Thăng trầm cuộc đời của tỷ phú "buôn vua"

11/04/2013 14:50 PM | Nhân vật

Boris Berezovsky đã sống một cuộc đời đầy âm mưu và giờ đây cái chết của ông cũng đầy những điều bí ẩn.

Khi một trong những vệ sĩ phát hiện thi thể của ông trong nhà tắm của ngôi biệt thự ở Ascot, những lời đồn đoán lập tức lan tràn. Liệu đây có phải là một vụ tự tử sau thất bại cay đắng tại vụ kiện với “đàn em”?. Hay mật vụ Nga đã ám sát ông sau nhiều năm theo dõi? Hay chỉ đơn giản là ông chết do vấn đề sức khoẻ ?

Những lời đồn thổi càng trở nên li kỳ hơn khi các chuyên gia đặc biệt được cử đến để tìm kiếm các chất hoá học, phóng xạ, hạt nhân, với một hàng rào cảnh sát dài 3 km bao quanh ngôi nhà.

Hôm 26/3, cảnh sát Anh đã thông báo kết quả của việc khám nghiệm tử thi, theo đó nguyên nhân cái chết là do treo cổ và không có dấu hiệu bạo lực. Mặc dù vậy điều này chưa làm chấm dứt những đồn đoán và các khám nghiệm chi tiết hơn vẫn đang được tiến hành.

Ông Berezovsky chắc chắn có nhiều kẻ thù và ông đã thoát được ít nhất hai cuộc mưu sát, trong đó có một vụ đánh bom ô tô đã khiến lái xe của ông mất đầu. Người mà ông Berezovsky chỉ trích mạnh mẽ nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông từng nói muốn tài trợ cho một cuộc lật đổ ông Putin, còn toà án Nga đã kết án vắng mặt tỷ phú Nga lưu vong này về tội tham nhũng và rửa tiền.

Ông trùm môi giới quyền lực

Ông Berezovsky từng là một trong những người đàn ông quyền lực nhất ở Nga, từ một giáo sư toán học trở thành một tỷ phú “buôn vua”.

Sinh năm 1946 tại Moscow, ông nghiên cứu về toán học và giảng dạy trong phần lớn thời gian dưới thời Liên Xô cũ. Khi Liên Xô cũ sụp đổ đầu những năm 1990, ông Berezovsky mở công ty buôn bán ô tô và nhanh chóng phất lên, sở hữu cả hãng truyền thông ORT.

Ảnh minh họa

Boris Yeltsin và Boris Berezovsky thời những năm 90


Nhân tố quan trọng khiến ông thành công và giàu có là kết thân với Boris Yeltsin, người sau này trở thành Tổng thống nước Nga. Ông đã cho đăng tải những bài viết của ông Yeltsin, trả cho ông Yeltsin những khoản phí khổng lồ cho những quyển sách chẳng hề bán được. Sau đó, ông sử dụng đài truyền hình ORT để giúp Yeltsin tái đắc cử năm 1996.

Tình bạn này đã đem lại cho Berezovsky những lợi ích không thể kể hết, từ việc môi giới chính trị cho đến việc phân chia những tài sản khổng lồ của chế độ Xô viết cho những doanh nhân máu mặt. Berezovsky và những người thân cận đã giành được cổ phần trong công ty dầu mỏ lớn Sibneft, hãng sản xuất nhôm Rusal, thời báo Kommersant, hãng hàng không Aeroflot và vô số các tài sản khác trên thế giới. Ông cũng được cho là đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ việc “bảo kê” cho các doanh nhân khác.

Khi sức khoẻ của ông Yeltsin xấu đi vào cuối những năm 1990, Berezovsky là một trong số những người ủng hộ ông Putin, khi đó là người đứng đầu cơ quan tình báo FSB (thay thế cho KGB), trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, ngay sau khi ông Putin lên nắm quyền năm 2000, những rắc rối của ông Berezovsky đã bắt đầu.

Bỏ trốn sang Anh


Chỉ trong vòng vài tuần sau khi lên nắm quyền Tổng thống, ngày 31/12/1999, ông Putin đã tỏ rõ quan điểm rằng thời của những ông trùm kiểu như Berezovsky sẽ không còn ở điện Kremlin.

Vị Tổng thống trẻ tuổi yêu cầu Berezovsky bán lại hãng ORT, sau đó buộc tội ông tham nhũng trong quá trình kiểm soát hãng không Aeroflot. Ông Berezovsky đã bỏ trốn trước khi bị cảnh sát bắt giữ, đầu tiên là sang Pháp, sau đó đến Anh, nơi ông được cấp quyền cư trú năm 2003. Ông đã bị kết án vắng mặt ở Nga.

Ảnh minh họa

Ông Berezovsky tham gia biểu tình chống gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội Nga, trước cửa đại sứ quán Nga tại Luân Đôn tháng 10/2011


Khi sống tại Luân Đôn, ông Berezovsky đã xây dựng cho mình cơ sở chính trị và tiến hành những cuộc tấn công mạnh mẽ vào ông Putin. Ông đã mua hàng trang báo lớn ở Anh và Mỹ để chỉ trích mối quan hệ “nồng ấm” giữa Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush và ông Putin. Một năm sau, ông phát biểu trên tờ Guardian :”Không thể nào thay đổi chế độ (của Putin) bằng những biện pháp dân chủ. Tình thế sẽ không thay đổi trừ khi dùng đến bạo lực, sức ép”. Khi được hỏi, có phải ông đang định tài trợ cho một “cuộc cách mạng” như vậy không, ông trả lời “gần như là vậy”.

Thất bại ở toà án

Trong vài năm gần đây, cuộc chiến lớn nhất của ông Berezovsky không phải là nhằm vào ông Putin mà là một tỷ phú Nga khác, Roman Abramovich.

Hai người đã từng hợp tác kinh doanh vào những năm 1990 khi Liên minh Xô viết sụp đổ, tuy nhiên, sự nghiệp của họ tại Nga có những bước ngoặt rất khác nhau. Trong khi Berezovsky mâu thuẫn với ông Putin và phải sống lưu vong ở Luân Đôn thì Abramovich ở lại Moscow, tránh xa chính trị và được hưởng lợi rất nhiều từ sự ủng hộ của ông Putin. Trong số những doanh nhân Nga nổi tiếng, ông Abramovich được biết đến nhiều nhất với vai trò ông chủ đội bóng Anh Chelsea.

Tự tin vào những chiến thắng pháp lý từng có ở Luân Đôn, trong đó có việc làm thất bại nỗ lực dẫn độ ông về Nga, Berezovsky đã kiện người bạn cũ ra toà năm 2007, với lời buộc tội ông này đã dùng hành vi đe doạ để chiếm quyền kiểm soát trong hai tập đoàn Sibneft và Rusal. Ông Berezovsky đòi bồi thường 5,6 tỷ USD và khá tự tin vào thành công.

Ông Abramovich phủ nhận lời buộc tội và kiện ngược lại rằng ông Berezovsky không có cổ phần trong các công ty trên nhưng lại đòi trả 1,3 tỷ USD vào năm 2001 vì sự bảo trợ của ông.

Ảnh minh họa

Hai người trở thành đối thủ khi ra hầu toà tại Luân Đôn năm 2011


Vụ kiện đã kết thúc vào cuối tháng 8 năm 2012 với phần thắng thuộc về ông Abramovich. Toà án kết luận ông Berezovsky thiếu trung thực, sử dụng bằng chứng không đáng tin và “coi sự trung thực là một khái niệm tạm thời, dễ thay đổi”.

Sự đảo ngược số phận

Sự thất bại về mặt pháp lý và những lời tuyên nặng nề của toà án đã khiến ông Berezovsky suy sụp và làm ông kiệt quệ về tài chính, theo lời những bạn bè của ông.

Ông phải trả khoảng 100 triệu USD án phí và 60 triệu USD chi phí toà án cho ông Abramovich. Để trả những chi phí này, ông đã phải bán một căn nhà lớn ở Anh, thế chấp bất động sản ở Pháp, bán chiếc Maybach chống đạn đặc biệt và hai bức tranh đắt giá của Picasso.

“Bên cạnh lý do về tài chính, lý do khác khiến ông suy sụp là sự quấy rối từ phía Nga và sự phiền nhiễu của khối lượng lớn các thủ tục pháp lý”, một người bạn thân của ông cho biết.

Ảnh minh họa

Berezovsky cùng người vợ cũ Yelena Gorbunova và hai con


Tuy nhiên, có nhiều người không tin ông tự tử vì suy sụp tâm lý. Họ cho rằng ông Berezovsky có thể thất vọng nhưng không suy sụp. “Berezovsky là con người thích chiến đầu, ý nghĩ tự tử không có trong đầu ông. Ông là người luôn nhìn về tương lai. Chúng tôi vừa nói chuyện với con gái ông”, Yuri Felshtinsky, một người bạn của ông cho biết.

Vợ cũ của ông, Galina Besharova, chủ căn nhà nơi ông chết, cho rằng Berezovsky bị giết. “Ông đã bị bóp cổ”, bà nói với một người bạn sau khi đến căn nhà tối hôm ông Berezovsky được phát hiện. (Berezovsky có 3 người vợ và 6 người con, ông vẫn giữ quan hệ gần gũi với tất cả bọn họ).

Lời đồn đoán lại càng bùng lên khi phát ngôn viên của điện Kremlin hôm thứ Hai cho biết ông Berezovsky gần đây đã viết thư cho ông Putin. Trong bức thư, ông Berezovsky “thừa nhận đã có rất nhiều sai lầm và xin được tha thứ”. “Ông cũng xin Putin cho phép được trở về nước Nga".

Ảnh minh họa
Điện Kremlin cho biết ông Berezovsky gần đây đã viết thư xin ông Putin tha thứ

Trong khi đó, cảnh sát Anh đã nỗ lực xua tan nghi ngờ xung quanh cái chết và khẳng định không có bằng chứng về sự liên quan của bên thứ ba trong vụ việc này.

Theo nhà báo Nga Sergey Trokan, bỏ qua những lời đồn đoán về nguyên nhân, cái chết của ông Berezovsky đã đánh dấu chấm dứt cho một giấc mơ quyền lực thời hậu Xô viết.

Theo Dương An 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM