả, chính quyền Bắc Kinh cáo buộc Nhật Bản can thiệp quá sâu vào tình hình biển Đông và cho rằng nước này không liên quan gì đến vùng biển này.

Mới đây, Tòa án quốc tế The Hague đã bác bỏ những yêu sách về lãnh hải của Trung Quốc tại biển Đông. Dù chính quyền Bắc Kinh tuyên bố không thừa nhận phán quyết trên nhưng cả Nhật Bản và nhiều nước Phương Tây đều yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tuần trước, hãng tin Reuters cho biết Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng nước này nên ngừng can thiệp vào các vấn đề ở biển Đông.

Theo Stratfor, Nhật Bản sẽ khó lòng thực hiện đề nghị này bởi hầu hết các đường vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu của Nhật đều đi qua vùng biển Đông, qua đó khiến vùng biển này đóng vai trò quan trọng với kinh tế của đất nước.

Nhật Bản: Thiên đường du lịch của khách Trung Quốc?

Bất chấp những căng thẳng chính trị, du khách Trung Quốc vẫn ầm ầm sang Nhật Bản du lịch và nghỉ mát.

Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Trung Quốc và nhu cầu được đi du lịch nước ngoài đã khiến kinh tế Nhật Bản được lợi. Trong năm 2015, du khách Trung Quốc đến Nhật Bản đã tăng 107,3% so với cùng kỳ năm trước và gấp 6 lần so với 10 năm trước đó, qua đó khiến khách Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số du khách nước ngoài đến Nhật.

Một cuộc khảo sát vào tháng 3/2016 của hãng du lịch lớn nhất Nhật Bản JTB cho thấy nguyên nhân chính khiến du khách Trung Quốc đến Nhật là để “chiêm ngưỡng một quốc gia phát triển tại Châu Á”, tiếp theo đó là để “thưởng thức các món ăn truyền thống Nhật Bản”.

Theo SDSC, mối quan hệ Trung Nhật quả thật khá mâu thuẫn và có sự đan xen giữa lợi ích lẫn xung đột. Điều này chẳng khác gì một cuộc hôn nhân đầy mâu thuẫn, cơm không lành canh không ngọt nhưng chẳng thể bỏ được nhau.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM