Sự kiện Nick Vujicic: Khách quý đến nhà, bài học đối nhân ở lại

27/05/2013 11:28 AM | Nhân vật

Khép lại một tuần lễ mang tên 'Nick Vujicic đến Việt Nam' với nhiều dư âm - xúc động có, ồn ào thái quá cũng có. 

Có lẽ, những tranh luận 'Nên hay không mời chàng trai kỳ diệu nhất hành tinh đến Việt Nam' cũng nên dừng lại theo lời tạm biệt của Nick. Bởi rõ ràng những món quà vô hình về ý chí và nghị lực sống mà vị khách đặc biệt này mang đến 'nhà chúng ta' xứng đáng để những chủ nhà người Việt trân trọng và cảm ơn anh ấy.

Tuy nhiên, bài học truyền thông - ngoại giao ở lại sau chuyến 'tiếp khách' mấy ngày qua chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để những người trong cuộc nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm. Phép ứng xử khi khách đến chơi nhà chỉ cần thiếu tinh tế một chút, cũng dễ gây ra những sự cố không mong muốn cho chính chủ nhân, chưa kể trường hợp có thể khiến khách mời 'nhíu mày' hay phật ý.

Chọn khách quý tới nhà

Việc doanh nghiệp 'mượn' hình ảnh nhân vật nổi tiếng là đại diện truyền thông đã không còn xa lạ trên thế giới. Thương hiệu sẽ được định vị rõ nét hơn trong tâm trí người tiêu dùng nhờ sự xuất hiện của nhân vật đại diện khi có được chiến lược quảng bá tốt.

Chiến lược quảng bá tốt bao gồm từ việc mời được nhân vật phù hợp, đưa ra được câu chuyện và thông điệp hay, tạo được sức hút với khách hàng mục tiêu và sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xã hội.

Có thể kể đến như hãng thể thao Adidas mời cầu thủ danh tiếng David Beckham làm đại sứ hay hãng đồng hồ Rolex của Thụy Sỹ ký được hợp đồng quảng cáo với tay vợt đẳng cấp Roger Federer. 

Hay gần đây nhất, diễn viên 'khiêu dâm' nổi tiếng Nhật Bản Maria Ozawa được đồn đoán sẽ sang Việt Nam quảng bá Game. Dù mượn hình ảnh diễn viên đóng phim 18+ nhưng rõ ràng đây là chiến lược khôn ngoan của nhà sản xuất khi 'tung tin đồn' nói trên. Bởi phạm vi quảng cáo hình ảnh của Ozawa rất rộng trong lĩnh vực này, cô cũng từng làm đại sứ cho một trò game phát hành tại Đài Loan, Trung Quốc, cùng với tần suất dày đặc trong lĩnh vực âm nhạc hay giải trí.

Chưa bàn về nội dung thông điệp hay chi phí quảng cáo thì rõ ràng, sự tương đồng giữa hình ảnh của nhân vật và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đã cho người ta mường tượng ngay sức cộng hưởng mạnh hơn trong chiến lược khuếch trương thương hiệu.

Trở lại với câu chuyện của Tôn Hoa Sen, đơn vị tài trợ chính cho sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam. Hẳn doanh nhân - phật tử Lê Phước Vũ có cái lý của ông khi chọn Nick Vujicic. 

Vị doanh nhân ăn chay niệm Phật này thực sự đã rất khéo léo, tinh tường và đã thành công với chiến lược quảng cáo đậm tính nhân văn cho doanh nghiệp của mình. Kết quả là, sau sự kiện đình đám tuần qua, trong tâm trí của gần 90 triệu người dân Việt Nam đã gắn thương hiệu Tôn Hoa Sen đi kèm với hình ảnh chàng trai kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujicic.

Trước sự kiện Nick Vujicic không lâu, vào cuối tháng 4 vừa rồi, giới hâm mộ Việt Nam đã được thỏa nguyện khi diện kiến cựu thủ môn huyền thoại của Manchester United là Peter Schmeichel khi ông đến ký kết thỏa thuận hợp tác giữa MU và Ngân hàng Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

'Cái bắt tay' với tên tuổi lớn như MU không chỉ giúp BIDV (vốn đã thuộc hàng Big 4 ở Việt Nam) thu hút hơn 25 triệu người Việt quan tâm đến đội bóng này, mà còn giúp ngân hàng này tiếp cận với 659 triệu khách hàng tiềm năng, là những người theo dõi MU trên toàn cầu. 

Có thể tạm kết luận, BIDV đã thành công về mặt hình ảnh, trong ngắn hạn với kế hoạch phát hành thẻ tín dụng đồng thương hiệu BIDV-MU, thậm chí là trong dài hạn khi ngân hàng chuẩn bị lên sàn trong vòng 1-2 năm tới.

Rõ ràng, doanh nghiệp luôn có đủ tỉnh táo khi sử dụng 'túi tiền' của mình vào bất cứ hoạt động nào mang lại lợi ích cho họ....

Bài học đối nhân ở lại

Tiếp khách tại nhà thì hãy ứng xử văn minh, nói như ông Vũ, nếu Nick đọc được bản phiên dịch các bài báo, dòng chữ bình luận mấy ngày qua ở Việt Nam về mình, anh sẽ nghĩ sao? 

Dù vậy, nói đi cũng phải nói lại, rõ ràng vẫn còn những 'hạt sạn', những 'chuyện chưa vui' khiến dư luận còn xì xầm, cần được nhà tổ chức nhìn lại và rút kinh nghiệm. 

Việc công bố con số chi phí tổ chức sự kiện: 32 tỷ đồng hay 36 tỷ đồng sẽ là con số lớn nếu người ta cố vin vào thời buổi khó khăn để đổ vạ cho việc hoang phí của doanh nghiệp. Trong khi diễn giả bị 'mắc oan' vì khoản chi phí này không hoàn toàn thuộc Nick (thực tế anh chỉ nhận 50.000 USD cho 4 ngày ở Việt Nam). 

Chưa hết, suốt cả quá trình Nick ở Việt Nam cho đến ngày chào tạm biệt, chính nhà tổ chức lại phải chạy theo dư luận để lý giải và thanh minh cho những số liệu còn chi li hơn. Người làm truyền thông không khéo dễ làm chuyện nhỏ hóa to, chuyện không đáng thành chuyện mất vui.

Chuyện tiếp đãi Nick 'khuếch trương' thái quá khiến dư luận hiểu lầm: Từ sự xuất hiện của 'đội quân dẹp đường' gây phản cảm, cho đến các điều kiện ăn ở sang trọng (dù là thiện ý của nhà tổ chức) càng 'đổ thêm dầu vào lửa' cho những nghi vấn và thắc mắc về chi phí tổ chức sự kiện. Đặc biệt, những điều kiện này cũng không hề được đòi hỏi từ Nick hay thậm chí chính anh đã từng phản đối vì không cần thiết.

Cuối cùng, sơ suất về mặt tổ chức: Tại buổi gặp gỡ 'Chào Việt Nam' (tối 22/5) có lẽ đã khiến nhiều khán giả xem truyền hình trực tiếp hôm ấy cảm thấy nghẹn ngào và ái ngại cho những gương mặt tiêu biểu của Việt Nam trở nên nhạt nhòa khi xuất hiện bên cạnh Nick. Chỉ cần khéo léo sắp xếp để họ - những 'Nick của Việt Nam' được tham gia giao lưu cùng Nick Vujicic thay vì chỉ lên nhận tiền tài trợ của Tôn Hoa Sen, chương trình đã ý nghĩa hơn và dẹp tan những lùm xùm không đáng có phía sau.

Giá như...

----

Nói tóm lại, doanh nghiệp đương nhiên có đủ tỉnh táo khi sử dụng túi tiền của mình vào bất cứ hoạt động nào mang lại lợi ích cho họ. 

Tuy nhiên, để có thể đạt được kết quả mong muốn, ngoài việc hợp tác với các nhân vật nổi tiếng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải khéo léo và nhạy bén. Không chỉ cân đo cẩn thận giữa hiệu quả tài chính giữa chi phí bỏ ra và kết quả thu về, mà còn phải dự đoán những dư âm để lại trong cộng đồng - xã hội sau khi sự kiện đã hoàn toàn khép lại. 

Kỳ Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM