Steve Jobs có gì khác trong lần “lên phim” này?

13/10/2015 10:15 AM | Nhân vật

Bộ phim là một câu chuyện về một nhân vật luôn có những ý tưởng hão huyền về công nghệ và “khó ưa” với hầu hết mọi người xung quanh.

Cách đây không lâu, Larry Page, đồng sáng lập của Google, có xem bộ phim “Tomorrowland” của Disney và ông tỏ ra không thích nó. Dù Larry Page là một người lạc quan, nhưng cũng như nhiều nhà phê bình khác, ông cho rằng “Tomorrowland” hơi quá... không tưởng. Những gì ông muốn thấy là một hình ảnh tích cực về các tiến bộ công nghệ, vốn rất hiếm trên màn ảnh, chứ không phải là về một tương lai “quá hoàn hảo” vì theo cách nhìn của nhiều cư dân thung lũng Silicon thì “điều đó sẽ chỉ tạo ra một câu chuyện nhàm chán”.

Steve Jobs” , bộ phim mới nhất của đạo diễn Danny Boyle về thiên tài công nghệ của Apple, đang nhắm tới giải quyết vấn đề đó. Bộ phim là một câu chuyện về một nhân vật luôn có những ý tưởng hão huyền về công nghệ và “khó ưa” với hầu hết mọi người xung quanh. Nhưng đáng ngạc nhiên là, kết cục của nó lại cho thấy hình ảnh của một Steve Jobs theo hướng tích cực, một phần là vì nó thừa nhận rằng các sản phẩm do ông tạo ra đã làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, đúng như cái cách mà ông đã hứa.

Sẽ có nhiều người cho rằng bộ phim mới này là đòn tấn công vào Steve Jobs – gia đình và các đồng nghiệp cũ của ông đã kịch liệt chỉ trích bộ phim này – nhưng đó chỉ là phân nửa câu chuyện. Bộ phim đã cho rằng cách cư xử “khó ưa” của dân công nghệ đáng được người khác “chịu đựng” vì thỉnh thoảng họ lại phải cố tạo ra những sản phẩm không theo ý mình.

Và nếu như các bộ phim và chương trình truyền hình gần đây về ngành công nghệ là khá chính xác, thì tất cả chúng ta sắp được chứng kiến một mớ rắc rối vì các nhà sáng lập ở lĩnh vực công nghệ thường được cho xuất hiện như là những kẻ không may mắn, thiển cận một cách lố bịch, luôn được tạo cảm hứng bởi một khao khát thống trị thế giới hay những nỗ lực vặt vãnh nhằm làm giảm các mối âu lo xã hội của họ.

Những gì không bình thường về bộ phim “Steve Jobs” mới này là nó tập trung vào tìm kiếm một động cơ chân thật hơn cho các hành vi “khó ưa” mà chúng ta thường gắn với các tỉ phú công nghệ. Bộ phim này không hề “tử tế” với Steve Jobs. Ông xuất hiện trong hình ảnh một người đàn ông từ chối làm cha con gái mình và sau đó mới đồng ý trợ cấp nuôi con một cách bất đắc dĩ. Còn đối với nhân viên và đồng nghiệp trong công ty, ông đối xử với họ không được tốt đẹp lắm, và thường không hiểu được những tổn thương mà ông đã gây ra cho họ.

Tuy nhiên, không giống như nhiều nhân vật khác trong giới kinh doanh, Steve Jobs trong bộ phim này phần lớn không được tạo động lực bằng cái tôi và sự tham lam. Thay vào đó, những gì thật sự khiến cho ông phải luôn tiến về phía trước là một khát khao “tạo ra một dấu ấn trong vũ trụ này”, như ông vẫn thường nói. Dù tham vọng thay đổi thế giới của thung lũng Silicon thường bị chỉ trích trên các phương tiện truyền thông nhưng ở đây, sứ mệnh của Steve Jobs lại được tôn trọng – và cách cư xử của ông, như bộ phim ngụ ý, rốt cuộc là có thể được chấp nhận nhờ vào những gì ông đã xây dựng được.

Một phần trong thành công của bộ phim theo hướng này là do tác giả kịch bản đã quyết định dựa cốt truyện trên lịch sử phát của máy tính cá nhân. Qua mảng này, bộ phim cho thấy được tầm nhìn của Steve Jobs và những tranh luận hay nhất của ông cũng được dựng lại không sót một từ. “Với tôi, máy tính là công cụ đáng chú ý nhất mà chúng ta từng có. Nó cũng như chiếc xe đạp dành cho đầu óc của chúng ta,” Jobs nói. Dù smartphone cũng là một sản phẩm của ông, đang làm thay đổi thế giới nhưng do hiện tại nó cũng mang đến những mối nguy hiểm khó lường nên bộ phim khéo léo không nói về điều này.

Sự tối quan trọng của máy tính cá nhân cũng xuất hiện xuyên suốt mọi xung đột trong bộ phim - khi Jobs la mắng các nhân viên, khi ông đưa công ty mình vượt qua các đối thủ, khi ông dành ít sự quan tâm cho gia đình v.v. Chắc chắn là ông có vẻ rất “kinh khủng” trong mắt những người xung quanh. Nhưng cuối cùng, không phải ông đã đúng về tầm quan trọng của dấu ấn mà mình muốn để lại đó sao? Và nếu ông không “khó ưa” đến thế thì liệu dấu ấn đó có được như thế không?

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM