Tập Cận Bình và những thử thách mới

05/03/2013 09:43 AM | Nhân vật

Nạn tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo, suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, kinh tế tăng trưởng chậm lại và tranh chấp lãnh thổ với láng giềng là các thách thức vô cùng lớn đối với Tập Cận Bình, người sắp trở thành chủ tịch Trung Quốc. 

Những ngày này các phương tiện truyền thông của Trung Quốc liên tục đưa tin người dân ca ngợi và đặt nhiều hy vọng vào tổng bí thư đảng, khi ông sắp trở thành người đứng đầu đất nước sau kỳ họp quốc hội khai mạc hôm nay.

"Tổng bí thư Tập không hề kiểu cách. Ông ấy nói chuyện như một người bình thường", Tang Rongbin, một nông dân 69 tuổi, nói với AP. Nhà lãnh đạo đến thăm ngôi làng của Tang hồi tháng 12, mang tặng dầu ăn, bột mỳ và tấm chăn ấm.

Ông Tập Cận Bình thể hiện phong cách là một nhà cải cách kinh tế, một bàn tay sắt chống lại tham nhũng lãng phí, một người theo đường lối dân tộc và là một nhà lãnh đạo không màu mè. Tuy nhiên, khi ông được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch nước, sẽ có nhiều kỳ vọng và áp lực hơn dành cho ông.

Trung Quốc phải đối mặt với các thách thức lớn như nạn tham nhũng của các quan chức, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Nền kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng chậm lại và tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng là những điều đáng lo ngại.

Nhiều cuộc biểu tình về vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai và bổ nhiệm quan chức xảy ra trong thời gian qua. Ngay trước khi ông Tập được bầu làm tổng bí thư trong đại hội đảng năm ngoái, hàng nghìn người biểu tình bên ngoài trụ sở ủy ban thành phố Ninh Ba, miền đông Trung Quốc, để kêu gọi các quan chức ngăn chặn việc mở rộng nhà máy hóa chất.

"Tôi nghĩ có một cuộc cách mạng về sự kỳ vọng. Mọi người nhận ra rằng họ có thể đạt được mục đích, thậm chí bằng việc biểu tình, để những mong muốn của họ được lắng nghe", Willy Lam, chuyên gia của trường đại học Trung Quốc tại Hong Kong nói.

Trong tuần quan, hàng chục trí thức cũng ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi chính phủ phê chuẩn điều ước quốc tế về bảo vệ quyền con người và các quy định của pháp luật. Ngoài ra, một nhóm khoảng 100 bậc phụ huynh của những người đồng tính cũng kêu gọi các nhà lập pháp hợp thức hóa hôn nhân đồng tính.

Cuộc họp hàng năm của các nhà lập pháp Trung Quốc khai mạc vào ngày 5/3, sẽ hoàn thành việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình sau khi kế nhiệm chức vụ tổng bí thư và chủ tịch ủy ban quân sự trung ương của ông Hồ Cẩm Đào, cũng sẽ kế nhiệm chức chủ tịch nước của ông Hồ.

Các đại biểu Quốc hội Trung Quốc cũng sẽ bổ nhiệm các chức danh cao cấp của Quốc vụ viện, tức Chính phủ, để điều hành các chính sách kinh tế và đối ngoại. Ông Tập và các nhà lãnh đạo đảng đã thông qua danh sách đề cử trong cuộc họp kín hồi tuần trước. Nhân vật số 2 trong đảng, ông Lý Khắc Cường, được dự kiến sẽ trở thành thủ tướng, điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một cuộc họp khác của cơ quan tư vấn hàng đầu của chính phủ được khai mạc ngày 3/3, và chủ tịch cơ quan này hứa sẽ hỗ trợ cho ban lãnh đạo mới. Hai cuộc họp của các nghị sĩ và của các cố vấn sẽ kéo dài đến giữa tháng 3, cung cấp cho chính quyền của ông Tập Cận Bình một nền tảng vững chắc để ban hành những chính sách nhằm xây dựng một xã hội thịnh vượng, vững mạnh và công bằng hơn, điều mà ông đã hứa trước công chúng.

Ông Tập lên nắm quyền đúng vào thời điểm xuất hiện nhiều vụ bê bối trong đảng nên ông hiểu được suy nghĩ của người dân chán ghét sự tham nhũng, lạm quyền và hy vọng đất nước phát triển mạnh mẽ hơn dưới sự lãnh đạo của ông.

"Ông ấy đón nhận những thử thách và cho họ những sự lựa chọn. Ông ấy tạo cho họ niềm hy vọng và kỳ vọng lớn", Cheng Li, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, nói.

Ông Tập đã tới thăm tỉnh Quảng Đông, khu vực thử nghiệm cải cách thị trường, nơi đã biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới và trở thành nền kinh tế số 2 toàn cầu, như để gắn mình với công cuộc cải cách dù ông chưa đưa ra đường lối cụ thể cho sự thay đổi.

Ông cũng dừng lại ở Luotuowan, vùng nông thôn cách Bắc Kinh 350 km về phía tây nam và các làng quê khác để cho thấy mối quan tâm của mình với những người có cuộc sống khó khăn. Ông cũng dùng quan điểm dân tộc, sử dụng đường lối cứng rắn với Nhật Bản trong tranh chấp trên biển và tới thăm các đơn vị quân sự để thể hiện các cam kết với nền quốc phòng của quốc gia.

Tuy nhiên, ông không làm hài lòng những người mong muốn cải cách chính trị sâu sắc hơn nữa. Dù ông tán thành việc các quan chức nhà nước phải tuân thủ đạo đức và pháp luật, vẫn có những người phản đối cách quản lý ở khu vực như Tây Tạng.

Có những ý kiến cũng cho rằng những điều ông Tập làm được trong hơn 3 tháng qua từ khi nhậm chức Tổng bí thư, là những chiến dịch tuyên truyền bình thường, mang tính biểu tượng hơn là hành động thực chất.

Ông đề ra phong trào không dùng thảm đỏ, xe hộ tống và những chi phí hình thức lãng phí khác. Truyền thông nhà nước cho biết ông thích những bữa ăn đơn giản hơn các tiệu chiêu đãi trong các chuyến thăm tới địa phương. Ông tuyên bố loại trừ tham nhũng từ cấp thấp đến cao, tiêu diệt cả "hổ" và "ruồi" cùng một lúc.

Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có "ruồi" bị đánh gục. Một loạt các quan chức cấp thấp đã bị trừng trị sau khi bị phát hiện có nhiều tình nhân hoặc có những tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Quan chức cao nhất đến nay bị phanh phui tội lỗi là một phó bí thư tỉnh ủy, bị cáo buộc có dính líu đến các hợp đồng mua bán bất động sản phi pháp.

Nhiều người Trung Quốc hoài nghi, không cho rằng ông Tập sẽ thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để diệt tận gốc tệ tham nhũng đã bén rễ sâu. Loại bỏ tham nhũng đòi hỏi sự thay đổi lớn trong văn hóa của giới quan chức.

"Liệu có phải như những quyết tâm từng có trước đó, chỉ dừng lại ở những phát biểu mà không có nỗ lực hiệu quả nào theo sau để khống chế tham nhũng", Ren Jianming, chuyên gia về chống tham nhũng thuộc đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói. "Chúng ta chưa được thấy nhiều biện pháp cụ thể về vấn đề này".

Một số người Trung Quốc muốn đảng cho phép các ban chống tham nhũng hoạt động độc lập và yêu cầu các quan chức kê khai tài sản công khai. Một hệ thống đi vào hoạt động từ năm 2010 yêu cầu các quan chức báo cáo thu nhập, bất động sản sở hữu và các tài sản khác, để cơ quan này giám sát chứ không công khai, nhưng cũng ít nhiều ngăn chặn được tham nhũng.

"Tôi nghĩ rằng, ông Tập nên đi đầu", Wang Yukai, một chuyên gia về chống tham nhũng thuộc Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc, nơi đào tạo các quan chức cấp tỉnh và cấp bộ, nói. "Các thành viên Ban thường trực Bộ Chính trị cũng cần khai báo thông tin về vợ hoặc chồng và con cái của họ. Điều này sẽ mở đường cho những khai báo của các quan chức khác trong tương lai".

Nhiều chuyên gia ủng hộ cơ chế kê khai tài sản khi họ tham dự cuộc họp với ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu mới của cơ quan chống tham nhũng của đảng, hồi tháng 11, ông Ren, người tham dự cuộc họp, cho hay.

"Có rất nhiều kỳ vọng từ công chúng về việc phòng, chống tham nhũng và với tư cách là người đứng đầu, ông ấy phải giữ được sự bình tĩnh và hợp lý. Thật dễ dàng để gây dựng hy vọng cho công chúng, nhưng nếu không thực hiện được thì ông sẽ chỉ nhận được sự thất vọng của mọi người", chuyên gia về chống tham nhũng này nói.

Theo Vũ Hà
vnexpress/AP

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM