Thích đua ngựa, mê làm vườn, may vá: Cách dựng cơ nghiệp triệu đô

17/09/2012 18:33 PM | Nhân vật

Thậm chí là tỷ USD. Dễ quá ?!


Kim Lavine – một người phụ nữ sống ở Grand Haven, bang Michigan (Mỹ) bắt đầu may những chiếc gối ôm làm quà tặng các giáo viên của con từ năm 2001. Tại thời điểm đó, chồng cô vừa mất việc, buộc Lavine phải biến sở thích may vá của mình thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Lavine bán những chiếc gối tự làm để mở một ki ốt nhỏ và về sau mở công ty có tên Green Daisy vào năm 2002. Chỉ trong vòng 2 năm, những chiếc gối mang thương hiệu Lavine’s Wuvit đã có mặt tại những chuỗi cửa hàng bán lẻ trên khắp nước Mỹ bao gồm Saks Fifth Avenue, Macy’s và Bed Bath & Beyond. Năm 2006, công ty của Lavine thu về 1 triệu USD từ doanh số bán hàng.

Không dừng lại ở gối ôm, Lavine còn mở rộng sang dòng sản phẩm pijama và trang trí nội thất. Năm 2008, bà chủ Lavine tạm ngưng công việc kinh doanh bán lẻ để bắt tay vào lĩnh vực truyền thông hoàn toàn mới với mục đích quảng bá thương hiệu Green Daisy. 

Trong cuốn sách viết về thành công của bản thân xuất bản năm 2007 Mommy Millionaire: How I Turned My Kitchen Table Idea into a Million Dollars and How You Can, Too!(St. Martins), Lavine đã giúp những người muốn biến sở thích riêng thành công việc kinh doanh thực sự bằng cách đặt ra câu hỏi: “Bạn có sở hữu loại sản phẩm tuyệt hảo? Bạn có thể chứng minh khả năng tiêu thụ của sản phẩm đó hay không?” Những câu hỏi trên có vẻ rất cơ bản, song không ít doanh nghiệp chưa hề suy nghĩ thấu đáo về vấn đề đó.

Dưới đây là những ví dụ điển hình về những doanh nhân nắm trong tay chìa khóa thành công từ chính sở thích cá nhân của họ.

1. Terry Finley


Sở thích: Đua ngựa

Công ty: West Point Thoroughbreds

Doanh thu năm 2011: 6,5 triệu USD

Khi Terry Finly mua chú ngựa Sunbelt với giá 5.000 USD vào năm 1991, đó cũng là thời điểm anh thấy bế tắc với công việc kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Từng chơi cá cược đua ngựa trong nhiều năm liền, nhưng có lẽ Finley chưa từng bỏ tiền đầu tư mua ngựa như lần này. Khi Sunbelt dành phần thắng lần đầu tiên, Finley đã đăng quảng cáo trên những tờ báo về đua ngựa. Cuối cùng, một nhà đầu tư nọ đã đồng ý trả 5.000 USD để đồng sở hữu chú ngựa. 2 tháng sau, Finley tậu con ngựa thứ 2 có tên Cal’s Zen Jr. và tiếp tục mua thêm nhiều chú ngựa tốt khác sau đó.

Không lâu sau, Finley bỏ việc để thành lập công ty chuyên về ngựa đua có tên West Point Thoroughbreds có trụ sở tại Saratoga Springs, New York. Chân ướt chân ráo vào nghề, Finley đã tham khảo ý kiến của nhiều khách hàng, những người từng mở công ty riêng để hiểu hơn về cách thức điều hành doanh nghiệp.

Finley cho biết, anh mong muốn xây dựng thương hiệu và đi kèm với đó là danh tiếng. Anh hiểu rõ tầm quan trọng của việc theo dõi số liệu và đầu tư vào website của công ty.

Hiện nay, West Point Thoroughbreds đang sở hữu 55 chú ngựa đua. 550 nhà đầu tư vào công ty sẽ nhận được tiền khi chú ngựa của họ thắng cuộc, gây giống thành công hoặc bán cho người khác. Doanh số 2 triệu USD của công ty năm 2005 đã tăng lên thành 6,5 triệu USD trong vòng 3 năm qua.

2. Craig Jenkins-Sutton


Sở thích: Làm vườn

Công ty: Topiarius

Doanh thu năm 2011: 1,2 triệu USD

Khi Craig Jenkins-Sutton bắt tay vào thiết kế những khu vườn, anh chưa từng qua một lớp đào tạo bài bản nào. Sinh ra và lớn lên từ một trang trại ở trung tâm bang Minnesota, anh luôn mang trong mình niềm yêu thích làm vườn. Vì thế, Jenkins-Sutton đã quyết định đi theo con đường này, tuy nhiên, anh muốn lập công ty riêng thay vì làm thuê cho ai đó.

Năm 2003, Jenkins-Sutton đăng tin trên tờ Chicago Tribune quảng cáo về dịch vụ thiết kế nhà vườn. Trong vòng 1 tuần, anh đã nhận được 40 cuộc gọi song chỉ một khách hàng duy nhất mời Jenkins-Sutton đến làm việc. Khởi đầu như thế đã là quá đủ để công việc kinh doanh bắt đầu, và ngay trong năm đó, Jenkins-Sutton mở công ty riêng Topiarius ở Chicago.

Jenkins-Sutton đã học được cách làm thế nào để quảng bá công ty bằng không ít thử nghiệm và thất bại. Phần khó nhất trong thiết kế vườn tược nằm ở chỗ nhiều khách hàng nghĩ họ có thể tự tay làm đẹp khu vườn mà chẳng cần thuê thợ. Jenkins-Sutton đã phải tìm cách thuyết phục và chỉ cho họ thấy những giá trị đích thực mà dịch vụ của Topiarius mang lại.

Năm 2010, ông chủ Jenkins-Sutton thử nghiệm hình thức quảng cáo treo trước cửa nhà khách hàng. Anh nhận ra rằng cứ 10 quảng cáo sẽ có từ 5 đến 10 khách hàng gọi điện hỏi về dịch vụ, một kết quả khả quan hơn rất nhiều những cách anh từng làm trước đây. Nhờ đó, doanh thu năm vừa rồi của công ty đã tăng tới 80% lên con số 1,2 tỉ USD.

3. Megan Duckett


Sở thích: May vá

Công ty: Sew What? Rent What?

Doanh thu năm 2011: 6,2 triệu USD

Khi Megan Duckett từ Australia chuyển tới sống tại Los Angeles 21 năm về trước, cô chỉ mới 19 tuổi và luôn ấp ủ ước mơ được làm việc trong lĩnh vực giải trí. Duckett từng làm việc với một công ty tổ chức sự kiện. Thời gian rảnh rỗi, Duckett thường thích may vá ga trải giường, màn và quần áo.

Khi được sếp yêu cầu may lớp vải lót bên trong những những chiếc quan tài trang trí dịp Halloween, Duckett đã không bỏ qua cơ hội hiếm có này. Cô nhận ra mình có những khả năng mà người khác không có, bởi thế cô gái trẻ tuổi này bắt đầu công việc của một chuyên gia thiết kế trang phục biểu diễn và trang trí. 1 năm sau, Duckett nhận được đơn đặt hàng thiết kế 25 ngọn đèn chùm bằng lụa cho khách sạn The Mirage ở Las Vegas.

Đến năm 1996, Duckett đã có thể kiếm những khoản thù lao kha khá từ công việc may vá, thậm chí còn nhiều hơn số tiền lương 45.000 USD trả cho một nhân viên tổ chức sự kiện. Bởi thế, cô từ bỏ công việc toàn thời gian này để thuê một căn hộ 74 m2 cùng 3 thợ may khác nhận các đơn đặt hàng. Chỉ trong năm đầu tiên, Duckett đã thu về 80.000 USD doanh thu bán hàng.

Năm 2006, Duckett bắt đầu mở rộng sản phẩm sang dòng túi xách và các phụ kiện khác có in hình logo Sew What? của công ty, bởi cô nhận ra một thực tế rằng khách hàng không mua sản phẩm mà chỉ muốn sở hữu một thương hiệu. Một thời gian sau, Duckett thử nghiệm dịch vụ cho thuê màn và trang phục biểu diễn thay vì bán chúng. Đến năm 2011, Sew What đã thu về 5 triệu USD trong khi doanh số của Rent What? đạt 1,2 triệu USD.

Phong Linh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM