Phó Thủ tướng Đức: “Việt Nam tạo nên khuôn mặt tôi”

18/09/2012 11:05 AM | Nhân vật

"Hãy hướng tới những gì chúng ta đang làm, sẽ làm cho Đức và cho Việt Nam”.

“Điều tôi mong muốn trong tương lai là sẽ hình thành tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, thể hiện sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi đó tôi sẽ sẵn sàng quay lại để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước”, bộ trưởng Kinh tế và công nghệ của liên bang Đức Philipp Roesler chia sẻ tại cuộc giao lưu tại đại học Kinh tế quốc dân chiều ngày 17.9 tại Hà Nội.

Là bộ trưởng Kinh tế và công nghệ của liên bang Đức, ông Roesler nhắc đi nhắc lại nhiều lần vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bài phát biểu của mình. Một doanh nghiệp tốt là phải “thoát khỏi vòng tay của Nhà nước”. Và họ phải tự do trong hoạt động kinh doanh, phải tự chịu trách nhiệm, nếu có lỗ thì Nhà nước cũng không cứu họ, phải tìm mọi cách để hoạt động tốt nhất. 

“Tôi nghĩ rằng sự độc lập như vậy là sự bảo đảm tốt nhất để phát triển kinh tế tư nhân. Nếu Nhà nước can thiệp vào, có biện pháp này, biện pháp khác thì sẽ hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp mạnh lên”, ông nói.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân tại Đức, ông Roesler khẳng định, nếu Việt Nam tiếp tục tư nhân hóa, cổ phần hóa thì chắc chắn sẽ tạo được nền móng cho sự phồn thịnh của đất nước, cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ông Roesler khẳng định, “về vấn đề tư nhân hóa, cổ phần hóa thì không một Chính phủ nào bỏ qua vấn đề này”.

Ông Philipp Roesler nhận bằng tiến sĩ danh dự tại trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội hôm 17.9. Ảnh: Reuters

Trước câu hỏi về sự đóng góp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đức, ông  Philipp Roesler cho

Trao bằng Tiến sĩ danh dự cho ông Philipp Roesler

Tối 17.9, trường đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội đã tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho ông Philipp Roesler, bộ trưởng Kinh tế và công nghệ kiêm phó Thủ tướng CHLB Đức.

Việc phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự để ghi nhận những đóng góp nổi bật của ông Philipp Roesler trong hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước Việt Nam và CHLB Đức, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng bộ Giáo dục – đào tạo Bùi Văn Ga bày tỏ: “Với đóng góp của cá nhân ngài Philipp Roesler đối với sự nghiệp phát triển của Việt Nam nói chung, nền giáo dục đại học Việt Nam, bằng Tiến sĩ danh dự được trao cho ngài Philipp Roesler hôm nay sẽ làm tăng cường sự gắn bó, đoàn kết, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác phát triển trường đại học Việt - Đức đang được xây dựng tại tỉnh Bình Dương”.

Bày tỏ niềm vinh dự khi được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Việt Nam, ông Philipp Roesler hy vọng đây sẽ là bước kết nối để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và CHLB Đức, không chỉ trong kinh tế mà còn trong khoa học và giáo dục. Đặc biệt, ông nhấn mạnh, đây chính là cơ sở phát triển của Việt Nam trong tương lai và Việt Nam cần chú trọng tới đào tạo nghề để hình thành đội ngũ lao động mạnh cho sự phát triển.

hay, cái quan trọng với ông không phải là các con số, mà là cách thức hoạt động và kinh doanh của họ trong nền kinh tế. “Nếu các vị trao đổi với các doanh nghiệp của Đức sẽ cảm thấy ngay khi họ đưa ra quyết định thế nào, mỗi một quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của họ”. 

Đặc tính quan trọng nhất của doanh nghiệp Đức là tinh thần trách nhiệm, mỗi quyết định họ đưa ra đối với tài sản của họ, với cán bộ công nhân viên của họ và với chính họ. Và tư duy đó theo đuổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong một gia đình. Đấy là tư duy không muốn “ăn xổi ở thì”, kiếm được đồng lãi trong thời gian ngắn, mà họ muốn dần dần, qua từng bước một để củng cố, phát triển doanh nghiệp của họ từ đời này sang đời khác".

Và đó cũng là triết lý, khuôn mặt đối ngoại của nền kinh tế của Đức, chúng tôi đến đâu không muốn có thành công nhanh chóng mà chúng tôi muốn kết hợp với đối tác lâu dài".

Làm sao giữ sự ổn định của đồng tiền? 

Đề cập tới hiện trạng kinh tế Việt Nam, ông Philipp Roesler nhận xét, vài năm gần đây Việt Nam có mức lạm phát cao, có lúc gần tới 20%. Nhà nước cần có sự tư vấn của giới khoa học kinh tế, thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng, và các biện pháp đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập. Do đó, phải làm sao để các doanh nghiệp đó giữ được đồng tiền ổn định. Ở đây không phải là các doanh nghiệp lớn, mà là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Roesler nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tài sản của cá nhân, tư nhân. "Tất cả chúng ta đều muốn gia nhập thị trường, nếu chúng ta muốn vào thị trường thì chúng ta làm ăn với nhau cần có sự tin cậy, khi ký một hợp đồng phải có thủ tục, yên tâm về pháp lý. Và con đường quan trọng nhất để đạt mục tiêu đó tôi cho rằng không phải do Nhà nước quyết định, không thể nói mô hình kinh tế nào là tốt, mà con người nào mua sản phẩm nào mới quyết định cho thị trường nào, làm sao mà con người có lợi. Vấn đề ở đây không phải Nhà nước đứng ra điều phối thị trường, mà chính là bên cung và bên cầu, là người sản xuất và người tiêu dùng".

Làm sao duy trì nền kinh tế thị trường mà tất cả mọi người được hưởng lợi, là một trong những điều mà nước Đức theo đuổi. “Tôi muốn nhắc lại là chúng ta có thể theo bất cứ một hình thức thị trường nào nhưng cái quan trọng cuối cùng là có lợi cho người dân, cho người tiêu dùng”.

Bày tỏ mối quan tâm về hợp tác kinh tế, ông Philipp Roesler nói : "Trước sau gì thì Việt Nam cũng là một trong các thị trường tăng trưởng rất mạnh ở khu vực, cho nên là chúng tôi muốn thúc đẩy trao đổi thương mại, và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI". Đó là chủ đề rất quan trọng, ví dụ như hạ tầng cơ sở, cung cấp năng lượng, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo hoặc là hệ thống y tế.

Bên cạnh đó, trong ASEAN, Việt Nam cũng là đối tác mạnh đối với Đức. Trước thị trường 600 triệu dân của ASEAN, Đức rất muốn ký hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương, và tiến tới có FTA giữa EU với Việt Nam, và EU với cả ASEAN. “Đó là một điều trong tâm nguyện của tôi”.

Hộ tống ông Roesler lần này sang Việt Nam có riêng một chuyên cơ dành cho các doanh nghiệp quan tâm đến thị trường. Và ông hy vọng tương lai sẽ có nhiều chuyên cơ hơn, 3 hoặc là 4. Và điều quan trọng giúp thúc đẩy mối quan hệ đó, thì doanh nghiệp Đức mong muốn được an tâm về pháp lý, và đối tác đáng tin cậy. “Chúng tôi mong phía Việt Nam thực hiện những gì đã ký trong hợp đồng, trung thành với hợp đồng”.

“Việt Nam tạo nên khuôn mặt tôi”

Chia sẻ cảm nhận về chuyến thăm lần này, so với sáu năm trước khi lần đầu đến Việt Nam, ông Roesler nói, ông không nghĩ mình sẽ trở lại với tư cách bộ trưởng kinh tế liên bang kiêm phó Thủ tướng Đức. Và ông ấn tượng về động năng kinh tế, ý thức tăng trưởng, kéo theo pháp luật và cả tài chính tăng trưởng của Việt Nam.

Ông cũng kể rằng trước khi ông lên đường thì hai cô con gái sinh đôi 4 tuổi có hỏi ông đi đâu. “Vợ tôi rất thực tế, nói rằng bố trở về nơi bố đã được sinh ra”.

Nhắc đến thân thế của mình, ông Philipp Roesler chia sẻ, được nhận là con nuôi, rồi giờ đây nhận một trọng trách lớn trong nền kinh tế của Đức, “để có được tôi ngày nay tôi nghĩ rằng đó chính là sức mạnh của dân chủ, của tự do trong xã hội của chúng tôi”. Để có thể tạo cơ hội cho tất cả mọi người phát huy hết năng lực của họ trong chính trị, trong kinh tế, cũng như tận dụng được các cơ hội, các ý tưởng, sáng kiến.

Ông nói, “Việt Nam đã tạo nên khuôn mặt tôi, làm tôi nhớ lại đất nước đã sinh ra tôi, nhưng cái quan trọng bây giờ không phải là nhớ tới đất nước sinh ra mình mà hãy hướng tới những gì mà chúng ta đang làm, những gì chúng ta sẽ làm cho Đức và cho Việt Nam”.

Theo chương trình, ông Philipp Roesler sẽ cùng bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh khai mạc Diễn đàn đối thoại Đức - Việt sáng ngày 18.9 tại Hà Nội. Sau đó, ông sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại TP.HCM, ông Roesler trao đổi với bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Bên cạnh đó, ông còn đi thăm một số doanh nghiệp, khai trương trường phổ thông giao lưu Đức - Việt và một Trung tâm công nghệ Đức - Việt.

Chiều cùng ngày 17.9, ông đã có cuộc làm việc với bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và thứ trưởng Lê Lương Minh, người đã được Chính phủ Việt Nam đề cử vào cương vị Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017, và sẽ được lãnh đạo các nước ASEAN chính thức thông qua tại Cấp cao ASEAN lần thứ 21 tháng 11 năm nay.

Theo Việt Anh
Sài Gòn Tiếp thị

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM