Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường: "Cặp đôi hoàn hảo" ?

04/12/2012 16:40 PM | Nhân vật

Công cuộc chuyển giao quyền lực của Trung Quốc được nhiều người nhìn nhận là chiến thắng của phe bảo thủ và là bước lùi của quá trình cải cách. Tuy nhiên, thực tế có phải là như vậy?

Thế giới đang “đoán già đoán non” phương hướng phát triển kinh tế của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ ra sao. Mọi thứ sẽ chỉ trở nên rõ ràng sau khi 2 ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường chính thức lên nắm quyền vào tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, cho đến nay, đã có 3 điểm đáng chú ý có thể hé lộ về điều này.  

Thứ nhất, ông Tập Cận Bình được chuyển giao nhiều quyền lực hơn so với các cựu lãnh đạo thế hệ trước. Đảm nhiệm cả vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch quân ủy trung ương, ông Tập sẽ có nhiều cơ hội thực hiện quan điểm cá nhân ngay từ khi bắt đầu lên nắm quyền. Đây là điều khá thuận lợi so với các lãnh đạo trước đó. Tập Cận Bình sẽ là người có sức ảnh hưởng lớn đối với 6 người còn lại trong Ủy ban thường vụ Bộ chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất ở Trung Quốc. 

Trong khi đó, Tập Cận Bình là người ưa chuộng cách tiếp cận với sự phát triển của nền kinh tế theo khuynh hướng thị trường. Đây là điều có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của Trung Quốc. 

Thứ hai, ông Lý Khắc Cường – vị Thủ tướng tương lai – có thể là nhân tố gây ra sự ngạc nhiên lớn trong hàng ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc. Không giống như ông Ôn Gia Bảo – nhân vật số 3 trong bộ máy quyền lực của Trung Quốc trong suốt 10 năm qua, ông Lý sẽ trở thành nhân vật số 2. Điều này có nghĩa là quyền lực sẽ được san sẻ giữa chính phủ và  Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP) trong bộ máy lãnh đạo mới. 

Có bằng tiến sĩ kinh tế học cũng như có kinh nghiệm làm việc ở vị trí phó Thủ tướng phụ trách vấn đề kinh tế tài chính, Lý Khắc Cường được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm để có thể thực hiện quá trình chuyển đổi vốn được mong đợi bấy lâu nay của nền kinh tế Trung Quốc. 

Ông Lý cũng chính là người đã giám sát quá trình thực hiện báo cáo “Trung Quốc 2030” – công trình nghiên cứu được thực hiện bởi Ngân hàng thế giới hợp tác với Trung tâm nghiên cứu phát triển Trung Quốc (cơ quan tập trung nhiều chuyên gia cao cấp). Do đó, chắc chắn ông sẽ là người am hiểu sâu sắc về con đường mà Trung Quốc nên theo đuổi. Người ta hi vọng Lý Khắc Cường có thể tiến xa hơn trong cải cách kinh tế so với Ôn Gia Bảo – người chú trọng vào chiến lược với lối nói khoa trương hơn là hành động thực tế.

Điều thứ 3 và cũng là điều đối lập với những lời dự đoán của phương Tây, ông Vương Kỳ Sơn – một trong những quan chức dày dặn kinh nghiệm và tài giỏi nhất của Trung Quốc – không hề bị loại khỏi bộ máy lãnh đạo nền kinh tế do chuyển sang làm trưởng ban thanh tra Đảng. 

Đúng là ông Vương có những kinh nghiệm vô giá trong ngành tài chính và sẽ là hợp lý nếu như ông được giao 1 nhiệm vụ tương tự trong bộ máy lãnh đạo mới. Tuy nhiên, là 1 trong số 7 người nằm trong Ủy ban thường vụ Bộ chính trị, ông vẫn có được tiếng nói trong các vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế và tài chính. Hơn nữa, chức vụ mới cho phép ông giải quyết 1 trong những vấn đề nan giải nhất của Trung Quốc hiện nay: tham nhũng. 

Các thành viên còn lại trong Ban thường vụ đều là những người giàu kinh nghiệm và kỹ năng. Du Chính Thanh, Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ đều là những người đã từng nắm giữ các vị trí chủ chốt ở 3 đô thị giàu có và năng động nhất Trung Quốc là Thượng Hải, Trùng Khánh và Thiên Tân. 

Có vẻ như các nước phương Tây cũng đánh giá sai về thực trạng hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không đến nỗi bi đát như nhiều người nhận định. Trên thực tế, Trung Quốc đã nổi lên là 1 quốc gia khá vững vàng trong khi các nền kinh tế lớn khác đều gục ngã. Đây chính là thuận lợi rất lớn cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo.

Tuy nhiên, cũng không thể xem nhẹ những thách thức khổng lồ mà Trung Quốc phải đối mặt. Hội nghị Trung ương 5 khóa 17, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, chỉ rõ đường lối phát triển kinh tế hướng về tiêu dùng. Nhiệm vụ của thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ là thực hiện chiến lược đã đề ra thông qua một loạt cải cách, đặc biệt là những cải cách liên quan đến khu vực dịch vụ, mạng lưới an sinh xã hội và các doanh nghiệp nhà nước. 

Không ai biết chắc chắn thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc sẽ đối mặt với những thách thức như thế nào. Tuy nhiên, có thể rút ra từ trong quá khứ rằng kể từ thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã có được khả năng nắm bắt cơ hội và vượt qua thử thách. Hi vọng thế hệ lãnh đạo mới có đủ khả năng và kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ này. 

Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường – 2 nhà lãnh đạo cấp cao của Ủy ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc – đều là những người có bằng cấp cao, đã đi nhiều nơi và cũng là những người có khá nhiều kinh nghiệm đối mặt với các thách thức mà Trung Quốc đang gặp phải. Là thế hệ lãnh đạo thứ 5, họ sẽ tiếp tục đem đến cuộc sống thịnh vượng và ổn định cho người dân Trung Quốc, giống như những gì mà các lãnh đạo trước đó đã làm trong suốt thời gian kể từ khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách kinh tế vào cuối những năm 1970.  

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Stephen S. Roach. Ông đã từng là Chủ tịch đồng thời là chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley Asia. Hiện nay, ông là thành viên cấp cao của Viện các vấn đề quốc tế trực thuộc đại học Yale. Cuốn sách mới nhất của ông có tên "The Next Asia" (tạm dịch: Châu Á tiếp theo).

Thu Hương
Theo TTVN/Project Syndicate

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM