Nhân viên Google, Facebook, Apple "nháo nhào" với sắc lệnh cấm nhập cư của Donald Trump

30/01/2017 11:25 AM | Xã hội

Khoảng cách giữa chính quyền mới và các công ty công nghệ Mỹ đang ngày càng bị khoét sâu. Vốn tuyển dụng rất nhiều lao động nhập cư, các tập đoàn đến từ thung lũng Silicon đã ráo riết vận động hành lang để Chính phủ nới lỏng các giới hạn về vấn đề nhập cư.

Theo sắc lệnh mà ông Trump vừa ký hôm 27/1, công dân của 7 nước gồm Iran, Iraq, Libya, Sudan, Somalia, Syria và Yemen sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày tới. Sau khi sắc lệnh có hiệu lực, một số người đã không thể nhập cảnh vào Mỹ dù đã được cấp thị thực hoặc thậm chí đã có thẻ xanh. Một số còn bị bắt giữ ngay tại sân bay.

Trong thông báo mới được đưa ra, Google đã khẩn cấp yêu cầu những nhân viên có thể bị ảnh hưởng nhanh chóng trở về Mỹ. Một loạt lãnh đạo các công ty công nghệ Mỹ đang hết sức quan ngại trước động thái mới của ông Donald Trump bởi hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

CEO Sundar Pichai của Google vừa gửi thư tới toàn thể nhân viên, nói rằng hơn 100 nhân viên của tập đoàn đã bị ảnh hưởng. Trong khi đó Microsoft cũng đang “kề vai sát cánh” với 76 nhân viên đến từ 7 quốc gia nằm trong danh sách của ông Trump. May mắn là những nhân viên này đã tạm thời được ân xá sau khi tòa án liên bang Mỹ quyết định cho phép những người bị ảnh hưởng ở lại khẩn cấp và tạm thời đóng băng một phần sắc lệnh của Tổng thống.

“Thật đau lòng khi nhìn thấy những tác động của sắc lệnh này lên các đồng nghiệp của chúng ta”, trong thư gửi nhân viên của ông Pichai có đoạn.

Trấn an nhân viên cũng là nội dung của bức thư mà Tim Cook gửi tới nhân viên của Apple trên toàn thế giới. Trong thư có đoạn: "Đây không phải là chính sách mà Apple ủng hộ. Bộ phận nhân sự và pháp chế đang liên lạc với những người có thể bị ảnh hưởng và Apple sẽ làm mọi điều có thể để hỗ trợ họ".

"Như tôi đã nói nhiều lần, sự đa dạng giúp cho đội ngũ của chúng ta mạnh hơn... Apple rất cởi mở, cởi mở với tất cả mọi người không phân biệt họ đến từ đâu, nói ngôn ngữ gì, đi theo tín ngưỡng gì... Tôi xin trích lại câu nói của Martin Luther King: chúng ta có thể đến từ nhiều con thuyền khác nhau, nhưng giờ đây chúng ta ở trên cùng 1 con tàu".

CEO Mark Zuckerberg cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của ông Trump, trong khi CEO Brian Chesky của Airbnb thì viết lên Twitter rằng “đóng cửa sẽ khiến con người chia rẽ hơn nữa”. Jack Dorsey, CEO của Twitter, nhận định “những tác động về mặt kinh tế và con người là có thật và rất đáng lo ngại”.

Người phát ngôn của Google cho biết chính sách này có ảnh hưởng trực tiếp đến các nhân viên và gia đình của họ, xa hơn nữa là tạo nên rào cản khiến các nhân tài không thể vào Mỹ.

Một số nhân viên của Google đang ở nước ngoài (đi công tác hoặc đi nghỉ) đã vội vàng quay trở lại Mỹ trước khi sắc lệnh có hiệu lực. Google khuyến cáo các khách hàng đến từ 7 nước nằm trong danh sách và có thẻ xanh hoặc thị thực H1-B không nên ra khỏi nước Mỹ.

CEO của Uber cho biết anh sẽ chỉ rõ những lo ngại xung quanh vấn đề này trong cuộc họp với hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump vào thứ 6 tuần này. Uber hiện đang có hơn chục nhân viên và hàng nghìn tài xế bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh mới.

Khoảng cách giữa chính quyền mới và các công ty công nghệ Mỹ đang ngày càng bị khoét sâu. Vốn tuyển dụng rất nhiều lao động nhập cư, các tập đoàn đến từ thung lũng Silicon đã ráo riết vận động hành lang để Chính phủ nới lỏng các giới hạn về vấn đề nhập cư.

Theo Thanh Thanh

Cùng chuyên mục
XEM