Vũ cứ làm, đừng nói!

22/01/2013 12:00 PM | Nhân vật

Sau những phát biểu liên quan đến Starbucks, Vũ đã khiến không ít tín đồ thứ nước đen đầy đam mê này “sốc toàn tập”.

Không phải là lần đầu tiên Đặng Lê Nguyên Vũ nói về giấc mơ bá chủ cà phê, cũng không phải lần đầu tiên Vũ chia sẻ khát khao cháy bỏng của mình về cà phê Việt. Tuy nhiên, lần này, sau những phát biểu liên quan đến Starbucks, Vũ đã khiến không ít tín đồ thứ nước đen đầy đam mê này “sốc toàn tập”.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, không chỉ báo mạng, báo in mà cả báo Xuân, Vũ xuất hiện dày đặc, xuất phát là từ câu nói được đánh giá sẽ đi vào lịch sử cà phê thế giới. Ngay trên đất Thụy Sĩ, Vũ nói với hãng tin Reuters rằng Starbuck không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường.

Câu nói của Vũ khiến người nghe dễ liên tưởng đến Steve Jobs khi ông cố thuyết phục Giám đốc Điều hành của Pepsi lúc đó là John Sculley về cùng quản lý Apple: “Anh muốn cả đời đi bán thứ nước đường ấy hay là cùng tôi thay đổi thế giới?” Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, song nhiều người ủng hộ Vũ vẫn cho rằng, chính cá tính của Vũ sẽ làm nên chuyện lớn.

Thực tế, đây không phải là lần đầu Vũ có những tuyên bố hầm hố thế này. 6 năm trước, năm 2006, với 500 cửa hàng tiện lợi mang tên G7 Mart đưa vào hoạt động đồng loạt, ông Vũ tuyên bố, mục tiêu của hệ thống các cửa hàng G7 Mart là hỗ trợ mạnh mẽ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Ngày đó, với dự án này, ít nhất 7 nhà quản lý thuộc các lĩnh vực khác nhau trong ngành hàng tiêu dùng của các tập đoàn đa quốc gia đã về đầu quân cho G7 Mart để cùng ông chủ xây dựng nghiệp lớn.

Những phát biểu gây sốc của Vũ hôm nay lại khiến tôi nhớ câu chuyện từng chứng kiến tại Malaysia hơn 6 năm trước. Thời điểm đó, trong khi ở Việt Nam, ông Vũ đang có chiến lược táo bạo với những tuyên bố đầy hào sảng cho ngành bán lẻ của Việt Nam với chuỗi G7 Mart, thì chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã trở nên khá quen thuộc với khách hàng tại một số nước châu Á.

Đã hơn 1 giờ sáng, trên phố Jalan Kia Peng, gần Khách sạn Novotel Kuala Lumpur, Malaysia, nơi chúng tôi lưu trú, vẫn còn nhiều khách vãng lai vào mua hàng tại cửa hàng 7-Eleven gần đó. Khách trả 2 ringrit (RM, đơn vị tiền tệ của Malaysia) cho 1 thỏi chewing gum nhưng đưa tờ 100 RM. Cô thu ngân đếm tiền thối lại cho khách 98 RM và không quên nói lời cảm ơn kèm nụ cười duyên. Quản lý của chuỗi hàng tiện lợi 7-Eleven tại Malaysia lúc đó nhớ không nhầm là một người Malaysia gốc Đài Loan. Ông cho biết, đây là cửa hàng tiện lợi duy nhất trong vòng bán kính hơn 1 cây số vuông và đều phục vụ đúng chuẩn 24/24. “Chúng tôi phải cạnh tranh bởi không lâu nữa sẽ còn nhiều cửa hàng tiện lợi tìm đến mở ở khu trung tâm này”, ông nói.

vu-cu-lam-dung-noi!

Với chuỗi bán lẻ G7 Mart, những gì Vũ tuyên bố hầu như đã phá sản.

Ông nói có nghe chuỗi cửa hàng khá rầm rộ tại Việt Nam mang tên G7 Mart. Tuy nhiên, theo ông, với một thị trường còn chuộng mua bán chợ, tiệm tạp hóa truyền thống như Việt Nam, việc mở hàng loạt sẽ khó thành công. “Nếu tôi là chủ chuỗi cửa hàng đó, tôi chỉ mở thăm dò từ vài cửa hàng đến vài chục cửa hàng tại một số điểm chính của các thành phố lớn, nơi có đông khách vãng lai, khách du lịch trước khi triển khai hàng trăm. Bởi nếu không có trường vốn, rất dễ thất bại đóng cửa”, người quản lý cửa hàng 7-Eleven ở Kuala Lumpur nói tiếp.

Và rồi, với chiến lược 500 cửa hàng tiện lợi, chỉ một thời gian ngắn sau đó, các cửa hàng G7 Mart phải đóng cửa hàng loạt tại miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Và rồi, cái tên G7 Mart hầu như biến mất và đội ngũ quản lý “thứ dữ” ngày ấy cũng đã rời công ty. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống G7 Mart là tham vọng của doanh nghiệp này quá lớn và đã khởi đầu một bước quá dài so với năng lực tài chính của mình.

Chưa hết, tháng 5.2011, báo chí đưa tin Trung Nguyên lại tiếp tục liên kết với nhà bán lẻ đến từ Nhật Ministop nắm 25% cổ phần và G7 Mart nắm 75% còn lại. Cũng với tuyên bố sẽ mở ít nhất 100 cửa hàng của liên doanh này trong năm đầu tiên và 500 cửa hàng trong 5 năm tiếp theo (đến nay đã là năm thứ ba của dự án). Tuy nhiên, con số cửa hiệu G7-Ministop tại Việt Nam chỉ mới đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi tại Malaysia, sau 6 năm quay lại, tại các tuyến đường gần khu vực trung tâm Khách sạn Novotel, có đến hơn 20 cửa hàng tiện lợi và thương hiệu 7-Eleven là gần chục cái. Cũng ngay khu vực này, gà rán McDonald’s dày đặc trên các phố trong bán kính vài trăm mét, cà phê “take away” Starbucks từ 1 tiệm gần Novotel Kua Lumpur 6 năm trước, nay trên vài con đường ở khu vực đó, đếm được có ít nhất 5 tiệm.

Trở lại những phát ngôn của Vũ, có 2 luồng ý kiến. Người cho rằng, Vũ tự dưng quảng bá không công cho Starbucks. Bởi với các tín đồ yêu thứ nước đen từ lâu đời này, Vũ khó thuyết phục họ rằng, ly cà phê Trung Nguyên chở nặng tri thức, cảm xúc, sáng tạo... hơn ly Starbucks. Luồng ý kiến thứ hai có vẻ mạnh hơn khi cho rằng, gắn với thương hiệu Starbucks, Trung Nguyên được thơm lây.

Tuy nhiên, với Vũ, lúc này đây, phát ngôn theo cách trên đều không nên. Bởi thực tế, với chuỗi bán lẻ, những gì Vũ tuyên bố hầu như đã phá sản.

Với những gì Vũ đã và đang làm với cà phê Việt, không phải doanh nhân nào cũng làm được. Vũ cứ lập Làng cà phê Trung Nguyên rộng gần 20.000 ha ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột để làm bảo tàng, xây dựng văn hóa cà phê; cứ nuôi giấc mơ làm bá chủ cà phê thế giới. Người đời gọi Vũ vĩ cuồng, cũng đừng dừng lại mà cãi, cứ đi tiếp với giấc mơ thay đổi tỉ lệ xuất thô 90% cà phê Việt xuống 20-30%. Vũ cứ lặng lẽ mở tiếp tiệm cà phê này đến cà phê khác tại các trục đường lớn của quận 1, TP.HCM.

Giá như, Vũ cứ làm, theo cách “vĩ cuồng” của mình, đừng nói nhiều về Starbucks lúc này, sẽ hay hơn và thú vị hơn nhiều. 

Theo Nhịp cầu Đầu tư

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM