Tham vọng của bầu Hiển

27/03/2015 08:49 AM | Nhân vật

Vì sao ông chủ Tập đoàn T&T quyết tiến vào mảng kinh doanh hạ tầng?

Liên tục đặt vấn đề mua lại nhiều tài sản lớn của Nhà nước ở lĩnh vực hạ tầng, Chủ tịch Ðỗ Quang Hiển của Tập đoàn T&T đang thể hiện quyết tâm muốn chia phần miếng bánh hạ tầng tại Việt Nam.

Chưa đầy 2 tháng sau khi ngỏ lời muốn thay thế Nhà nước nắm giữ toàn bộ cổ phần tại Cảng Quảng Ninh, Tập đoàn T&T của ông Hiển lại đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bán lại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Kèm theo đề nghị mua, T&T cũng thể hiện cam kết tiếp tục đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Phú Quốc và không tiến hành chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

Thực tế, Đỗ Quang Hiển là một doanh nhân khá nổi danh ở phía Bắc, nhưng sự nổi tiếng của ông phần lớn đến từ việc đầu tư bóng đá. Sau đó, người ta bắt đầu biết đến ông ở vai trò Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội. Tuy nhiên, khi nhắc đến T&T, rất ít người hình dung được đâu là lĩnh vực cốt lõi của doanh nghiệp này.

Theo giới thiệu trên website, Công ty TNHH T&T, tiền thân của Tập đoàn T&T, được ông Hiển thành lập vào năm 1993 với ngành nghề chủ đạo là kinh doanh và sản xuất các sản phẩm điện tử, điện máy của các hãng Panasonic hay National. Thế nhưng, hầu như ai cũng biết rằng hoạt động chính của T&T lúc đó thực chất là thương mại, chủ yếu nhập khẩu hàng từ nước ngoài về tiêu thụ trong nước. Và T&T từng nổi tiếng với việc mang dòng xe máy giá rẻ từ Trung Quốc về Việt Nam.

Đến năm 1999, ông Hiển bước chân vào lĩnh vực sản xuất khi thành lập Công ty TNHH T&T Hưng Yên, đầu tư dây truyền sản xuất các sản phẩm linh kiện, động cơ xe máy với quy mô lớn nhất Việt Nam, vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng.

Xe máy Trung Quốc đã giúp T&T phát triển khá nhanh, nhưng lại không giúp tạo dựng thương hiệu cho Công ty. Phải đến năm 2006, mọi người mới biết đến bầu Hiển và T&T nhiều hơn khi ông thành lập đội bóng Hà Nội T&T.

Năm 2007 đánh dấu sự tham gia của T&T vào lĩnh vực tài chính, khi Công ty góp vốn và trở thành cổ đông chính của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Hiện trong bản giới thiệu, T&T xác định 4 lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản, tài chính, công nghiệp và thể Thao.

Có thể nói, so với các đại gia khác của Việt Nam, chiến lược kinh doanh của doanh nhân Ðỗ Quang Hiển dường như vẫn chưa thể hiện được sự nhạy bén, đột phá một cách rõ ràng. Thế nhưng với tham vọng ở lĩnh vực hạ tầng, mà cụ thể là cảng biển và sân bay, bầu Hiển đang thể hiện một tầm nhìn khá xa.

Theo đánh giá của ông chủ T&T, cảng biển và hàng không là những lĩnh vực tiềm năng, hoàn toàn có thể mang lại kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh thương mại giữa Việt Nam và quốc tế sẽ ngày càng được mở rộng.

Cũng vì lý do này mà trong tương lai, khách đến Việt Nam tham quan du lịch và tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng sẽ tăng mạnh. “Nhìn chung, các cảng biển và cảng hàng không sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, độ hấp dẫn của các cảng biển và cảng hàng không cũng phải tùy từng cảng và tùy từng từng sân bay, tùy từng vị trí”, ông Hiển từng chia sẻ.

Tuy chưa rõ độ hấp dẫn của Cảng Quảng Ninh và Cảng hàng không Phú Quốc đối với T&T ra sao, nhưng rõ ràng với những thông số được cung cấp, hai dự án hạ tầng này là những món hàng hấp dẫn mà bầu Hiển đã nhắm đến.

Báo cáo tài chính của Cảng Quảng Ninh trong đợt IPO cuối năm 2014 cho thấy công ty này có những chỉ số khá ổn, ví dụ tổng tài sản khá lớn, không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất mà lại vay nợ ít. Cụ thể, tổng vay nợ chỉ có 119 tỉ đồng trên 490 tỉ đồng vốn chủ.

Ngoài ra, Cảng Quảng Ninh có vị trí rất lợi thế do nằm ở trung tâm vịnh Bắc bộ, cửa ngõ ra biển Đông của toàn bộ khu vực phía Bắc. Hàng hóa từ khu vực Đông Bắc bộ và Tây Bắc bộ khi xuất đi Trung Quốc hầu hết phải thông qua cảng này. Hiện nay, Cảng Quảng Ninh có thể tiếp nhận tàu đến 40.000 tấn vào cảng, với sản lượng hàng hóa thông quan từ 6 - 7 triệu tấn/năm.

Với Cảng hàng không Phú Quốc, tiềm năng và lợi thế kinh doanh còn lớn hơn. Sân bay Phú Quốc có công suất 2,6 triệu hành khách mỗi năm, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng và chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 12/2012. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại Phú Quốc. Đây được xem là một bước quan trọng trong tiến trình xây dựng Phú Quốc trở thành Ðặc khu kinh tế của Việt Nam.

Tuy Ðỗ Quang Hiển chỉ xếp thứ 61 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng tiềm lực tài chính của vị doanh nhân này là không hề nhỏ. Sở hữu một doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.500 tỉ đồng là T&T, việc mua lại toàn bộ vốn tại Cảng Quảng Ninh với mức giá khoảng 500 tỉ đồng là trong tầm tay của ông.

Thế nhưng với Sân bay Phú Quốc, có lẽ ông Hiển sẽ phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội. Bầu Hiển hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại SHB. T&T cũng là đối tác chiến lược với tỉ lệ cổ phần nắm giữ là 10,95%. Cá nhân ông Hiển và những người có liên quan cũng nắm giữ 5,82%. SHB có vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng.

Bên cạnh tài chính, một vấn đề khác mà T&T sẽ gặp phải là công ty này chưa bao giờ phải “sắm vai” nhà vận hành cảng biển hay sân bay chuyên nghiệp, cũng như chưa tham gia hoạt động nào liên quan tới việc sở hữu, vận hành và khai thác những dịch vụ này. Do vậy, nếu T&T tiến vào cảng biển và sân bay thành công, thì bài toán mô hình kinh doanh và kinh nghiệm quản lý sẽ là thách thức không nhỏ cho bầu Hiển.

Tuy nhiên với Ðỗ Quang Hiển, câu chuyện lại có vẻ đơn giản hơn nhiều. Theo ông, như cảng hàng không, ngoài những mảng như đường băng, điều hành bay liên quan đến kỹ thuật, an ninh quốc phòng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ còn lại ở nhà ga cũng có thể ví như vận hành bến xe vậy. Cảng biển cũng tương tự.

“Về bản chất, cảng biển hay cảng hàng không đều là cung cấp dịch vụ. Tất nhiên, việc kinh doanh dịch vụ cảng biển, sân bay sẽ ở một mức độ cao cấp hơn. Tôi có thể khẳng định là khi tư nhân vào tham gia đầu tư quản lý, họ sẽ mang lại dịch vụ tốt hơn, chất lượng cao hơn, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng cũng mang lại lợi ích cho cộng đồng”, ông Hiển nhận xét.

Có thể nói, bầu Hiển đã tỏ rõ quyết tâm nhảy vào lĩnh vực hạ tầng, nhưng mua được hay không lại là chuyện khác. Hiện Cảng Quảng Ninh chỉ mới có T&T ngỏ ý với cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải. Nếu như có nhiều doanh nghiệp khác tham gia, bầu Hiển sẽ phải bước vào cuộc chơi đấu giá. Còn với Cảng hàng không Phú Quốc, trước tiên T&T sẽ phải được Chính phủ cho phép.

Hai thương vụ này sẽ còn phải chờ một thời gian nữa mới thấy kết quả, nhưng rõ ràng bầu Hiển đang đặt ra tham vọng cho T&T ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Biết đâu trong tương lai, đây sẽ là lĩnh vực cốt lõi của T&T. Khi đó, mỗi khi nhắc đến bầu Hiển, người ta sẽ không còn nhớ đến ông như là ông chủ của đội bóng mà sẽ là ông chủ của cảng biển, ông chủ của sân bay.

Thật ra, lĩnh vực cốt lõi không nhất thiết phải là lĩnh vực kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp, hay lĩnh vực đã từng mang lại rất nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp trong quá khứ. Đó phải là lĩnh vực mà doanh nghiệp có năng lực cốt lõi, tức là có khả năng cạnh tranh hiệu quả nhất.

>> Bầu Hiển mua cảng Quảng Ninh – Vì cảng hay vì đất?

Theo Nguyễn Hùng

Cùng chuyên mục
XEM