Quatrro - Đối tác mới của FPT trong lĩnh vực BPO là ai?

20/05/2015 16:20 PM | Nhân vật

CEO của Quatrro - Raman Roy là một hình tượng hiếm có trong ngành BPO (dịch vụ thuê ngoài), ông là người tiên phong khởi xướng cho ngành BPO ở Ấn Độ và phát triển nó trên toàn cầu.

Raman Roy được ví như một doanh nhân cực kỳ "mát tay" trong lĩnh vực BPO. Ông từng thành lập liên tiếp 4 công ty, trong đó có 2 công ty đã rất thành công trong việc dẫn đầu và điều hành dịch vụ BPO của American Express và General Electric.

Mở cửa các trung tâm dịch vụ khách hàng ở Ấn Độ đã giúp AmEx và GE cắt giảm chi phí từ 40 đến 50%. Spectramind là công ty thứ ba được thành lập bởi Roy, sau đó được Wipro mua lại.

Thoát khỏi lối mòn

Không muốn dừng lại sau những thành công đã đạt được, Raman Roy tiếp tục thành lập nên Quatrro vào năm 2006. Nền công nghiệp BPO được coi là rất tiềm năng, các công ty BPO sở hữu hơn 90% đối tác doanh nghiệp đến từ bảng xếp hạng Fortune 1000.

Roy đã thấy một cơ hội mà không ai nhận ra ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Số lượng người đang hoạt động trong các công ty này nhiều hơn đáng kể hơn so với các công ty lớn, ở đó có cơ hội lớn hơn, và đó là nơi chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình", ông Roy cho biết.

Roy nói đây là một mô hình hoàn toàn mới, theo đó khách hàng của Quatrro không cần phải cài đặt hoặc mua phần mềm từ các công ty sản phẩm công nghệ như SAP và Oracle. Những sản phẩm này được mua bởi Quatrro, và các quy trình được tạo ra xung quanh nó, sau đó được thực hiện cho khách hàng. "Khách hàng của tôi chỉ trả tiền cho việc xử lý giao dịch thôi", ông nói.

Một ví dụ khác của mô hình kinh doanh tương tự nhưng có quy mô lớn hơn chính là Salesforce.com, họ theo mô hình trả tiền theo số lần sử dụng, cung cấp các ứng dụng doanh nghiệp.

Quatrro không đưa ra con số doanh thu cụ thể, nhưng công ty này đã tạo ra được 35.000 việc làm với hơn 50.000 khách hàng doanh nghiệp và hơn 1 triệu khách hàng cá nhân ở tất cả lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Trong số đó, Roy đã giúp đỡ rất nhiều công ty start up còn “đuối” về công nghệ.

Một điều đặc biệt, Quatrro không có bất kỳ văn phòng lớn nào như Genpact, EXL Service, Accenture hay WNS. "Tất cả tiền của chúng tôi được sử dụng để thuê nhân viên sale, chứ không phải mua các tòa nhà", ông nói. Trong năm tài chính 2013/14, Quatrro tăng trưởng hơn 20%, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành.

Việt Nam, điểm đến tiềm năng

Mới đây, Quatrro đã kết hợp cùng tập đoàn FPT để thiết lập 2 trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường trọng điểm của Quatrro tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Quatrro cho biết sẽ hướng tới các dịch vụ thanh toán thẻ vì hầu hết ngân hàng Việt Nam có quy mô nhỏ so với thế giới. Hầu hết các ngân hàng này có số lượng khách hàng sử dụng thẻ còn khá thấp, một số ngân hàng có khoảng 25.000 thẻ được sử dụng, một số khác dưới 200.000 và nhiều là 500.000.

"Để ngân hàng duy trì dịch vụ thẻ với số lượng thẻ chưa nhiều như vậy thì chi phí đầu tư vào hạ tầng, kỹ năng quản lý cũng như bảo đảm các giao dịch là rất tốn kém. Thông thường họ phải tốn khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm để triển khai", ông Roy cho biết.

Khi tiết kiệm được chi phí, ngân hàng sẽ có nhiều nguồn lực tài chính dành cho việc triển khai các hoạt động khác.

"Thử hình dung bây giờ bạn đi từ Hà Nội đến Tp HCM, bạn có thể mua 1 chiếc máy bay, bạn thuê phi công, tuyển đội ngũ nhân sự để phục vụ cho chuyến bay của mình. Sau khi hạn cánh tới Tp HCM thì bạn làm gì với chiếc máy bay đấy? Cũng chẳng làm gì được vì mục đích của bạn chỉ là đi đến đấy mà thôi.

Cách thứ 2 bạn có thể sử dụng dịch vụ của một hãng hàng không, và đến sân bay Tp HCM là chúng ta đạt được mục đích. Quatrro cũng cung cấp giải pháp tương tự như vậy, khách hàng không phải bỏ tiền mua server, không phải bỏ tiền thuê nhân sự...", CEO của Quatrro giải thích.

Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu rất mạnh, nhưng ông Raman Roy lại cho rằng đây chính là cơ hội lớn nhất cho Quatrro, "đây là thời điểm để các ngân hàng đánh giá lại thị trường và cũng là cơ hội để họ tìm cách đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đây đồng thời cũng là cơ hội để Quatrro kết hợp với các đối tác của mình, nhằm giúp họ hiện thực hóa quá trình rà soát và đáp ứng được những thay đổi mới của thị trường."

>> Việt Nam vươn lên đứng đầu thế giới về BPO

Thái Nam

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM