Ông chủ Alphanam và bí kíp đại phú nhờ "tài sản vô chủ"

17/12/2011 10:42 AM |

"Khi mọi người thấy tôi lộ diện ở đâu đó thì tức là ở đó không có người nào làm chủ và cần tôi làm chủ".

Ghế nóng

Ông Nguyễn Tuấn Hải từng chia sẻ với tôi một kinh nghiệm quản lý nhân sự: hãy để mỗi cá nhân khi được bổ nhiệm vào một vị trí cũng đồng nghĩa là ngồi trên "ghế nóng". Họ sẽ luôn phải phấn đấu để đạt được thành quả trong công việc như một sự đảm bảo độ vững chắc cho chiếc ghế đó. Gặp lại ông hôm nay, tôi muốn hỏi:

- "Chiếc ghế" của chính ông nóng đến đâu trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, thưa ông?

Trong hai thập niên qua, chưa bao giờ nền kinh tế lại gặp nhiều sóng gió như thời điểm năm 2007 và giai đoạn hiện nay. Nhưng khác với những thách thức, khó khăn chưa từng có tiền lệ xảy ra trong năm 2007, sang đến năm 2011 nhờ được dự báo trước nên các doanh nghiệp đón nhận thách thức một cách bình tĩnh hơn, có kinh nghiệm ứng phó và sự chuẩn bị để chủ động kiểm soát được rủi ro. Dẫu vậy, nhìn nhận toàn cục quả là không dễ để vượt qua những thách thức. Chúng ta đã từng có thời kỳ mà số lượng doanh nghiệp tăng kỷ lục, vậy thì đến nay số lượng doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động ở mức kỷ lục cũng là sự tất yếu. Đó là cuộc thanh lọc của thị trường, những doanh nghiệp còn lại sẽ hoạt động chuyên nghiệp hơn, có khả năng phát triển lớn mạnh hơn. Dù "chiếc ghế" của tôi có "nóng" đến đâu, tôi có thể khẳng định Alphanam đã có sự chuẩn bị tốt để vượt lên khủng hoảng, biến khủng hoảng thành cơ hội phát triển.

- Vượt qua khủng hoảng năm 2007 một phần là nhờ những tích lũy có được từ sự bùng nổ của TTCK giai đoạn trước đó. Vậy còn năm nay, điều gì mang lại cơ hội cho Alphanam?

Những ngày đầu thành lập Alphanam tôi xác định chọn thị trường ngách, đối tượng hướng đến là những khách hàng tiêu tiền không phải của mình. Trong khủng hoảng 2007, Alphanam đã tiến hành mạnh mẽ việc tái cấu trúc doanh nghiệp để thoát hiểm.

Sau thời gian này, Alphanam chuyển dịch mạnh mẽ sang thị trường kinh doanh cạnh tranh hoàn hảo, chuyển sang đối tượng khách hàng tiêu tiền của mình, đồng nghĩa với việc nhắm đến thị trường đại chúng. Các sản phẩm như: sơn, thang máy, thiết bị điện… là ví dụ. Trong khủng hoảng, khách hàng mục tiêu được chuyển đổi thành những nhà đầu tư nước ngoài, vốn ODA, khách hàng ở một số lĩnh vực, ngành nghề ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong khó khăn cũng là thời điểm tốt để công ty gia tăng thị phần, tuyển dụng được nhân sự tốt để vượt qua các đối thủ cạnh tranh.

- Chúng ta từng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng một năm trở lại đây nở rộ xu hướng các doanh nghiệp mua, bán, sáp nhập (M&A) để trở nên lớn hơn. Vậy lúc này "nhỏ là đẹp" hay "lớn là mạnh" phù hợp, thưa ông?

15 năm về trước, tôi từng sang Đài Loan và rất tâm đắc với mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp từ qui mô hộ gia đình dần phát triển lên. Trong suốt thời gian qua, Đài Loan vẫn đi theo hướng phát triển đội ngũ doanh nghiệp như vậy, nền kinh tế không có nhiều bước đột phá. Trong khi đó, Trung Quốc lại là một câu chuyện đáng nói, khi mà suốt hơn 10 năm trở lại đây, đội ngũ doanh nghiệp Trung Quốc phát triển rất hùng mạnh, từ số lượng đông đảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Trung Quốc đã tạo dựng được đội ngũ các tập đoàn lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước này.

Theo tôi, mỗi một giai đoạn cần có mô hình doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh, hoàn cảnh riêng. Mô hình vừa và nhỏ phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp, phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn 10 năm trước. Còn đối với những doanh nghiệp đã đạt được sự tích tụ tư bản, họ sẽ nắm lấy cơ hội mua bán doanh nghiệp (M&A) và thôn tính các doanh nghiệp khác để tập trung sức mạnh trở thành những đầu tàu kinh tế.

Tôi chưa từng thất bại trong M&A

- Với Alphanam, quá trình tích tụ đến từ hoạt động M&A hay M&A tạo nên tích tụ?

Alphanam có 3 giai đoạn phát triển: Từ năm 1995 - 2000 hình thành và phát triển; Từ năm 2001 - 2005 là quá trình tăng tốc; Từ năm 2005 - 2010: Giai đoạn tích lũy và đầu tư. Kể từ năm 2010 - 2015, Alphanam phấn đấu trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu ở Việt Nam. Tôi tự tin với mục tiêu này, cho dù bối cảnh kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn bởi trong cái khó có những cơ hội để M&A, thôn tính doanh nghiệp. Có thể nói, một trong bốn mảng kinh doanh lớn của Alphanam là M&A, hiệu quả của nó cũng rất thú vị.

- Ông đã từng M&A bao nhiêu doanh nghiệp và đã bao giờ nếm trải thất bại?

Không nhiều nhưng cũng không ít. Tôi chưa từng thất bại trong một vụ M&A nào. Với tôi, mỗi thương vụ M&A mang lại rất nhiều kinh nghiệm quý, đồng thời là kỷ niệm khó quên vì quá trình M&A luôn chứa đầy kịch tính và giàu cảm xúc như xem một bộ phim hành động nhưng kết thúc luôn có hậu (tôi rất thích phim hành động, đặc biệt của Mỹ) .

- Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với ông?

Khi mọi người thấy tôi lộ diện ở đâu đó thì tức là ở đó không có người nào làm chủ và cần tôi làm chủ

Kỷ niệm nhiều kịch tính nhất có lẽ là đầu tư vào FOODINCO (Tiền thân là Tổng công ty Lương thực Vinafood 3) tại Đà Nẵng. Khởi đầu là nhà đầu tư với niềm tin và hy vọng vào thực lực của doanh nghiệp. Sau đó lại buộc phải trở thành một nhà đầu tư bất đắc dĩ rồi tiến đến đích thân tôi phải đảm đương vị trí tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh nợ ngân hàng gần 500 tỷ đồng không có khả năng trả, lỗ hết vốn điều lệ. Một số lãnh đạo nằm trong diện điều tra của cơ quan pháp luật. Nhưng đến nay, sau gần 3 năm tổng công ty đã trả được hết nợ ngân hàng, hoạt động kinh doanh hiệu quả và có thể nói ngắn gọn đến thời điểm này đây là sự đầu tư thành công.

- M&A thực chất là thôn tính doanh nghiệp? Có hai loại thôn tính, thôn tính thù địch với hình ảnh cá mập và thôn tính thân thiện như cá heo. Ông chọn cách nào?

Đã là thôn tính thì không thể có sự thân thiện được. Nhà đầu tư không phải người làm từ thiện, vì vậy rất khó lòng có thể làm vui vẻ được mọi phía vốn đang xung đột về quyền lợi. Những người cũ muốn giữ lại, nhưng không đủ sức và cũng không sẵn sàng cho sự thay đổi. Sau khi trở thành chủ sở hữu mới, buộc lòng phải tái cấu trúc để lựa chọn một đội ngũ thực hiện những mục tiêu để phát triển. Việc này không thể tránh được sự va chạm. Tôi cố gắng lựa chọn giải pháp kiên quyết phải thay đổi nhưng không có người mất. Đối với một số đối tượng mình là cá mập, nhưng với một số đối tượng khác mình lại là cá heo cứu người, cứu doanh nghiệp.

- Hiện nay dường như tái cấu trúc đang được nhắc đến quá nhiều như một cái "mốt"?

Từ xưa đến nay, doanh nghiệp Việt Nam ít muốn thay đổi, thích sự ổn định. Vậy nên, khi vấp phải những khó khăn, khủng hoảng vì sự sinh tồn của doanh nghiệp mới tính đến việc tái cấu trúc, trong khi thực chất đó là một công việc cần tiến hành xuyên suốt, liên tục. Ở các nước phát triển, tái cấu trúc trở thành một việc đương nhiên, hẳn nhiên phải làm nên cũng không cần phải gọi tên nó ra như cách chúng ta đang gọi. Khi các doanh nghiệp Việt Nam đạt đến trình độ như vậy mới có thể đảm bảo một tương lai phát triển ổn định, vững bền. Từ rất sớm, Alphanam đã ý thức điều này và thực hiện nó một cách thường xuyên

Chỉ mua những gì "mắt thấy, tay sờ được"

- Trong giới kinh doanh, ông có tiếng là "ngửi" được giá trị từ một cái khung, cái xác của doanh nghiệp. Ông có thể hé mở về tiêu chí chọn đối tượng để M&A?

Nhìn chung khi M&A thường theo trường phái giá trị. Có người đầu tư vào giá trị tương lai, chấp nhận trả mức cao cho giá trị kỳ vọng đó. Có người lựa chọn mua theo giá trị hiện tại của doanh nghiệp với mức giá tương ứng với mức giá chung từ thị trường. Tôi lựa chọn phương án đơn giản hơn. Theo nguyên tắc, có thể sở hữu được những cái mắt thấy tay sờ được, có khả năng thanh khoản được, nhưng với mức giá mua thấp nhất.

- Hiện nay đang có rất nhiều cơ hội M&A trong lĩnh vực tài chính, ông có nhập cuộc?

Lĩnh vực tài chính ngân hàng đã được tôi quan tâm từ rất lâu. Đây cũng là lĩnh vực mà tôi cũng rất thích. Một cách gián tiếp, tôi cũng đang là cổ đông của một ngân hàng. Đến khi nào mà tôi chính thức xuất hiện chắc sẽ ở vị trí chủ tịch một ngân hàng, nhưng lúc này thì chưa phải là lúc phù hợp. Theo tôi, câu chuyện tái cấu trúc ngân hàng hiện nay không cần phải rùm beng lên quá, bởi xét đến cùng ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Trên thực tế, dù không ồn ào nhưng giai đoạn vừa qua chúng ta đã chứng kiến một số vụ sáp nhập ngân hàng và thay đổi chủ sở hữu. Vậy nên việc M&A và tái cấu trúc ngân hàng là hoàn toàn bình thường. Hãy để cho quy luật thị trường thực hiện sứ mệnh của mình. Chỉ khi vận hành đúng theo quy luật thị trường mới có thể lành mạnh hóa thị trường được. Alphanam chưa quyết định đầu tư mạnh trong lĩnh vực ngân hàng thời điểm này vì hiện có một số lĩnh vực khác hấp dẫn hơn để đầu tư.

- Vậy lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào đang trong tầm ngắm của ông?

Tài sản vô chủ.

- Cụ thể hơn, thưa ông?

Cụ thể hơn là khi mọi người thấy tôi lộ diện ở đâu đó tức là ở đó không có người nào làm chủ và cần tôi làm chủ (cười)

- Vậy nếu tôi đổi câu hỏi thành "Chiến lược đầu tư của Alphanam" và "bí quyết", câu trả lời sẽ là gì thưa ông?

Đầu tư theo thế ghế bốn chân: Sản xuất công nghiệp; Bất động sản; Đầu tư vào những sản phẩm lợi thế cạnh tranh quốc gia và đầu tư tài chính. Sản xuất công nghiệp tạo được sự bền vững và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Chế biến và xuất khẩu các sản phẩm mang lợi thế quốc gia như gạo, nông lâm sản cũng có thăng trầm, nhưng có khả năng mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Nhưng để tăng tốc và tạo sự khác biệt thì lĩnh vực đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính có nhiều cơ hội hơn.

Bí quyết để thành công để thành công đơn giản là "Đi trước một bước"

- M&A có mang lại cho ông cảm xúc gì đặc biệt, ngoài những kỷ niệm và trải nghiệm mà ông từng nói?

M&A là một lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi một kiến thức tổng hợp rất lớn và luôn phải đối mặt với cái mới mà không có sự lặp lại. Đôi lúc nó như một trận đấu cờ, đôi lúc nó như một cuộc chiến tranh, nhưng đôi lúc lại như một tình yêu lãng mạn dẫn đến hôn nhân. Nó phù hợp với những người vừa mưu trí vừa ưa cảm giác mạnh lại vừa tình cảm. Có thể tôi cũng thuộc nhóm người này.

- Say mê với M&A, ông có nghĩ đến một lúc nào đó sẽ viết sách về lĩnh vực này?

Tôi nghĩ mình chỉ xứng đáng đọc sách và hiểu sách viết về M&A là tốt rồi. Đương nhiên, để làm được điều đó, vốn dĩ cũng không hề đơn giản. Tôi không chỉ đọc, hiểu mà còn cố gắng vận dụng vào thực tế một cách sáng tạo và hiệu quả nhất.

Không quá tham vọng nhưng biết cái mình muốn

- Nếu không có tham vọng không thể kinh doanh thành công. Ông có thấy điều đó ứng với mình?

Tôi muốn xây dựng Alphanam trở thành một tổ chức kinh tế tư nhân hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong ngắn hạn, năm 2015 sẽ giữ vững ở top đầu của 100 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Tôi không phải người quá tham vọng và luôn thấy những gì mình đang có nhiều hơn những gì mình muốn có. Tuy vậy, việc kinh doanh như là cái nghiệp của một doanh nhân. Với tôi, làm việc cũng giống như ăn, ngủ và hít thở khí trời. Và vì thế việc kinh doanh cũng nhẹ nhàng và sống động như cuộc sống của mình vậy.

- Trong chiến lược dài hạn, đầu tư ra nước ngoài có được ông tính đến?

Tôi nghĩ trong vòng 20 năm tới, tại Việt Nam còn quá nhiều cơ hội cho Alphanam nắm bắt và phát triển.

- Câu hỏi cuối, triết lý kinh doanh của ông là gì?

"Chuỗi đồng hành lợi ích".

- Xin cảm ơn ông!

 Theo Lưu Hương

Diễn đàn doanh nghiệp

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM