Nhật Bản: Người càng ít, Gấu càng đông

16/07/2019 08:16 AM | Xã hội

Tại rất nhiều quốc gia, động vật hoang dã là đối tượng cần được bảo tồn trước sự xâm lăng, phá hoại của con người. Tuy nhiên tại Nhật, tốc độ già hóa quá nhanh khiến nhiều vùng ở đây ngày càng vắng người. Hệ quả là những động vật hoang dã như gấu, heo rừng hay khỉ bắt đầu phát triển mạnh.

Chuyên gia Hiroto Enari của trường đại học Yamagata-Nhật Bản cho biết tình trạng các động vật hoang dã mở rộng lan sang cả các thị trấn, làng xã miền quê nước này đang mở rộng.

Số liệu mới nhất cho thấy lượng gấu hoang ở Nhật đã tăng mạnh từ thập niên 2000 lên khoảng 13.000 con vào năm 2018. Nguyên nhân chính là do dân số giảm mạnh khiến nhiều vùng của Nhật bị bỏ hoang, tạo điều kiện cho các loài động vật hoang dã phát triển.

Trước đây, những động vật hoang như gấu ít khi dám bén mảng đến các làng xã thì nay chúng thỉnh thoảng đi lại tự do giữa thị trấn.

Nhật Bản: Người càng ít, Gấu càng đông - Ảnh 1.

Một lý do nữa khiến động vật hoang dã dần chiếm đất của Nhật là tỷ lệ đi săn giảm. Số liệu chính thức cho thấy độ tuổi bình quân của các thợ săn Nhật vào khoảng 68 tuổi, quá già để tiếp tục các chuyến đi lên rừng. Trong khi đó, giới trẻ lại chẳng có hứng thú với loại hình vận động nguy hiểm và tốn thời gian, thể lực này.

Hệ quả là với môi trường rừng núi rậm rạp, lượng nông dân suy giảm, các loài động vật hoang bắt đầu phát triển mạnh và càng ngày càng táo bạo hơn. Những vụ gấu vào tận nhà dân trộm đồ ăn trong kho hay ngang nhiên phá hoại mùa màng đã không còn hiếm ở Nhật. Trong khi đó những chú hươu hoang thường lởn vởn quanh thị trấn, làm phiền các cửa hàng khi đứng trước cửa đòi ăn không chịu đi.

Nổi tiếng là một quốc gia yêu thiên nhiên nhưng một số người chào đón những con thú hoang trong khi một số công dân Nhật khác lại sợ hãi. Số lượng người bị thương do gấu hoang tại Nhật tăng đều hàng năm. Mặc dù các dân làng ở Nhật đã lập hàng rào để ngăn chặn nhưng chúng lại khiến thú hoang bị mắc bẫy hoặc bị thương chứ chẳng đuổi chúng đi được.

"Nhật Bản đang gặp khó khăn để thích nghi với sự thay đổi cán cân quyền lực giữa người và động vật", chuyên gia Enari trêu đùa.

AB

Cùng chuyên mục
XEM