Nhật Bản: Chủ cửa hàng bị bắt sau khi "hack" máy gắp quà, khiến người chơi không thể thắng nổi

26/12/2017 17:31 PM | Kinh doanh

Đây là vụ điều tra đầu tiên về gian lận trong trò chơi gắp quà phổ biến ở Nhật Bản.

Bất cứ ai đã từng ghé thăm những khu trò chơi (arcade) ở Nhật Bản, đều bị choáng ngợp bởi quy mô cũng như sự phong phú của các loại máy chơi game.

Hình thức trò chơi đổi quà, gắp quà rất phổ biến ở Nhật. Giải thưởng chỉ đơn giản là một bịch bánh Pocky hoặc một con thú nhồi bông đáng yêu nào đó, tuy nhiên bạn có thể đốt cả nghìn yên chỉ trong vài tích tắc.

Ví dụ như gắp thú bông (crane), trò chơi này đặc biệt gây khó chịu vì rất khó giành chiến thắng, hoặc tưởng rằng gắp được rồi nhưng món quà của bạn lại rơi tõm xuống.

Vì sao lại khó như vậy? Mới đây cảnh sát Nhật Bản đã phát hiện ra: Gầm như tất cả người chơi đã bị qua mặt.

Nhật Bản: Chủ cửa hàng bị bắt sau khi hack máy gắp quà, khiến người chơi không thể thắng nổi - Ảnh 1.

Ví dụ như gắp thú bông (crane), trò chơi này đặc biệt gây khó chịu vì rất khó giành chiến thắng, hoặc tưởng rằng gắp được rồi nhưng món quà của bạn lại rơi tõm xuống

Vào ngày 23/12 vừa qua, cảnh sát Osaka đã bắt giữ Takeshi Ohira, 33 tuổi, là chủ của chuỗi cửa hàng trò chơi Amusement Trust, có trụ sở ở Osaka và Kyoto. Ngoài ra, 5 nhân viên làm việc tại Amusement Trust cũng bị bắt vì hỗ trợ ông chủ làm ăn phi pháp.

Các nghi phạm (Takeshi Ohira và nhân viên) bị buộc tội thay đổi các thiết lập cơ bản của trò chơi gắp quà, khiến người chơi không thể thắng nổi. Một số trò chơi khác cũng bị can thiệp để tăng độ khó:

ANN News của Nhật Bản đưa tin về việc các máy trò chơi bị can thiệp, khiến người chơi không thể thắng nổi

Nghiêm trọng hơn, nhà chức trách cho biết khi người chơi thua liên tục và tỏ ra chán nản, nhân viên của Amusement Trust sẽ lại gần vỗ về khách hàng. "Đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách khuyên họ không nên bỏ cuộc và tiếp tục đốt tiền vào trò chơi.

Nhiều người nghĩ rằng, khi đã tới những khu trò chơi để giải trí thì không nên tiếc tiền. Nắm được tâm lý này, Amusement Trust đã dùng đủ mọi chiêu trò để đưa khách hàng vào tròng.

Khi người chơi tỏ ra quá ức chế, nhân viên của Amusement Trust sẽ đứng ra "biểu diễn" vài đường cơ bản, chỉ ra trò chơi đâu có khó như vậy. Quả nhiên, khi vào tay nhân viên thì gắp trúng liên tục, thậm chí họ còn vui vẻ đổi máy cho người chơi để tăng độ may mắn.

Bí mật nằm ở những thiết lập ngầm bên trong máy trò chơi, nếu không tỉnh táo bạn sẽ ra về trong cảnh không xu dính túi.

Nhật Bản: Chủ cửa hàng bị bắt sau khi hack máy gắp quà, khiến người chơi không thể thắng nổi - Ảnh 3.

Bí mật nằm ở những thiết lập ngầm bên trong máy trò chơi, nếu không tỉnh táo bạn sẽ ra về trong cảnh không xu dính túi

Trong khi hầu hết trò chơi gắp quà ở Nhật chỉ tốn từ 100 - 200 yên mỗi lần chơi, những cỗ máy lừa đảo của Amusement Trust có giá cao hơn nhiều, từ 500 - 10.000 yên (từ 4,5 USD - 89 USD). Họ còn cam kết, người chơi bỏ ra càng nhiều tiền, tỷ lệ thắng cũng như giá trị quà tặng cũng sẽ tăng lên.

Trước khi cảnh sát bắt đầu điều tra, tin đồn về các loại máy trò chơi "bịp" của Amusement Trust đã rộ lên tại địa phương. Sau đó, cảnh sát nhận được rất nhiều khiếu nại từ người chơi và bắt buộc phải vào cuộc.

Theo ước tính, Ohira và các nhân viên đã móc túi của khách hàng khoảng 6 triệu yên (khoảng 1,2 tỷ đồng).

Ban đầu, Ohira phủ nhận việc hướng dẫn nhân viên can thiệp vào các máy trò chơi. Tuy nhiên sau khi bị bắt, 5 nhân viên Amusement Trust đã khai nhận toàn bộ quá trình phạm pháp. Một trong số họ cho biết, đã từng có khách hàng bị máy trò chơi lừa mất 300.000 yên (hơn 60 triệu đồng) tại chi nhánh ở Osaka.

Đây là vụ điều tra đầu tiên về gian lận trong trò chơi gắp quà phổ biến ở Nhật Bản. Hi vọng người chơi sẽ đề cao cảnh giác, không bị cuốn vào vòng xoáy đỏ đen.

Trong khi một chuỗi cửa hàng trò chơi ở Nhật đã sập tiệm thì ở Đài Loan, người ta còn cho cả người mẫu bikini vào máy gắp thú bông để thu hút người chơi. Tuy nhiên, kết quả cũng không khả thi cho lắm. Đọc bài viết bên dưới để biết thêm chi tiết.

Theo Long.J

Cùng chuyên mục
XEM