Vụ Parkson: 'Kém trong kinh doanh, anh sẽ thất bại'

06/01/2015 11:55 AM | Nhân vật

“Tết nhất đến nơi lại đóng cửa. Mùa gặt hái lại đẩy người ta ra ngoài. Đấy là sự bất tín. Cái đó không được cho phép trong lề thói kinh doanh đơn giản giữa người với người” – Chủ tịch Hội Siêu thị Thành phố Hà Nội Vũ Vinh Phú nhìn nhận.

Mới đây, việc Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Keangnam đột ngột thông báo đóng cửa, yêu cầu các chủ cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm 3/1/2015 gây bất ngờ với cả khách hàng mua sắm lẫn các chủ cửa hàng tại đây.

Trước đó, các TTTM hạng sang khác như Tràng Tiền Plaza, Zen Plaza, Grand Plaza... cũng đã phải đóng cửa từ vài tháng để tái cấu trúc đến đóng cửa vô thời hạn. Việc này dấy lên lo ngại cho hoạt động kinh doanh của một loạt TTTM phân khúc cao cấp khi tổng cầu yếu.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Thành phố Hà Nội về vấn đề này.

* Xin ông cho biết nhận định về tình trạng chung của các TTTM cao cấp trước hiện tượng đóng cửa một loạt của nhiều trung tâm thương mại thời gian gần đây.

Vừa rồi, một loạt TTTM đóng cửa và ngừng hoạt động, như Tràng Tiền Plaza đóng cửa mấy tháng, Zen Plaza, rồi bây giờ là Parkson Keangnam, tất cả những cái đó thể hiện vấn đề anh dự báo thị trường không đúng. Việt Nam giờ bình quân thu nhập theo đầu người là 2.000 USD/năm, làm gì mua sắm cao cấp được nhiều.

Số mua sắm cao cấp chỉ 5-10%. Còn lại là dân nghèo, thu nhập và tổng cầu rất thấp. Người ta lo an sinh xã hội chứ không lo mua sắm.

Anh mở ra nhiều TTTM quá rồi bị hỏng, như Tràng Tiền đầu tư sai, đầu tư tới 400 tỷ bán hàng cao cấp tưởng là hớt được doanh số, tưởng là hớt được tiền. Anh ở cuộc phiêu lưu không có hạn định, như thế là anh quá chủ quan với thị trường.

Thứ 2, anh đầu tư nhiều quá các TTTM, mà không nghĩ 10 - 20 năm nữa, Việt Nam mới đến bước phát triển đó, khi thu nhập bình quân khoảng 10.000 USD, lúc đó mua sắm mới tưng bừng hơn.

Thứ 3, giờ bão hòa các TTTM. Siêu thị bình dân bán hàng tiêu dùng thì bán được, còn TTTM anh bán cái kính chục triệu đồng, bán túi Louis Vuitton 14 triệu đồng thì số người mua rất ít, chỉ mua làm quà tặng hoặc nhân dịp gì đột suất. Mạng lưới anh phổ biến mà số người mua không phổ biến thì anh chết. Hiệu quả không như mong muốn thì anh phải đóng cửa, phải chuyển mặt hàng, giống như Tràng Tiền Plaza chuyển 3 tầng bán mặt hàng bình dân hơn. Anh chọn mặt hàng sai thì anh bị như vậy.

* Nhưng trong trường hợp gặp khó khăn, một TTTM cao cấp lại đóng cửa đột ngột chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng và việc kinh doanh của mình?

Thương hiệu, danh tiếng, thậm chí uy tín của anh cũng ảnh hưởng nếu anh không thực hiện cam kết hợp đồng với các đơn vị kinh doanh. Tết nhất đến nơi lại đóng cửa, mùa gặt hái lại đẩy người ta ra ngoài. Đấy là sự bất tín. Cái đó không được cho phép trong lề thói kinh doanh đơn giản giữa người với người. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người với người ở đây, theo tôi là không ổn.

Cũng giống như Lotte 65 (Lotte Center 65 tầng ở Đào Tấn, Hà Nội – PV) đóng cửa chỉ phục vụ khách VIP, cũng hỏng, vì phân biệt đối xử.

Đấy là những trò không có văn hóa kinh doanh, kém trong kinh doanh, anh sẽ thất bại.

* Hội Siêu thị Thành phố Hà Nội có thành viên đặt tại Parkson không, thưa ông?

Không. Hội của chúng tôi toàn siêu thị bán hàng tiêu dùng, không bán hàng cao cấp.

* Một số ý kiến cho rằng Parkson Keangnam gặp khó một phần do Lotte Center mở cửa. Ông có nhận định gì về ý kiến này?

Lotte cao cấp ở Đào Tấn còn vắng hoe kia kìa. Lotte Tây Sơn bán hàng tiêu dùng còn đông vì không cạnh tranh trong phân khúc cao cấp, chứ Lotte Đào Tấn vắng như chùa bà đanh.

Cho nên, những chuyện đó là chuyện vô lý, tự anh thôi, tự anh chọn phân khúc khách hàng hỏng, không biết được sức mua của dân.

* Xin cảm ơn ông!

>> Chuyện gì đang xảy ra ở Parkson?

Thủy Trương

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM