Sáng lập JupViec.vn: Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nên làm giúp việc để theo đuổi ước mơ, thay vì ăn bám bố mẹ

18/03/2016 09:58 AM | Nhân vật

Ở Việt Nam còn có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sau khi ra trường, thậm chí, còn những cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân hay nhân viên ở các cửa hàng ăn nhanh như KFC… Thì tôi nghĩ, giúp việc cũng là một nghề thậm chí lương còn cao hơn so với nhân viên ở các nhà hàng khác.

JupViec.vn - nền tảng kết nối giữa khách hàng và người giúp việc vừa nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư Nhật Bản - CyberAgent Ventures - là công ty khởi nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực này tại Việt Nam nhận đầu tư từ quỹ ngoại để mở rộng quy mô.

Ông Phan Hồng Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ Nhà sạch HMC chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện khởi nghiệp cũng như những dự định kinh doanh tới đây.

Được biết JupViec.vn là một trong số ít công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này kêu gọi đầu tư thành công, ông có thể giới thiệu kỹ hơn về mô hình của Jupviec?

Jupviec là dịch vụ kết nối giữa khách hàng và người giúp việc đến với nhau dựa trên một nền tảng công nghệ. Nó gần giống như là dịch vụ gọi xe taxi Uber vậy, chúng tôi ở giữa để kết nối hai bên có nhu cầu đến với nhau.

Ý tưởng thành lập công ty đã có từ lâu, khi tôi còn đang ở Anh. Sau khi trở về nước, tôi chưa làm Jupviec ngay mà trải qua một vài Startup khác như bán bánh mỳ ở vỉa hè…

Đến năm 2014, nghiên cứu trên thị trường đã có nhiều đơn vị làm nhưng còn chưa chuyên nghiệp nên tôi đã quyết định thành lập doanh nghiệp.

Đi vào thị trường mới như vậy chắc hẳn rất khó khăn? Mất bao lâu để startup mới này của ông "bắt nhịp" được với thị trường?

Thời gian đầu, tôi tìm được một vài founder (người đồng sáng lập-PV), sau đó mọi người lần lượt bỏ tôi đi, vì nhiều lí do khác nhau.

May mắn thay, tôi có một người bạn thân đã hỗ trợ công ty cả tài chính lẫn kỹ thuật. Mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng đó là người luôn bên cạnh, động viên và sát cánh cùng tôi.

Mất khoảng 4-5 tháng sau thì Jupviec đi vào vận hành. Khi đó, công ty chỉ có tôi làm quản lý và 5 sinh viên thuê bán thời gian. Vì mới bắt tay vào làm, chúng tôi không có nghề nên cứ phải sửa đổi liên tục, sai đâu sửa đó và rút kinh nghiệm dần.

Thực tế, trước JupViec, các công ty cung cấp lao động ở trên thị trường có nhiều. Đâu là lợi thế cạnh tranh của JupViec so với các công ty khác trên thị trường?

Đó chính là đào tạo lao động chất lượng và đảm bảo uy tín.

Ở công ty chúng tôi, dịch vụ đầu vào và đầu ra đều được kiểm tra khắt khe và cẩn trọng.

Ví dụ, đối với người giúp việc, đầu tiên công ty chúng tôi tìm hiểu và yêu cầu phải có giấy xác nhận của địa phương về thông tin, sức khoẻ cũng như chưa có tiền án tiền sự gì trong quá khứ.

Sau đó, đối với giúp việc chưa từng có kinh nghiệm, đội ngũ nhân viên sẽ đào tạo bài bản từ cách sử dụng các trang thiết bị vật dụng trong nhà đến nấu cơm, cách chăm sóc em bé, người già… Làm sao để những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất của người giúp việc phải nắm được. Thời gian đào tạo khoảng 7 ngày.

Về phía khách hàng, người sử dụng lao động, có thể xem trước các thông tin chi tiết về người giúp việc như: video phỏng vấn, thông tin cá nhân, kinh nghiệm, thời gian làm việc, chi phí... Từ đó, lựa chọn cho mình người giúp việc phù hợp nhất với mình.

Đó là đào tạo, còn chất lượng lao động sẽ được bảo đảm như thế nào?

Phải thừa nhận thời gian đầu có khá nhiều khách hàng gọi đến phàn nàn về người giúp việc thiếu kỹ năng, chưa có tính kỷ luật cao…Chúng tôi đã sử dụng công nghệ tối đa để kiểm soát tình trạng này.

Đối với khách làm theo giờ, chúng tôi giao cho giúp việc mỗi người một chiếc smartphone. Khi họ đến giúp việc thì check in (đăng ký vào) và khi hết giờ thì check out (đăng xuất ra). Như vậy, chúng tôi quản lý được thời gian, không để người giúp việc chây ì, tránh được tình trạng đến muộn về sớm.

Chúng tôi còn cung cấp sổ tay cho người lao động, ví dụ đối người già làm thế nào, con trẻ ra sao, hay không được ăn mặc hở hang khi ở nhà với đàn ông…

Tương tự Uber, gia đình thuê giúp việc có thể phản hồi lại thông tin về hành khách khi không hài lòng để công ty trực tiếp nhắc nhở. Với những trường hợp lao động sai sót nhưng không sửa thì công ty sẽ tính đến việc ngừng làm việc với lao động này.

Tiêu chí của chúng tôi là cứ 10 người thì phải loại 3 để đảm bảo chất lượng, sàng lọc được tốt nhất có thể. Sự thanh lọc này giúp số lượng phản hồi kém cũng giảm dần theo thời gian.

Cũng tương tự mô hình của Uber, JupViec thu phí theo phần trăm mỗi đơn hàng?

Đúng vậy. Những người thuê giúp việc sẽ là người trích lại phần trăm cho công ty.

Còn đối với người lao động, họ không mất phí gì, chỉ mất một khoản đặt cọc để chúng tôi cung cấp quần áo lao động và điện thoại thông minh trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, sau này khi dịch vụ phát triển đến một thời điểm nào đó, có thể chúng tôi sẽ thu tiền của những người giúp việc để chi phí cho đào tạo như nấu ăn, dạy nghề…

Mô hình này dường như có một yếu điểm khá rõ ràng. Đó là sau khi sử dụng JupViec để tìm người giúp việc ưng ý, rất có thể người thuê sẽ liên hệ trực tiếp với người giúp việc, thay vì thông qua hệ thống để giảm chi phí. Ông có lo ngại về điều này?

Quả thực, bị khách hàng lấy mất nhân viên là rủi ro lớn nhất của chúng tôi. Có rất nhiều trường hợp khi chúng tôi giới thiệu người giúp việc cho khách hàng sau đó cả hai tự động huỷ giao dịch qua công ty rồi làm trực tiếp với nhau. Vậy là mất khách, mất lao động, mất luôn cả tiền và thời gian để đào tạo.

Nhiều người nghĩ như vậy là sẽ bớt được một khoản tiền nhưng như thế thực sự nguy hiểm.

Khách hàng không thể nắm bắt được thông tin về người giúp việc mình đang sử dụng nên khi có trường hợp xấu xảy ra, họ không biết phải giải quyết ra sao. Còn với người giúp việc, công việc của họ chỉ mang tính thời vụ, nếu không gia nhập hệ thống thì một mai họ cho nghỉ việc thì rất khó để tìm việc ở nhà khác.

Tôi lấy ví dụ: Có khách hàng và người lao động khi tự động huỷ giao dịch qua công ty và trực tiếp làm với nhau. Khoảng hai tháng sau, khách hàng đến công ty và xin chúng tôi cung cấp hồ sơ về người lao động đó vì nghi là họ lấy cắp laptop. Tuy nhiên, chúng tôi không thể cung cấp cho đến khi công an vào cuộc…

Cạnh tranh trong ngành này có khốc liệt?

Nhiều nhưng buồn nhất là những đối thủ chộp giật. Có những đơn vị họ còn nhân danh khách hàng, đi tìm giúp việc nhưng thực chất là họ đi chèo kéo khách hàng của mình về bên họ.

Khi làm trong một lĩnh vực, cạnh tranh với đối thủ là điều bình thường nhưng tôi coi hành động đó là ăn cắp khách hàng của chúng tôi. Cái buồn là xã hội này người ta không coi đó là cái tội mà cho rằng nó là bình thường.

Ngoài ra, khách hàng Việt Nam là khách hàng cực kỳ khó chiều nên cũng rất khó để phát triển mạnh.

Tuy nhiên, thị trường còn tiềm năng, hiện các công ty cung mới chỉ đáp ứng được 1/10 cầu vì thế, với tôi điều đó cũng không phải là mối lo ngại nhất.

Chúng tôi tin rằng với dịch vụ tốt, chất lượng, thương hiệu tốt thì sẽ luôn có người giúp việc tin tưởng và ở lại với mình.

Có khi nào ông rơi vào cơn bĩ cực không?

Có chứ, rất nhiều. Thậm chí tôi còn cảm thấy cô đơn và muốn bỏ cuộc nữa.

Đó là những lúc công ty thua lỗ và tôi phải bán xe. Hay những ngày đi làm không có tiền phải đi xe buýt về nhà. Bởi vì đầu tư cho mô hình, đào tạo tuyển dụng mà lại còn bị đối thủ ăn cắp nữa nên lỗ là chuyện bình thường.

Nhưng tôi không quá tiêu cực, tôi coi đó là thời gian để mình sắp xếp lại công việc và tìm ra hướng giải quyết đúng đắn cho mình.

JupViec mới nhận được đầu tư, ông sẽ làm gì với nguồn vốn ấy?

Phần lớn số vốn được đầu tư chúng tôi sẽ sử dụng để nâng cao về công nghệ, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng nhân sự IT để tăng công cụ quản lý chất lượng công việc...

Trong tháng 4, chúng tôi sẽ mở văn phòng ở thị trường TP HCM và hướng tới mở đến các văn phòng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Tuy nhiên, với một thị trường mới và cực kỳ “khoai” phải làm cẩn trọng. Lĩnh vực này không thể phát triển nhanh vì dịch vụ phải đi cùng chất lượng, vừa làm vừa thăm dò thị trường.

Hiện tại đội ngũ giúp việc trong hệ thống của ông là khoảng 600 người, sau khi tiếp nhận đầu tư, ông dự định phát triển con số này lên bao nhiêu?

Mục tiêu của tôi là tạo ra việc làm cho 10.000 lao động mới là thành công.

Chúng tôi còn muốn mở rộng tới thị trường kết nối lao động liên quan đến nhiều ngành như giúp việc, gia sư, nhân viên sửa điện nước, chăm em bé, chăm người già, dịch vụ làm đẹp ở nhà...

Nếu được giá, ông có tính tới chuyện bán Startup của mình?

Nếu chỉ vì kiếm tiền thì đến lúc được giá tôi sẽ bán đi. Nhưng mục tiêu của tôi là tạo việc làm cho nhiều người khác.

Như bạn thấy, ở Việt Nam còn có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sau khi ra trường, thậm chí, còn những cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân hay nhân viên ở các cửa hàng ăn nhanh như KFC… Thì tôi nghĩ, giúp việc cũng là một nghề thậm chí lương còn cao hơn so với nhân viên ở các nhà hàng khác.

Chính vì vậy, họ cũng nên đi làm giúp việc để phục vụ cho nhu cầu chi trả cuộc sống, theo đuổi ước mơ sau này của mình thay vì ở nhà ăn bám bố mẹ.

Xin cảm ơn ông!

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM