Từ cậu bé bị bắt nạt trở thành doanh nhân khởi nghiệp từ tuổi 13

07/01/2015 14:51 PM | Nhân vật

Ollie quyết tâm sẽ chứng minh cho những kẻ chế giễu mình thấy những gì họ nói là hoàn toàn sai trước khi tốt nghiệp vì vậy cậu đã khởi nghiệp kinh doanh ở tuổi 13.

Ollie Forsyth lớn lên tại vùng Northamptonshire, nước Anh. Mỗi khi đi học, cậu thường bị bắt nạt vì mắc chứng khó đọc và vì cậu khác biệt. Họ nói cậu chẳng là cái thá gì và sẽ luôn luôn như vậy. Cậu sẽ không bao giờ thành công.

Những lời lẽ cay nghiệt này có thể khiến nhiều người mất tinh thần, tổn thương lòng tự trọng và nản chí. Tuy nhiên, Ollie Forsyth không như vậy. Thay vào đó, cậu tìm được sức mạnh và hướng đi từ tỷ phú tự thân Richard Branson – người cũng từng phải chiến đấu với căn bệnh khó đọc khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Giống như Branson, cậu đã biến những lời châm chọc của người khác thành động lực để khởi nghiệp trên con đường kinh doanh.

“Branson đã truyền cảm hứng cho tôi”, Ollie chia sẻ với tạp chí Entrepreneur. “Ông ấy mắc chứng khó đọc rất nặng. Khi xem một chương trình về ông, tôi đã quyết tâm sẽ trở thành người giống như ông ấy”.

Ollie cũng quyết tâm sẽ chứng minh cho những kẻ chế giễu mình thấy những gì họ nói là hoàn toàn sai trước khi tốt nghiệp và mỗi người một ngả. Sau khi học hỏi cách Branson biến bất lợi thành ưu thế, cậu khởi nghiệp kinh doanh ở tuổi 13, sớm hơn Branson 3 tuổi.

Thậm chí trước khi bước sang tuổi teen (13 - 19), Ollie đã bộc lộ khiếu kinh doanh của mình. Cậu bán trà và cà phê cho cha mẹ với giá 20 pence/cốc (khoảng 34 cent). “Nếu họ muốn đun nóng lại, tôi sẽ thu thêm 20 pence nữa”. Cộng với việc dắt chó đi dạo và cắt cỏ, cậu kiếm được tổng cộng 20 pound (33.74 USD) mỗi tuần.

Cậu khởi nghiệp bằng việc mở một cửa hàng với tên gọi rất đơn giản: Ollie’s Shop. Đó là cửa hàng bán quà tặng trực tuyến với những mặt hàng như vòng tay đá quý, khuy măng sét, thắt lưng da, ví và một vài món đồ khác cho giới trẻ hay các ông bố bà mẹ. Cùng với sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè, Ollie hoàn thành vài đơn hàng mỗi ngày. Hàng hóa được trữ tại nhà, trong đó có những món đồ nhập từ Trung Quốc.

Theo lời kể của Ollie, doanh thu Ollie’s Shop ngày càng tăng. Cậu kiếm được tới 2.500 pound (3.794 USD) tiền lãi chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu.

Cậu chia sẻ: “Khi thu về 10.000 pound (16.870 USD) đầu tiên, tôi biết mình có thể làm được. Tôi đang trên đường đến với thành công. Cho tới nay, tôi vẫn luôn may mắn khi chưa bao giờ lỗ một đồng nào”.

Ollie cho rằng việc bị bạn cùng lớp bắt nạt ở ngôi trường danh tiếng Bruern Abbey, trường trung học duy nhất cả nước dành cho những cậu bé gặp khó khăn trong việc học, có thể là do họ ghen tỵ với sự tâm huyết và ý chí của cậu nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh.

Ollie bày tỏ: “Tôi chẳng bao giờ biết được tại sao họ lại cư xử như thế. Thật hổ thẹn vì tôi không thể hòa hợp với những cậu bé khác, hoặc là họ không thể hòa hợp với tôi. Nhưng dù vậy, bạn vẫn phải tiếp tục tiến lên phía trước”.

Lời khuyên cậu dành cho những đứa trẻ bị bắt nạt ở trường là cứ phớt lờ mọi phiền nhiễu đó đi. Cậu nhắn nhủ: “Những thứ như vậy vẫn xảy ra trong cuộc sống, nhưng bạn phải vượt qua. Hãy bước tiếp và tiến xa hơn nữa!”. Nên biến sự giận dữ và buồn phiền khi bị bắt nạt thành động lực theo đuổi ước mơ, giúp đỡ những người cũng gặp hoàn cảnh khó khăn tương tự, nhất là qua các hoạt động tình nguyện.

Ollie nói: “Đem lại điều khác biệt cho một người có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người đó. Tôi luôn mong muốn giúp đỡ người khác, không phải chỉ để quảng bá mà xuất phát từ tận đáy lòng”.

Cậu hoạt động tình nguyện cho rất nhiều hội từ thiện, trong đó có tổ chức East Anglia’s Children’s Hospice và quỹ Army Benevolent Fund. Hiện Ollie là Đại sứ nước Anh cho Winners Win, một website chuyên đăng những bài viết truyền cảm hứng sống, kết nối người đọc với các tổ chức từ thiện. Cậu cũng dùng tiền của mình để lập quỹ giúp các doanh nhân trẻ khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ollie gợi ý rằng mọi trẻ em, đặc biệt là các doanh nhân tuổi teen, nên trò chuyện về hy vọng, ước mơ cũng như thử thách họ gặp phải với những người lớn thành đạt mà họ tin tưởng và ngưỡng mộ.

Hiện giờ, ở tuổi 16, Ollie đã mở cửa hàng trực tuyến thứ hai về thời trang có tên Charmou. Mục tiêu của Ollie là trở thành triệu phú. Cậu cho biết: “Nếu có thể trở thành triệu phú trước tuổi 20, 30 hoặc trước khi chết, tôi sẽ rất hạnh phúc. Tiền rất quan trọng, nhưng chẳng có ý nghĩa gì khi kiếm được hàng triệu đô mà phải làm công việc mình ghét. Tôi sẽ tự kinh doanh. Liệu tôi còn cách cuộc sống giàu sang bao xa? Hãy chú ý danh sách những người giàu nhất vài năm tới nhé”.

>> Từ cậu bé 13 tuổi bỏ học trở thành CEO công ty bán lẻ hàng đầu nước Anh

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM