‘Nữ tướng’ REE: Phụ nữ có hạnh phúc gia đình sẽ thành công hơn trên thương trường

08/03/2015 10:16 AM | Nhân vật

“Trong sự thành công của quý ông, có sự “nâng khăn, sửa túi” và hỗ trợ của người vợ. Và đương nhiên, khi người vợ thành công trên thương trường, không thể thiếu sự động viên tinh thần của người chồng” – bà Nguyễn Thị Mai Thanh.

Nội dung nổi bật:

- “Với riêng tôi, gia đình là một phần vô cùng quan trọng. Nếu người phụ nữ có hạnh phúc gia đình, có hạnh phúc lứa đôi thì họ sẽ thành công hơn trên thương trường”.

- “Tại REE, nếu phát hiện có một nữ đồng nghiệp, một nữ nhân viên quản lý làm giỏi, nếu 2 người giỏi bằng nhau thì nữ sẽ được ưu tiên hơn. Bởi sự phấn đấu của người phụ nữ khó khăn nhiều hơn nam giới”.

- Bà Thanh cho biết không buồn vì không có tên trong danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất Châu Á của Forbes năm 2015 (bà có tên trong danh sách này năm 2014). “Đó như là một nhận định khách quan, không ảnh hưởng nhiều đến tôi lắm. Vấn đề của tôi là làm cho REE khỏe mạnh, phát triển tốt, phát triển bền vững”.


Xin bà cho biết, đâu là rào cản của nữ doanh nhân hiện nay? Với cương vị lãnh đạo của REE, thì rào cản của bà là gì?

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO CTCP Cơ điện lạnh (REE): Tôi không thấy có rào cản gì cho nữ doanh nhân nói riêng, mà rào cản ấy nói chung cho giới doanh nhân giống nhau. Chỉ có điều, người phụ nữ không bao giờ quên được chức năng gia đình: Là người vợ, người mẹ. Cho nên, người phụ nữ phải dành thời gian nhất định cho việc đó. Họ sẽ phải làm kinh doanh cực hơn người nam giới.

Quyền năng đương nhiên của họ là chăm sóc gia đình nên luôn luôn họ coi việc đó là rất quan trọng, không thể bỏ được. Làm kinh doanh khó hơn nam giới ở chỗ đó chứ không có rào cản. Họ có thể chia thời gian để làm gia đình hạnh phúc, con cái học hành giỏi giang thành đạt, đó là nguồn bổ sung rất đáng kể cho công việc kinh doanh của người nữ doanh nhân.

Thoạt nhìn, bà là một người phụ nữ nhỏ bé và nữ tính. Tại sao bà lại đam mê lĩnh vực cơ khí?

Tôi học ngành kỹ thuật và trở thành kỹ sư cơ khí. Tôi cũng thích ngành này vì thuở nhỏ, môn Toán tôi học rất giỏi, nên vào ngành không gặp mấy khó khăn.

Từ ngành cơ khí, tôi hiểu hơn về ngành cơ điện công trình, cũng như các công trình điện và nước...

Liệu bà có gặp khó khăn gì không khi ngành cơ khi trước giờ luôn được mặc định là ngành cho phái mạnh?

Tôi đã nói là nữ không có khó khăn gì và không có gì ngăn cản để một nữ doanh nhân, một doanh nghiệp do nữ lãnh đạo đi vào các ngành đó. Vấn đề phía sau là kiến thức, kinh nghiệm và đam mê. Phải có kiến thức, phải tích lũy kinh nghiệm và phải có niềm đam mê của mình.

Như tôi đã nói, sự đổi mới của Việt Nam và chính sách cổ phần hóa của Việt Nam như một luồng gió mới để tôi thực hiện được khát vọng thành công của mình.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia - có chia sẻ: Một người phụ nữ để có thể làm CEO tốt, thì cần phải tìm được một ông chồng tốt: hiểu mình, có thể chia sẻ với mình trong công việc và trong gia đình... Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn nói hoàn toàn chính xác. Trong sự thành công của quý ông, có sự “nâng khăn, sửa túi” và hỗ trợ của người vợ. Và đương nhiên, khi người vợ thành công trên thương trường, không thể thiếu sự động viên tinh thần của người chồng.

Với riêng tôi, đó là một phần vô cùng quan trọng. Nếu người phụ nữ có hạnh phúc gia đình, có hạnh phúc lứa đôi thì họ sẽ thành công hơn trên thương trường.

Bà có nói rằng: Một trong những hạn chế đối với người phụ nữ khi tham gia kinh doanh và tham gia lãnh đạo công ty hiện nay là trong các công ty gia đình, việc thừa kế nghiệp kinh doanh thường ưu tiên số 1 là con trai. Tại REE thì sao?

Tôi thấy hạn chế nói trên là đa số. Nhưng, trong công ty tôi, không có sự phân biệt. Tại REE, nếu phát hiện có một nữ đồng nghiệp, một nữ nhân viên quản lý làm giỏi, nếu 2 người bằng nhau thì nữ sẽ được ưu tiên hơn. Bởi sự phấn đấu của người phụ nữ trở nên khó khăn nhiều hơn nam giới. Bên cạnh công việc, họ phải làm thiên chức người mẹ và người vợ.

Mới đây, trong danh sách Forbes công bố 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á, không có tên bà. Bà có buồn về việc này?

Không. Đó như là một nhận định khách quan, cho dù là có thiên hướng tốt hay không tốt, nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến mình lắm.

Vấn đề của REE là một công ty niêm yết, nhiệm vụ của REE là phải làm cho công ty khỏe mạnh. Nhìn nhận từ bên ngoài là một vấn đề khác. Tôi không quá phụ thuộc vào những chuyện nhìn nhận, mà cái nhìn nhận rõ nhất là người ta mua cổ phiếu, người ta đánh giá cổ phiếu REE thế nào và mua giá cao hay thấp, cũng không ảnh hưởng lắm.

Vấn đề của tôi là làm cho REE khỏe mạnh, phát triển tốt, phát triển bền vững. trong sự phát triển đó, coi môi trường và xã hội cũng là khía cạnh quan trọng để REE phát triển bền vững.

Xin cảm ơn bà!

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh mới đây được vinh danh là Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu. Bà cũng nằm trong danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất Châu Á 2014 do Forbes công bố.

Bà Thanh giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (Mã chứng khoán: REE) từ năm 1993. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình với REE vào năm 1982, trở thành người khởi đầu hình thành chiến lược và phong cách lãnh đạo của REE suốt quá trình phát triển. Bà có bằng kỹ sư cơ khí của ĐH Kỹ thuật Karlmarx-Stadt – Đức.

>> Chủ tịch VCCI: Động lực của kinh tế sẽ là Phụ nữ

Thanh Thủy (thực hiện)

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM