Ông chủ Minh Tiến đánh bật cặp sách Trung Quốc như thế nào?

20/12/2012 08:05 AM | Nhân vật

Tốt nghiệp y khoa, thành danh với cặp sách.

Tốt nghiệp y khoa nhưng Nguyễn Trí Kiên lại thành danh với ngành sản xuất cặp học sinh, ba lô, va li cần kéo… Càng bất ngờ hơn khi doanh nhân trẻ này với sản phẩm cặp siêu nhẹ cho học sinh mà anh “khai sinh” đã nhanh chóng đánh bật cặp xách Trung Quốc vốn làm mưa làm gió trên thị trường.

Bước ngoặt cơ duyên

Sau bao năm tháng lăn lộn trên thương trường, giờ Nguyễn Trí Kiên đã trở thành Tổng giám đốc Công ty TNHH may túi xách Minh Tiến, trụ sở ở P.3, Q.8, TP.HCM. Thoạt đầu mới gặp trông anh có vẻ là người trầm tĩnh nhưng càng nói chuyện với anh, tôi càng nhận ra bên trong vẻ trầm tĩnh ấy luôn nung nấu những khát khao vươn lên với ngành may túi xách vốn là nghề truyền thống của gia đình anh bao năm nay.

Thật ra cho đến khi đã tốt nghiệp đại học, Nguyễn Trí Kiên vẫn chưa hề nghĩ rằng có ngày anh lại trở thành doanh nhân. Bố mẹ anh sống bằng nghề may túi xách, cặp học sinh rồi bỏ mối ở các chợ. Chỉ là cơ sở nhỏ nên ba mẹ anh phải quần quật suốt ngày để anh chuyên tâm học hành, trở thành bác sĩ như mong ước của mọi người trong gia đình.

Khó khăn buổi đầu không thể nói hết khi Nguyễn Trí Kiên rẽ sang “chiến đấu” trên thương trường. Khắc phục điều này, anh không ngừng học hỏi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm về kinh doanh để lèo lái “con thuyền” của mình sao cho nó không bị chìm trong những ngày đầu khởi sự doanh nghiệp. Chính sự ham học hỏi ấy đã giúp anh từng bước gầy dựng cơ ngơi thành công như kỳ vọng.Ra trường, anh vừa làm việc ở bệnh viện, vừa tiếp tục học chương trình sau đại học để nâng cao kiến thức. 

“Công việc của một bác sĩ nhi lúc đó cũng khá tốt với tôi. Sở dĩ tôi nghỉ việc ở bệnh viện, về phụ giúp ba mẹ vì là con trai duy nhất trong gia đình, tôi muốn gánh vác bớt những khó khăn, cực nhọc cho ba mẹ và các em. Lúc ấy, tôi nghĩ mình chỉ tạm ngưng nghề bác sĩ một vài năm, khi nào việc kinh doanh của gia đình khá lên một chút thì tôi có thể yên tâm trở lại công việc mình yêu thích. Nhưng không ngờ tôi lại thích và theo luôn nghề này cho đến hôm nay. Đó như là một bước ngoặt cơ duyên đối với tôi”, anh Kiên tâm sự.

Đánh bật cặp xách Trung Quốc

Bước tiến quan trọng của doanh nghiệp do Nguyễn Trí Kiên làm quản lý là nhờ không ngừng sáng tạo, làm ra những sản phẩm hoàn hảo về chất lượng, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Bây giờ lên miền núi hay đến những vùng nông thôn xa xôi, thật không khó nhận thấy cảnh những em học sinh mang túi xách thương hiệu Miti tung tăng đến trường. Để có được sức lan tỏa rộng lớn như vậy thật sự là cả một quá trình miệt mài nỗ lực của tập thể Minh Tiến.

 

Muốn người tiêu dùng yêu chuộng và sử dụng sản phẩm của mình thì mình trước hết phải tạo ra những sản phẩm chất lượng. Mình không thể cứ kêu gọi hoặc bắt người ta này nọ mà bản thân mình thì lại làm ra sản phẩm gian dối

 “Những năm thập niên 90 của thế kỷ 20, chuyện tạo dựng thương hiệu còn khá mơ hồ, nhất là trong ngành túi xách. Người ta chỉ biết sản xuất rồi mang ra chợ bán, chứ không nghĩ phải tạo ra một cái tên để người tiêu dùng nhớ đến sản phẩm của mình. Thời điểm đó chưa có những đơn vị tư vấn về thương hiệu như bây giờ, nên mọi thứ tôi đều phải tự làm. Đã có nhiều cái tên được viết ra và đến giờ tôi vẫn còn giữ cuốn sổ ghi những cái tên ấy. Tôi nghĩ rằng, một sản phẩm, một thương hiệu thành công đầu tiên là nhờ cái tên và tôi đã làm được điều đó”, anh Kiên nhớ lại.

Một điều oái oăm là mặc dù khi đã có thương hiệu Miti gắn lên túi xách, cặp học sinh, ba lô... lần đầu tiên do cơ sở Minh Tiến sản xuất với chất lượng tốt nhưng ra thị trường thì bị lâm vào cảnh “hồn Trương Ba da hàng thịt”. Lý do là người tiêu dùng thời đó quen với hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, chứ hàng của Việt Nam sản xuất thì chính người dân của mình lại không ưa. “Lúc ấy các đầu mối phân phối hàng ở Chợ Lớn rất quyền lực. Thật sự các nhà sản xuất không ai dám làm phật lòng, lúc nào cũng phải cung phụng, chiều chuộng họ. Chúng tôi gắn nhãn Miti vào sản phẩm rồi chuyển cho họ bán thì đều bị giật ra, tự gắn nhãn khác vào”, anh Kiên kể.

Kiên trì với mục tiêu đã đề ra, anh tính đến chuyện lập hệ thống phân phối thông qua chuỗi cửa hàng Miti, thay cho kênh phân phối truyền thống lâu nay. Một năm sau khi Minh Tiến tung sản phẩm cặp siêu nhẹ mang tính đột phá (chỉ nặng 600 gr) ra thị trường, các đơn vị khác cũng bắt tay vào sản xuất loại cặp này và đã đánh bật được cặp xách Trung Quốc trước đó vốn làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam. 

Khát vọng vươn ra biển lớn

Từ một cơ sở sản xuất gia đình với vỏn vẹn hơn 10 người thợ, chủ yếu làm hàng chợ chẳng mấy tên tuổi nhưng đến nay sản phẩm của Miti chiếm khoảng 30 - 40% thị trường ở TP.HCM và hứa hẹn sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới. Minh Tiến đang có hai nhà máy công suất 500.000 sản phẩm/năm, sản xuất 8 nhóm sản phẩm: cặp học sinh, va li, ba lô, ví da, thắt lưng, cặp công sở và túi du lịch với doanh thu hơn 100 tỉ đồng mỗi năm, hệ thống cửa hàng trải dài khắp cả nước. Đặc biệt là sản phẩm của Miti đã giúp cho các thế hệ học sinh không còn nguy cơ bị lệch cột sống, không bị biến dạng thể chất như các sản phẩm nặng nề, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.

Nhưng Miti vẫn chưa muốn dừng lại. Kiên bảo vẫn phải luôn cập nhật kiến thức liên tục để gầy dựng mô hình “công ty học tập”, huấn luyện nhân viên, mang lại cho họ những khát vọng và có chung tầm nhìn để cùng đưa doanh nghiệp vươn ra biển lớn. Sự cẩu thả trong sản xuất hàng tiêu dùng không chỉ giết chết doanh nghiệp mà còn gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Vì thế điều quan trọng là mình không chỉ bán sản phẩm mà còn phải bán niềm vui cho người tiêu dùng.

Theo Đình Phú

Thanh Niên

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM