Thấy gì từ bản đồ phụ nữ tham chính trên thế giới

09/03/2015 08:16 AM | Nhân vật

Ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ đã và đang chứng minh rằng họ có thể điều hành tốt chính phủ, gánh vác trách nhiệm phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc gia cũng như tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nội dung nổi bật:

- Tỷ lệ nữ tham gia nghị viện của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới thống kê đầu tháng 1/2015 đã tăng gấp đôi kể từ năm 1995. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khá khiêm tốn, phản ánh sự tăng trưởng về tỷ lệ nữ nghị sĩ khá chậm chạp, từ 11,3% năm 1995 lên 22% vào năm 2015.

- Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực có tỷ lệ nữ tham gia nghị viện thấp nhất (châu Á 18,5%, Trung Đông và Bắc Phi 16,1%, Thái Bình Dương 15,7%).

- Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự hiện diện của phụ nữ ở chính quyền cấp xã tạo ra những chính sách thực tế hơn đối với cuộc sống hàng ngày của người dân


Tăng gấp đôi nhưng chỉ 22%

Theo báo cáo của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), tỷ lệ nữ tham gia nghị viện của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới thống kê đầu tháng 1/2015 đã tăng gấp đôi kể từ năm 1995. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khá khiêm tốn, phản ánh sự tăng trưởng về tỷ lệ nữ nghị sĩ khá chậm chạp, từ 11,3% năm 1995 lên 22% vào năm 2015.

Bản đồ tham chính của phụ nữ thế giới năm 2014 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và UN Women cho thấy, “phái yếu” đang tham gia ngày càng sâu rộng hơn trong đời sống chính trị - xã hội của các nước.

Nhìn trên bình diện từng khu vực, Bắc Âu vẫn là khu vực có cơ quan lập pháp "thân thiện" với nữ giới nhất với tỷ lệ nữ nghị sĩ đạt 41,5%. Tiếp sau đó là châu Mỹ (26,3%), châu Âu không bao gồm các nước Bắc Âu (23,8%), Châu Phi hạ Sahara (các quốc gia châu Phi nằm toàn bộ hay một phần ở phía nam Sahara) với 22,2%.

Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực có tỷ lệ nữ tham gia nghị viện thấp nhất (châu Á 18,5%, Trung Đông và Bắc Phi 16,1%, Thái Bình Dương 15,7%).

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham chính cao không chỉ là "thành tích riêng" của những nước phát triển hàng đầu thế giới. Tại một quốc gia nghèo như Rwanda ở châu Phi, tỷ lệ nữ trong Quốc hội nước này lên tới 63,8%. IPU gọi quốc hội Rwanda là cơ quan lập pháp thân thiện với nữ giới nhất.

Bên cạnh những con số tích cực kể trên, theo UN Women, có 38 quốc gia trên toàn cầu mà ở đó tỷ lệ nghị sĩ là nữ ở quốc hội đơn viện (đối với những quốc gia chỉ có một cơ quan lập pháp) hay hạ viện (đối với những quốc gia có lưỡng viện quốc hội, gồm thượng viện và hạ viện) thấp hơn 10%. Trong đó, phải kể đến 5 cơ quan lập pháp hoàn toàn không có sự xuất hiện của một "bóng hồng" nào.

Điều hành tốt hơn nhờ nữ giới

Nhìn ở góc độ hành pháp, vào tháng 1/2014, con số thống kê cho thấy chỉ 17% bộ trưởng hoặc thành viên chính phủ các nước là nữ giới, hầu hết đảm nhiệm các công việc quản lý các vấn đề xã hội như giáo dục hay gia đình.

Số lượng nữ nguyên thủ chỉ là 25/195 quốc gia trên toàn cầu. Có tới 31 nước có tỷ lệ nữ bộ trưởng dưới 10% và 8 quốc gia tại châu Á – Thái Bình Dương không có nữ bộ trưởng nào.

Tuy rằng, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tham nhũng thấp không liên quan tới tỷ lệ nữ giới tham gia cơ quan lập pháp hay hành pháp. Một số nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ ở chính quyền địa phương cho thấy những sự khác biệt đáng chú ý.

Nghiên cứu đối với những chính quyền địa phương cấp làng xã (panchayats) ở Ấn Độ cho thấy tỷ lệ các dự án nước sạch ở các khu vực do nữ giới nắm quyền điều hành cao hơn 62% so với các khu vực do nam giới là người đứng đầu.

Ở Na Uy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự hiện diện của phụ nữ ở chính quyền cấp xã tạo ra những chính sách thực tế hơn đối với cuộc sống hàng ngày của người dân, ví dụ như việc cung cấp các dịch vụ trông giữ trẻ em.

>> Chủ tịch VCCI: Động lực của kinh tế sẽ là Phụ nữ

Theo Công Việt

Cùng chuyên mục
XEM