Nhật Bản muốn tiếp tục TPP không cần Mỹ

19/04/2017 07:48 AM | Xã hội

Với diễn biến này, Nhật Bản muốn thiết lập hiệp định TPP mà không có Mỹ trong hiện tại nhưng vẫn có thỏa thuận thương mại tự do song phương với nền kinh tế số 1 thế giới.

Hiệp định kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã gặp thử thách lớn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút ra khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, chính quyền Tokyo vẫn không mất hy vọng vào TPP khi đang kêu gọi các thành viên còn lại khôi phục đàm phán, tìm hướng đi mới cho tự do thương mại Châu Á với đối tác chính là Nhật Bản.

Vào ngày 23/1/2017, Tổng thống Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP. Đến tháng 4/2017, Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko đã kêu gọi các thành viên còn lại nhóm họp với ý định loại bỏ Mỹ khỏi TPP và bắt đầu một thỏa thuận thương mại mới.

Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã từng tuyên bố hiệp định TPP sẽ vô giá trị nếu không có Mỹ, nhưng quan điểm này của chính quyền Tokyo có lẽ đang dần chuyển biến.

Nguyên nhân chính của sự thay đổi này có lẽ đến từ việc chính quyền Washington đã thể hiện rõ quan điểm không muốn tiếp tục hiệp định TPP. Ông Abe và người đồng cấp Trump đã có cuộc gặp vào tháng 2/2017 để bàn về hướng đi có lợi nhất cho thương mại tự do ở Châu Á Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Theo bản tuyên bố chung sau đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện những tiến trình dở dang đã tồn tại trước đó.

Theo nguồn tin của tờ Nikkei, Nhật Bản đã khẳng định với Mỹ rằng họ sẽ tiếp tục TPP dù chỉ với 11 thành viên.

Hiện rất nhiều chuyên gia đang khá đồng tình với quan điểm này của Nhật. Theo họ, Nhật Bản hiện đang là nền kinh tế lớn nhất trong hiệp định này và thỏa thuận TPP sẽ không có tiến triển nếu nước này không đứng ra nhận trách nhiệm từ Mỹ.

Thậm chí, nhiều chuyên gia của Mỹ cũng đồng tình khi cho rằng Nhật Bản nên thay thế vai trò của Mỹ trong việc thúc đẩy thương mại tự do tại Châu Á. Quan điểm này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại việc Mỹ rút rầm ảnh hưởng ở Châu Á sẽ gián tiếp giúp Trung Quốc bành trướng thêm vị thế của mình trong khu vực.

[A Tùng] Nhật Bản muốn tiếp tục TPP không cần Mỹ và toan tính của các bên - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong bước đầu tiên của kế hoạch này, Nhật Bản đang có dự định nhóm họp các bộ trưởng của những thành viên TPP tại Việt Nam vào cuối tháng 5 này nhằm đưa ra một thông báo chung về việc xem xét thúc đẩy hiệp định TPP chỉ với 11 thành viên. Động thái này sẽ buộc các thành viên phải xem xét lại những điều khoản thương mại khi đã loại trừ Mỹ.

Một số nước như Australia và Nhật Bản đương nhiên hưởng ứng điều này nhưng một số nước như Malaysia vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng. Nhiều thành viên trong hiệp định TPP đã phải nhân nhượng rất nhiều để có thể tiếp cận được thị trường Mỹ với rào cản thuế quan thấp. Do đó, việc thiếu thị trường nhập khẩu lớn này khiến các thành viên còn lại kém hào hứng hơn.

Áp lực từ việc phía Mỹ trong việc mở cửa thị trường nội địa đã hối thúc nhiều nước chấp nhận dỡ bỏ các rào cản thương mại khi đàm phán hiệp định TPP. Tuy nhiên, đàm phán một thỏa thuận mới không còn Mỹ khi chính các thành viên còn lại sẽ là thị trường bị cạnh tranh chính lại là điều hoàn toàn khác.

Toan tính của các bên

Những động thái của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Mỹ chỉ muốn giải quyết các thỏa thuận thương mại song phương thay vì đa phương. Cả Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đã đồng ý gặp mặt thương thảo các vấn đề về hiệp định thương mại song phương, trong khi Mỹ và Nhật cũng đã thống nhất đàm phá về một thỏa thuận mậu dịch tự do giữa 2 nước.

Với diễn biến này, Nhật Bản muốn thiết lập hiệp định TPP mà không có Mỹ trong hiện tại nhưng vẫn có thỏa thuận thương mại tự do song phương với nền kinh tế số 1 thế giới. Tiếp đó, nếu may mắn, Mỹ có thể tham gia trở lại TPP hoặc các hiệp định đa phương khác trong tương lai.

Mặc dù vậy, cố gắng của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe sẽ gặp nhiều khó khăn với các câu hỏi từ hạn ngạch xuất khẩu gạo, sữa vào thị trường Nhật. Chính quyền Tokyo cũng sẽ gặp thử thách với Mỹ khi nước này có thể đòi nhiều yêu cầu hơn so với lúc đàm phán hiệp định TPP để ký một bản thỏa thuận thương mại song phương.

[A Tùng] Nhật Bản muốn tiếp tục TPP không cần Mỹ và toan tính của các bên - Ảnh 2.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Bất chấp những khó khăn đó, việc thúc đẩy hiệp định TPP là vô cùng đáng giá. Hiệp định thương mại với 11 thành viên này sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Nhật thêm 1,11%, không thấp hơn nhiều so với mức 1,37% khi có 12 thành viên.

Hơn nữa, việc thúc đẩy TPP cũng sẽ hạn chế xu thế chống toàn cầu hóa trên thế giới, vốn bùng phát từ sau cuộc bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu của Anh (Brexit) và sự kiện Tổng thống Trump thắng cử.

Một lợi thế rất lớn khi Nhật Bản lãnh đạo hiệp định TPP là Đảng cầm quyền nước này đã thông qua luật mới cho phép Thủ tướng Abe tại nhiệm đến tháng 9/2021, dài hơn 8 tháng sau khi ông Trump hết nhiệm kỳ. Nhờ đó, thỏa thuận này có thể sẽ không chết non như khi Mỹ cầm trịch.

BT

Cùng chuyên mục
XEM