Ông Trương Đình Tuyển: TPP không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì

21/11/2015 15:00 PM | Nhân vật

"TPP không có Việt Nam thì chẳng có ý nghĩa gì" là quan điểm được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cấp cao về đàm phán thương mại đưa ra.

Trong phiên thảo luận buổi chiều, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển mở đầu bằng bài tham luận Gia nhập Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, khi cùng với TPP, Việt Nam đang đàm phán và ký kết hiệp định thương mại với nhiều nước. Đặt trong xu thế phát triển của kinh tế thế giới, việc tham gia hội nhập sâu rộng có ý nghĩa rất lớn cho Việt Nam:

Thứ nhất, đó là sự phát triển nhanh mạnh của khoa học công nghệ, đặt ra yêu cầu tổ chức trên phạm vi toàn thế giới.

Thứ hai, toàn cầu hóa kinh tế, tự do thương mại đang trở thành tất yếu của quá trình phát triển.

Thứ ba, sự phát triển bền vững gắn kết tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường trở thành nhu cầu của chính sự phát triển.

Từ những đặc điểm trên của kinh tế thế giới, ông Tuyển chỉ ra ba hệ quả:

Thứ nhất: Nhà nước, doanh nghiệp đi sau, nếu có chiến lược phát triển đúng đắn thì có thể nhanh chóng đuổi kịp, thậm chí vượt qua nước từng phát triển cao hơn mình.

Thứ hai, quy mô không bằng tốc độ, phát triển đúng để có tốc độ cao, nhưng cần có chiến lược đúng đắn, tốc độ nhanh thì cũng sẽ mang lại hiệu quả.

Thứ ba, tư duy sáng tạo mạnh hơn kinh nghiệm. Kinh nghiệm còn giá trị, nhưng giờ tư duy, đặc biệt tư duy sáng tạo có ý nghĩa rất lớn.

Do đó, ông Tuyển cho rằng nền kinh tế cần phải có sự chuyển dịch, thúc đẩy từ công nghệ chế tạo sang công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt; từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ; từ sản xuất sang dịch vụ; từ thị trường quốc gia sang thị trường khu vực và quốc tế; từ việc xuất khẩu vào các quốc gia đơn lẻ chuyển sang việc xâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại sao lại có TPP?

Ông Trương Đình Tuyển cho biết, sự phát triển rất nhanh và rất mạnh của lực lượng sản xuất, đặt ra yêu cầu thúc đẩy hơn nữa tự do hóa thương mại và đầu tư – điều mà WTO chưa thực sự thỏa mãn.

Các nước muốn làm thế nào đẩy nhanh hơn nữa quá trình tự do hóa thương mại - đầu tư. Một vòng đàm phán nữa được phát động – Vòng đàm phán DOHA, với mục tiêu tiếp tục cắt giảm thuế các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, và mở rộng hơn nữa thị trường dịch vụ. Cam kết trong WTO của Việt Nam thậm chí cao hơn rất nhiều Thái Lan và Malaysia.

WTO quy định nước nào vào trước cam kết ít, và vào sau càng cam kết nhiều hơn. Sau khi Campuchia vào WTO, Oxfam có bài viết: Luật rừng đã bị áp dụng thế nào với một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tôi đã dùng câu nói này phát biểu về Việt Nam tại một trong những vòng đàm phán DOHA.

Khi DOHA gần như chết yểu, những nhu cầu không được đáp ứng vẫn cản trở sản xuất. Sau một loạt thỏa thuận về khu vực tự do mậu dịch ASEAN + 3, ASEAN + 6… TPP với Mỹ là trung tâm được đưa ra đàm phán.

Việt Nam thành một nước rất có giá trong đàm phán TPP, và có khả năng tạo sức ép trong đàm phán. Việt Nam phải biết giá trị của mình trong cuộc chơi, phải biết kết thúc ở đâu, và phải biết tạo áp lực cho đối tác.

Tôi đã từng nói thẳng rằng: TPP không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì.

Theo Cẩm An - Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM