Richard Branson và bài học văn hóa doanh nghiệp

12/07/2011 08:22 AM |

Hóa ra khi được làm việc trong một môi trường thân thiện và được tự quyết định cách làm việc, nhân viên lại mang đến những giải pháp tốt nhất có thể để phục vụ khách hàng.

Ông Richard Branson vẫn thường chia sẻ các kinh nghiệm kinh doanh và lời khuyên của mình cho bạn đọc. Dưới đây là phản hồi mới nhất của ông do tạp chí Entrepreneurs biên tập.

Câu hỏi đặt ra: Chủ doanh nghiệp nhỏ có thể làm gì để đặt nền móng cho văn hóa doanh nghiệp như Virgin?

Bất kể bạn đang định mở công ty mới hay mở rộng công ty cũ, đặt nền móng vững chắc cho tương lai là vô cùng quan trọng: tìm được nhà đầu tư, thực hiện các hợp đồng đúng cách, thuê đội ngũ thành viên cốt cán, chọn đúng nhà cung ứng.

Khi tôi và những người bạn cùng bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên của Virgin từ 40 năm trước, chúng tôi không có một kế hoạch chuyên nghiệp nào, nhất là để trở thành một tập đoàn mà đến năm 2011 có tới hơn 400 công ty và 50.000 nhân công trên khắp thế giới. Nếu chúng tôi có từng lên kế hoạch một cho tương lai như vậy, chắc chắn chúng tôi đã làm nó rối tung lên.

Nếu có một “con đường đúng đắn” để phát triển văn hóa công ty của bạn, thì kinh nghiệm của tôi cho thấy nó nên được tiến triển một cách có hệ thống. Năm 1970, tôi và những người bạn không có kế hoạch gì nhiều hơn là kiếm một chút tiền và có khoảng thời gian vui vẻ khi được làm những việc mình thích. Vì thích nghe nhạc, chúng tôi đã cố bán các đĩa ghi âm cho những đứa trẻ khác, những ai đi mua đĩa nhạc cho các buổi tụ tập vui vẻ. Chúng tôi còn chẳng có kế hoạch tiếp thị hay ngân sách – mục tiêu của chúng tôi đơn giản chỉ là kiếm đủ tiền để sau khi trả tiền thuê nhà và trả cho các nhà cung cấp, đến cuối thàng vẫn còn dư chút tiền. Công ty của chúng tôi thực sự chả khác gì với hầu hết các công ty nhỏ khác, ở cái thời mà rất ít nhà khởi nghiệp nghĩ đến văn hóa doanh nghiệp, cho đến khi lý thuyết về nó được đưa ra.

Nếu bảo tôi nghĩ lại xem chúng tôi đã làm đúng điều gì, thì đó chính là quá trình lập kế hoạch, khi mà chúng tôi đều chắc chắn rằng mình rất vui được làm việc cùng nhau, và rằng tất cả những ai có ý tưởng hay đều được tham gia vào quá trình ra quyết định.

Và chúng tôi đã vô tình tìm ra những yếu tố cốt lõi cho một nền văn hóa được dành riêng để chuyển giao dịch vụ khách hàng lý tưởng! Hóa ra những người được làm việc trong một môi trường thân thiện và khoan dung với lỗi lầm, những người được tự quyền quyết định cách làm việc, lại mang đến những giải pháp tốt nhất có thể để phục vụ khách hàng.

Hãy nhớ rằng chính cách bạn đối xử với khách hàng sẽ hình thành nên nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Trước tiên hãy bắt đầu với nhân viên của bạn, hãy lắng nghe họ, và dõi theo những ý tưởng cũng như kiến nghị của họ.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ thường gặp khó khăn khi học cách điều khiển thành công. Khi việc kinh doanh tiến triển tốt, nhiều giám đốc điều hành bắt đầu chỉ tập trung vào tăng lợi nhuận bất chấp chi phí, và bỏ lại đằng sau mọi yếu tố căn bản vốn khiến doanh nghiệp trở nên đặc biệt. Người sáng lập thường chuyển đến những góc văn phòng lớn ở tầng trên và chẳng quay giờ đặt chân trở lại nhà máy. Những nhân viên vốn gắn liền với thành công ban đầu của công ty bỗng chốc thấy mình trở thành người cuối cùng được biết chuyện gì đang diễn ra, và quan điểm của họ không còn được quan tâm coi trọng nữa.

Vậy nên, hãy cố đảm bảo rằng công ty của bạn đang tăng trưởng ở nhịp độ hợp lý, và bất cứ khi nào có thể, hãy để nhân viên được tham gia vào sự phát triển của công ty. Nếu bạn là một chủ doanh nghiệp đang cân nhắc kĩ về việc mở rộng, hãy nói với tất cả nhân viên về kế hoạch của bạn, bất cứ ai từ người lái xe tải cho đến đội ngũ nhân viên cấp cao, và hãy tham khảo ý kiến của họ. Nếu có thể, tốt nhất bạn nên làm việc cùng mọi người về chi tiết kế hoạch phát triển, lưu tâm đến những thách thức mà nhân viên của bạn phải đối mặt, và đưa những cải thiện mà họ muốn thực hiện vào kế hoạch. Người chiến thắng cuối cùng sẽ là khách hàng của bạn và những giá trị cốt yếu của công ty.

Tại Virgin, chúng tôi không bao giờ phải vật lộn với những vấn đề điển hình của các tập đoàn lớn, có lẽ bởi chúng tôi chưa thực sự lớn, mà mới chỉ đa dạng hóa. Sự phát triển của chúng tôi từng được miêu tả là “phân rã theo chiều dọc” bởi các doanh nghiệp mới của chúng tôi thường có vẻ rời xa hoặc thậm chí chẳng liên quan gì đến sứ mệnh cốt lõi của chúng tôi. Ví dụ, khi Virgin nổi tiếng nhờ sản xuất và bán đĩa nhạc, chúng tôi thành lập một hãng hàng không.

Nhưng chúng tôi lại thấy những yếu tố đồng nhất trong cống hiến của mình cho dịch vụ khách hàng. Thay vì trở thành một tập đoàn lớn, cồng kềnh bị khóa vào một lĩnh vực cố định, sự phân hóa ít liên quan này lại giữ cho công ty của chúng tôi luôn mới mẻ và khác biệt, chúng tôi liên tục học về những công việc kinh doanh mới và tuyển dụng những nhân viên mới có tài. Mỗi công ty Virgin được điều hành bởi một đội ngũ quản lý tự trị lớn dựa trên chính những nguyên tắc của các doanh nghiệp nhỏ mà chúng tôi sử dụng từ ngày mới bắt đầu.

Bất kể bạn chọn con đường nào để mở rộng kinh doanh, hãy đảm bảo rằng nó được gây dựng trên những thành công trước kia của công ty, và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp cũng tầm nhìn tương lai mà bạn và nhân viên đã cùng khởi tạo. Nếu ai đó nói rằng “Đó không phải là cách mà một công ty lớn vẫn làm”, thì hãy coi đó như một lời khen!

Thu Thủy
Theo Entrepreneurs

thuthuy

Cùng chuyên mục
XEM