Tôi không nghĩ kinh doanh giáo dục là béo bở!

20/11/2014 09:19 AM | Nhân vật

“Lợi nhuận từ kinh doanh giáo dục nằm ở mức trung bình, chấp nhận được đối với một nhà đầu tư. Nếu anh muốn lợi nhuận cao hơn thì nên tìm những ngành nghề khác..”

Chia sẻ của bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội – Khahomex (mã KHA) kiêm Chủ tịch Công ty TNHH MTV Mầm non Khánh Hội xoay quanh chủ đề kinh doanh giáo dục tại Việt Nam.

Xã hội hiện vẫn còn chưa có nhiều thiện cảm với cụm từ “kinh doanh giáo dục”, nhiều ý kiến cho rằng muốn làm kinh doanh, muốn có lợi nhuận thì nên tránh xa giáo dục, quan điểm của bà về điều này?

Xã hội dị ứng với từ đó bởi có những nghề người ta tôn trọng cái đức hơn chuyện kinh doanh như y tế, giáo dục…

Theo tôi, với kinh doanh giáo dục, quan trọng mục tiêu ban đầu mình đặt ra là cái gì? Hiệu quả anh chấp nhận ở mức nào hay muốn ở một mức rất cao? Nếu anh đặt mục tiêu lợi nhuận là trên hết, làm mọi cách mọi biện pháp để làm sao để mang về lợi nhuận cao nhất thì tôi nghĩ đừng nên làm ngành này.

Kinh doanh là phải có lời nhưng nếu kinh doanh giáo dục mà quá quan trọng lợi nhuận thì sẽ ảnh hưởng tới nghề, chuyên môn của giáo dục.

Nhưng nói kinh doanh nên tránh xa giáo dục cũng không đúng. Vẫn có hiệu quá nếu như đầu tư đúng vị trí, đúng phân khúc, bài bản, quản lý tốt…

Bà đánh giá như thế nào về vai trò của nhà nước trong việc phát triển giáo dục ngoài công lập?

Vai trò nhà nước thì cũng nhiều. Tôi xin nói theo thực tế đối với trường Khánh Hội về vai trò và sự hỗ trợ của nhà nước.

Thứ nhất về hỗ trợ chính sách về đất đai, như việc được miễn giảm tiền sử dụng đất đối với những trường tư nhân làm xã hội hóa y tế,  giáo dục.

Vì Mầm non Khánh Hội cũng nằm trong diện thuê đất nhà nước nên trường cũng làm hồ sơ thủ tục để xin được áp dụng nhưng không được. Sau đó mất khoảng gần 3 năm kiên trì gửi lên thành phố, lên Bộ Tài chính và cuối cùng được giảm 50% trong vòng 2 năm. Với một ngôi trường mới thành lập thì sự hỗ trợ như vậy là đáng kể.

Thứ hai là chính sách quản lý đào tạo, ở đây là đội ngũ giáo viên mầm non. Liệu chuẩn đầu ra có đạt hay không từ đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn tay nghề. Tại Khánh Hội có những trường hợp tuyển cô giáo thử việc được 1 ngày là trốn mất, cho thấy áp lực từ thực tế rất xa so với những gì học ở trường.

Thứ ba là việc kiểm tra, giám sát. Các trường khi hoạt động, vai trò kiểm tra của nhà nước rất quan trọng. Cần thường xuyên tiến hành kiểm tra ở các nhóm trẻ, các trường công lẫn tư xem hoạt động về chuyên môn ra sao, y tế… Mặc dù đối với trường rất là phiền vì kiểm tra, báo cáo nhưng chính điều này là sự nhắc nhở thường xuyên đối với lãnh đạo, giáo viên của trường.

Một điều nữa là về chính sách thuế. Trường tư nhân thì nằm trong vỏ bọc là doanh nghiệp. Đối với giáo dục tiếp cận theo trường còn đối với thuế thì tiếp cận theo doanh nghiệp, nên cũng nhọc nhằn để được hưởng theo mặt giáo dục thuế 10% thay vì theo doanh nghiệp là 22%.

Bà có thể chia sẻ việc Khahomex đầu tư cũng như hoạt động hiện nay trường Mầm non Khánh Hội?

Cụm Cao ốc 360 Bến Vân Đồn do Khahomex làm chủ đầu tư có quy hoạch 3.000 m2 cho giáo dục, để tăng giá trị cho khu vực dự án, hoàn thiện môi trường sống cho người dân mua căn hộ. Lúc đó nếu công ty không đầu tư thì sẽ giao cho nhà nước làm. Sau đó, Hội đồng quản trị đã thống nhất nhận làm mảng này.

Đến nay trường đã hoạt động được gần 6 năm. Ban đầu cũng rất khó khăn bởi xã hội nhìn trường mầm non tư thục vẫn chưa có nhiều thiện cảm.

Năm đầu trường lỗ thê thảm, năm thứ hai hòa và bắt đầu có lãi từ năm thứ 3. Từ năm thứ 4 trở đi là đủ chi phí vốn tài chính và cũng thêm phần chăm lo cho người lao động tại trường. Với sĩ số khoảng 300 trẻ, trường đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra (công suất tối đa khoảng 380 trẻ).

Doanh thu của trường năm 2013 đạt hơn 10 tỷ, lợi nhuận sau thuế khoảng 3 tỷ trong đó 50% lợi nhuận được trích cho quỹ phúc lợi của nhà trường.

Như vậy, bà có cho rằng mảng kinh doanh giáo dục là béo bở, hấp dẫn?

Tôi không nghĩ là béo bở. Khi tôi tiếp xúc với một số lãnh đạo trường tư mang hơi hướng nước ngoài thì cũng thấy lợi nhuận cao và hấp dẫn.

Nhưng thực sự quy mô của họ đang ở chỗ nào? Liệu có mở thêm được nữa không? Tôi cho là khó bởi không còn chỗ. Tại TP.HCM thì cũng chỉ có vài khu vực kinh doanh mảng này được.

Tôi nghĩ lợi nhuận từ kinh doanh giáo dục nằm ở mức trung bình, chấp nhận được đối với một nhà đầu tư. Nếu anh muốn lợi nhuận cao hơn thì nên tìm những ngành nghề khác để thấy thoải mái tinh thần và có thể đạt được mục tiêu của mình.

Bởi để đạt lợi nhuận cao thì phải nâng doanh thu hoặc tiết giảm chi phí xuống. Nhưng nâng doanh thu anh có đủ chuẩn để nâng không, phụ huynh có chấp nhận tăng học phí không… hay là khi nâng lên họ sẽ lựa chọn lại. Rồi giảm chi phí là giảm đầu tư cơ sở vật chất, giảm lượng giáo viên… Quan trọng hơn là sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của trường.

Sau thời gian tham gia mảng giáo dục, theo bà đâu là những yếu tố quyết định thành công khi một doanh nghiệp đầu tư ở mảng này?

Theo tôi khi quyết định đầu tư vào giáo dục nên dựa trên mấy cơ sở chính. Thứ nhất, mục tiêu kỳ vọng lợi nhuận tới đâu, bởi điều này sẽ chi phối hoạt động quản lý phía sau. Đầu tư tới mức độ  nào, sức chứa các bé tới đâu và phân khúc nào, có còn hay không. Và vị trí, điều này cực kỳ quan trọng, vị trí định đầu tư phải thị trường.

Thứ hai là khâu vận hành quản lý, như với Khánh Hội, trường 300 cháu nếu để xảy ra chuyện gì đó thì liệu ngày hôm sau sẽ còn bao nhiêu… Nên đòi hỏi người điều hành phải giỏi cả chuyên môn, quản lý, đào tạo, giám sát.

Xin cảm ơn bà!

>> Việt Nam: Chi phí cho giáo dục cao hàng đầu thế giới

Theo Huyền Trâm

Cùng chuyên mục
XEM