“Vua rác” David Dương chính thức vận hành gói thầu tỉ USD

07/07/2015 11:07 AM | Nhân vật

Công ty CWS vừa chính thức vận hành gói thầu xử lý rác trị giá hơn tỉ USD cho Thành phố Oakland, Hoa Kỳ.

Công ty California Waste Solutions (CWS) - Chủ đầu tư công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions-VWS), vừa chính thức vận hành gói thầu xử lý rác trị giá hơn tỉ USD cho Thành phố Oakland (Hoa Kỳ). Dịp này, ông David Dương - Tổng Giám đốc CWS có những chia sẻ với phóng viên về niềm vui này cũng như những dự tính của Công ty trong thời gian tới.

PV: Đầu tiên, xin chúc mừng ông và CWS với dự án mới của mình. Ông có thể chia sẻ niềm vui của mình về ngày đầu tiên thực hiện gói thầu Oakland?

Ông David Dương: CWS trúng thầu từ năm 2014 nhưng phải đến ngày 22/5 vừa qua Hội đồng Thành phố Oakland mới thông qua và ngày 1/7 chúng tôi mới chính thức được vận hành. Trong ngày đầu tiên, 70 xe tải CNG của CWS đã ra quân cùng lúc để thu gom rác cho toàn thành phố và mọi việc diễn ra suôn sẻ. Trong ngày, Thành phố Oakland cũng gửi văn bản chúc mừng Công ty vì đã làm rất tốt ngày đầu ra quân thực hiện hợp đồng mới này.

Tuy nhiên, CWS vẫn tiến hành mua lại của Thành phố một khu đất 20ha để đầu tư xây dựng một nhà máy tái chế mới với công nghệ hiện đại, với tổng vốn đầu tư khoảng 87 triệu USD. Dự kiến 2 năm nữa nhà máy sẽ hoàn thành và khi đó chúng tôi sẽ đóng cửa hai nhà máy cũ (công suất xử lý 1.800-2.000 tấn rác/ngày) để tập trung về nhà máy đó.

Khi hoàn thành nhà máy này có công suất 10.000 tấn/ngày. Cũng theo khảo của chúng tôi cho thấy hiện nay nhiều nhà máy trong khu vực lân cận đều là nhà máy cũ, và họ chưa dám đầu tư hiệu chỉnh vì chi phí cao. Quan điểm nhất quán trong đầu tư của CWS và VWS luôn là phải “đi tiên phong để đón đầu xu thế”.

PV: Trở lại với việc đầu tư ở Việt Nam, vừa qua có một số thông tin nói về sự bất hợp lý trong chênh lệch đơn giá xử lý rác giữa VWS với các công ty xử lý rác khác của Việt Nam, với vai trò chủ đầu tư VWS ông có thể cho biết quan điểm của mình?

Ông David Dương: Theo tôi nên xem lại quy trình và công nghệ xử lý, trước khi VWS hình thành giá xử lý của Thành phố là hơn 4 USD nhưng chính qua khảo sát thực tế của chúng tôi và được trình bày với sự chấp thuận của Hội đồng do Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì, đã phải công nhận đấy không phải là giá thực tế, chỉ là chi phí vận hành. Do vậy, khi tính các chi phí xử lý, lợi thế về đất đai và các yếu tố khác thì giá thành vào thời điểm đó đã đội lên hơn 20 USD/tấn, trong khi giá của CWS chỉ hơn 16 USD/tấn.

Vấn đề ở đây là với giá thành như vậy, tương thích với công nghệ xử lý nào? Có tác hại đến môi trường hay không? Đó là chưa kể trong giá thành của chúng tôi luôn có kinh phí dự phòng hậu xử lý với nguồn nước, môi trường xung quanh như thế nào khi đóng bãi, có bảo đảm đúng yêu cầu hay không. Riêng vấn đề này chỉ có VWS thực hiện hiện nay.

PV: Cũng trong một văn bản được UBND TPHCM gửi cho VWS và Sở Kế hoạch và Đầu tư hồi đầu năm về việc điều chỉnh giấy phép đầu tư của VWS sau khi doanh nghiệp muốn nâng công suất xử lý rác khu xử lý chất thải Đa Phước tại huyện Bình Chánh lên 10.000 tấn/ngày thì có thông tin cho rằng từ đây sẽ dẫn đến độc quyền trong lĩnh vực xử lý chất thải tại thành phố. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông David Dương: Ở Hoa Kỳ, Hội đồng các Thành phố luôn giao một công ty xử lý duy nhất với thời hạn từ 10 đến 20 năm, hoặc làm vĩnh viễn. Tuy nhiên, các công ty này đều bị giám sát thường xuyên bằng những tiêu chí rất rõ ràng, nếu vi phạm, gây ô nhiễm sẽ bị rút giấy phép ngay lập tức và chỉ có cách phá sản.

Trở lại với VWS, chúng tôi không độc quyền. TP.HCM có nhiều giấy phép đầu tư và hiện nay có rất nhiều DN cũng đang tham gia xử lý rác cho Thành phố. Hãy nhìn ở góc độ tích cực, tôi cho rằng việc đóng cửa bãi rác Phước Hiệp là lời cảnh báo cho các DN khác cũng đang nhận rác của Thành phố phải gia tăng đầu tư và tăng cường công nghệ để Thành phố thật sự có công nghệ xử lý rác tốt.

Hiện tại VWS tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng hằng năm. Đây là khu xử lý rác hiện đại với công nghệ tiên tiến của thế giới, mỗi ngày tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn rác của thành phố. Rác không chỉ được chôn lấp xử lý theo tiêu chuẩn mà nó còn tạo ra nhiều lợi ích như một lượng rác được nhà máy phân loại làm phân compost, nước rỉ rác từ rác được xử lý qua công nghệ hiện đại để dùng lại cho các sinh hoạt.

PV: Tại một cuộc họp do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức mới đây về các giải pháp xử lý rác thải đô thị, có ý kiến cho rằng đốt rác phát điện là công nghệ phù hợp nhất với TPHCM hiện nay trong bối cảnh đất đai ngày càng khan hiếm, thành phố không còn khả năng cung cấp hàng ngàn ha đất để làm các bãi chôn lấp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông David Dương: Thực tế hiện nay ở Mỹ đều có nhà máy đốt rác công suất lớn 2.000-3.000 tấn/ngày nhưng tỷ suất đầu tư lớn, khoảng 400-600 triệu USD/nhà máy. Tôi đã mất nhiều năm khảo sát ở Việt Nam cho thấy cách xử lý rác tốt nhất là sản xuất ra phân bón vì đây là nhu cầu lớn cho đất nước mình, còn suất đầu tư sản xuất điện từ đốt rác là rất cao trong khi giá thành mua điện lại rất thấp.

Mặt khác trong quá trình nghiên cứu của VWS cho thấy nếu tiến hành đốt rác thì xử lý khói trong quá trình đốt, và các chất thải khác nếu không kiểm soát sẽ gây các nguy hại khác cho môi trường.

Thực tế, trên thế giới hiện nay chưa có công ty nào đầu tư xử lý đốt rác với công suất nhỏ. Nhưng với trách nhiệm với quê hương, VWS đã làm việc với một công ty chuyên về sản xuất máy đốt rác để đặt hàng chế tạo máy công suất nhỏ xử lý khoảng 150 đến 300 tấn rác/ngày để phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam- mỗi thành phố chỉ có vài trăm tấn rác ngày nên nếu đầu tư sẽ tốn chi phí vận chuyển rất lớn.

Xin báo một tin vui là đơn hàng này đã hoàn thiện đến 95% đang trong quá trình thử nghiệm với trị giá đầu tư ước tính ban đầu khoảng 20-30 triệu USD/lò chúng tôi có thể đưa về sử dụng tại Việt Nam và có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước châu Á khác có điều kiện tương đồng về rác như Việt Nam.

PV: Theo ông nếu chúng ta sử dụng lò đốt này giá thành xử lý rác sẽ như thế nào?

Ông David Dương: Thời gian lắp đặt lò đốt rác này này vào khoảng 9-10 tháng. Theo tính tóan của tôi với điều kiện hiện nay của Việt Nam thì giá thành vào khoảng 30 USD/tấn, nhưng nếu Chính phủ hỗ trợ thêm cơ chế bán điện giá cao thì giá thành xử lý sẽ xuống thấp hơn. Đó là lý do mà tại sao đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của chúng tôi cũng phải nghiên cứu đầu tư chế tạo máy đốt rác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM