Ông Trương Gia Bình: “Doanh nghiệp CNTT ra nước ngoài không thể đơn thương độc mã”

14/02/2016 11:30 AM | Nhân vật

Theo Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình, để có thể vươn ra rộng khắp tại các thị trường nước ngoài, một vấn đề quan trọng là doanh nghiệp CNTT Việt Nam không thể “đơn thương độc mã” mà cần có sự liên kết và hợp tác ngành.

Mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài đang là định hướng của nhiều doanh nghiệp làm phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam. Cuối tháng 12/2015, cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập và ngày 4/2/2016, 12 nước thành viên trong đó có Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ghi dấu bước hội nhập sâu rộng hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, ICTnews đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) xung quanh chuyện kinh doanh ở nước ngoài của các doanh nghiệp CNTT Việt trong năm qua và những cơ hội, thách thức trong thời gian tới.

Xu hướng vươn ra kinh doanh tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp CNTT Việt trong năm qua như thế nào thưa ông?

Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam  đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT và những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến như DolSoft, MK Group... Trong đó, Tập đoàn Viettel đã mở rộng phạm vi kinh doanh viễn thông tại 10 quốc gia trên toàn thế giới và đem lại doanh thu 1,5 tỷ USD. Đáng nói, các giải pháp công nghệ do Viettel nghiên cứu chế tạo, được áp dụng cho các mạng viễn thông của tập đoàn trên thị trường quốc tế là lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ của Viettel so với các đối thủ.

Hay như FPT đã góp phần khẳng định thương hiệu của ngành CNTT Việt Nam trên toàn cầu thông qua việc cung cấp dịch vụ, giải pháp theo các xu hướng công nghệ mới nhất cho các Tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng, truyền hình vệ tinh, sản xuất tivi, tự động hóa... Bên cạnh đó, FPT cũng là doanh nghiệp CNTT Việt Nam đầu tiên thực hiện thành công thương vụ M&A với tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu RWE thông qua việc mua lại một đơn vị thành viên của tập đoàn này.  Còn với MK Group, doanh nghiệp đã vươn ra mạnh mẽ tại thị trường châu Âu, Mỹ, châu Á với trên 60% doanh thu của MK Group đến từ thị trường nước ngoài.

Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình khẳng định, các doanh nghiệp ICT Việt Nam đang vươn ra ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ  cả về quy mô hiện diện cũng như tốc độ tăng trưởng. (Trong ảnh: mạng Telemor của Viettel là nhà mạng dẫn đầu thị trường Đông Timor)
Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình khẳng định, các doanh nghiệp ICT Việt Nam đang vươn ra ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ  cả về quy mô hiện diện cũng như tốc độ tăng trưởng. (Trong ảnh: mạng Telemor của Viettel là nhà mạng dẫn đầu thị trường Đông Timor)

Nhật Bản là thị trường thu hút sự tham gia sôi động nhất của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều công ty lớn cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Nhật như FPT Software, TMA, Luvina, Vietsoftware Intenational, Tinh Van Outsourcing…

Trong đó, sau 10 năm mở văn phòng tại Nhật Bản, FPT Software đã trở thành doanh nghiệp phần mềm Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản và là đối tác tin cậy của các Tập đoàn lớn tại Nhật Bản như Hitachi, Nissen, Toshiba, Fujitsu….với doanh thu từ thị trường Nhật Bản năm 2015 ước đạt 90 triệu USD. Theo số liệu của JETRO, trong các ngành công nghiệp đầu tư vào Nhật Bản từ Việt Nam, số liệu các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT cao nhất với 9 doanh nghiệp trong 5 năm vừa qua. Trong tương lai gần, sẽ còn nhiều công ty phần mềm vừa và nhỏ của Việt Nam đầu tư và thành lập công ty/văn phòng tại Nhật. Đây là xu hướng và là cách đầu tư hiệu quả cao cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam muốn phát triển kinh doanh với các đối tác Nhật Bản.

Vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang mở rộng kinh doanh, đưa sản phẩm, giải pháp phần mềm của Việt Nam sang các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Cambodia. Một số doanh nghiệp tiêu biểu phải kể đến như: FPT IS, MISA, ViniCorp,  Tinh Vân…. Đặc biệt, là mới đây, FPT IS đã vượt qua 5 nhà thầu quốc tế đến từ Anh, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc và Luxembourg để triển khai dự án Cung cấp triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT (IVAS) cho cơ quan thuế Bangladesh trị giá 33,6 triệu USD, đây là hợp đồng CNTT theo dạng chìa khóa trao tay lớn nhất từ trước đến nay của nước này.

Trong xu hướng toàn cầu hóa, các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.

Trong năm 2015, VINASA cũng tiến hành hàng loạt những hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế. Điển hình là những lần tham dự các triển lãm, hội nghị lớn về CNTT và phần mềm như: Triển lãm Cebit 2015 tại Đức, Triển lãm Sodec 2015 tại Nhật Bản, Ngày CNTT Nhật Bản 2015, Ngày CNTT Việt Nam tại Nhật Bản 2015…

VINASA đã xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với những tổ chức CNTT uy tín của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Đặc biệt là chương trình “40 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2015” tổ chức tháng 10/2015 là một trong những chương trình tiêu biểu để xúc tiến và thúc đẩy hợp tác quốc tế này.

Thời gian tới, VINASA tiếp tục tận dụng uy tín quốc tế của mình để triển khai mạnh mẽ những chương trình xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn ra thị trường nước ngoài một cách tốt nhất.

Khi ra thị trường nước ngoài, đâu là những điểm mạnh, điểm yếu của các doanh nghiệp CNTT Việt?

Theo tôi, điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam là nguồn nhân lực. Có thể nhận thấy, nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam khá dồi dào, chất lượng tốt, có khả năng nắm bắt rất nhanh công nghệ mới. Chi phí nhân lực rất cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ tốt cho phát triển của ngành và của doanh nghiệp Việt Nam như ưu đãi về thuế, R&D, về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ như: hỗ trợ doanh nghiệp lấy chứng chỉ CMMi, chứng chỉ bảo mật 27001…

Theo đánh giá của VINASA, điểm mạnh của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam chính là nguồn nhân lực. (Ảnh minh họa)
Theo đánh giá của VINASA, điểm mạnh của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam chính là nguồn nhân lực. (Ảnh minh họa)

Còn về điểm yếu, có thể kể đến như doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường quốc tế. Cách thức để tiếp cận thị trường nước ngoài chưa hiệu quả. Cùng với đó, hoạt động marketing chưa được chú trọng do khó khăn về nguồn kinh phí và hiểu biết cách thức tiếp cận thị trường.

Rào cản ngôn ngữ và văn hoá kinh doanh cũng là một trong những điểm khó của doanh nghiệp Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là chưa có nhiều các chương trình xúc tiến thương mại mang tầm quốc gia trong lĩnh vực CNTT giúp nâng tầm thương hiệu của ngành CNTT trên bản đồ công nghệ số của thế giới.

Việc Hiệp định TPP được chính thức ký kết sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức ra sao cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam trong thời gian tới?

Hiệp định TPP tạo ra cơ hội lớn khi dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI sẽ chảy về Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam đi ra thế giới dễ dàng và thuận lợi hơn, 3,5 triệu người sẽ có việc làm, tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh cho GDP. Tuy nhiên, TPP đòi hỏi cao về thể chế, quản trị, chuẩn mực thị trường… Điều này tạo áp lực cho chính các doanh nghiệp chúng ta phải tự nâng cấp mình.

Khi Việt Nam tham gia TPP, có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực CNTT bởi TPP tạo ra muôn vàn bài toán về công nghệ trong việc hợp tác quốc tế. Đó là những bài toán về xuất khẩu nhập khẩu, logistic, vận tải, thủ tục hải quan cho đến thuế, thanh toán điện tử… Lịch sử đã cho thấy, mỗi lần mở cửa là một lần Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Về nguồn nhân lực, bên cạnh việc Việt Nam có thể tiếp cận được những nhân sự quản lý chất lượng cao từ nước ngoài, TPP cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn công việc tại các quốc gia khác với mức lương hấp dẫn hơn. Muốn giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần nhanh chóng chứng tỏ năng lực của mình để tạo ra những giá trị gia tăng cao hơn nữa chứ không thể hài lòng với hiện tại.

Một vấn đề quan trọng nữa cần nhắc đến, đó là sự liên kết, hợp tác giữa chính các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Để có thể vươn ra rộng khắp, doanh nghiệp chúng ta không thể đơn thương độc mã mà còn cần những sự liên kết và hợp tác ngành, điều chúng ta chưa từng có. Và quan trọng là cần có sự giúp sức mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý.

Cảm ơn ông!

Theo Minh Tú

Cùng chuyên mục
XEM