Nữ doanh nhân Đặng Thanh Hương: “Tôi luôn lỡ hẹn với con”

27/10/2012 20:54 PM | Nhân vật

Vượt qua thói nữ nhi thường tình, dám đối mặt với mọi khó khăn, đã tôi luyện cho chị bản lĩnh thép của doanh nhân.

Nữ doanh nhân đặng Thanh Hương, Giám đốc Công ty cổ phần may Vĩnh Phát, chủ nhân của thương hiệu thời trang Việt Nam Gifoki sở hữu một vẻ bề ngoài trẻ trung, xinh đẹp và nền nã. Nhìn dáng vẻ nhàn nhã ấy, ít ai biết được rằng, chị đã từng lập nghiệp từ một chiếc máy khâu trị giá 200.000 đồng. Vượt qua thói nữ nhi thường tình, dám đối mặt với mọi khó khăn, đã tôi luyện cho chị bản lĩnh thép của doanh nhân.

Lập nghiệp từ chiếc máy khâu 200.000 đồng 

Đặng Thanh Hương đến với ngành thời trang nhờ duyên với nghề. Trước đó, chị không bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghề này vì vốn là học sinh chuyên văn rồi lại đeo đuổi ngành học ngân hàng, sư phạm nhưng ước mơ đều dang dở. Có lẽ, chị không được chọn nghề mà nghề đã chọn chị.

Mồ côi bố từ khi mới 1 tuổi nên tuổi thơ của chị bị thiệt thòi. Hồi đó, nhà nghèo nên mẹ đã phải gửi chị về quê ngoại ở tỉnh Phú Thọ trọ học từ khi còn rất bé. Nhưng cũng từ hoàn cảnh đó đã rèn luyện cho Đặng Thanh Hương bản lĩnh thép. Để rồi sau này, khi đối mặt với mọi khó khăn chị vẫn kiên định. 

Lại nói về cái duyên nghề, nó cứ như một sự ngẫu nhiên. Lần đó, vô tình đi chơi sang xưởng may của gia đình một người bạn, Đặng Thanh Hương như bị hút hồn bởi những sản phẩm may đẹp dưới bàn tay khéo léo của các công nhân. Dù đang theo đuổi học ngành ngân hàng nhưng chị vẫn nảy ra ý định học thêm nghề may để đỡ đần mẹ. 

Ban đầu chỉ nghĩ đơn giản vậy song không ngờ càng học càng đam mê. Số phận cũng thật khéo sắp đặt. Đúng lúc đó mẹ ốm, không có tiền đóng học phí, thế là chị nghỉ học. Sau thời gian học nghề, chị đã mua một chiếc máy khâu Trung Quốc giá 200.000 đồng và bước vào nghề may từ đó.

Dù hàng ngày cặm cụi bên chiếc máy khâu Trung Quốc nhưng chị luôn nung nấu ý định làm ăn lớn. Dành dụm được một chút tiền, Đặng Thanh Hương mạnh dạn vay thêm của bạn bè, anh em và đầu tư mua 5 máy khâu. Chị dựng lên một xưởng may đầu tiên tại một khu đất trống ở khu tập thể Trường Đại học an ninh (Khu Văn Quán - Hà Nội). 

Ban đầu, chị may quần áo cho trẻ sơ sinh và đưa đi các chợ bán. Nhớ lại những ngày đầu đi tiếp cận thị trường, Đặng Thanh Hương chia sẻ: “Tôi mang sản phẩm ra chào bán ở chợ nhưng người ta không mua mà còn gắt gỏng. Lúc đó tôi chán nản lắm, nhưng không lẽ lại quay về làm thuê? Vậy là vẫn kiên trì thuyết phục khách hàng. Rồi cũng có người thương mua giúp và trả tiền ngay. Tôi mừng lắm. Cũng nhờ những khách hàng đầu tiên đó mà tôi được tiếp thêm nghị lực để đi tiếp đến ngày hôm nay”.

Năm 1999 là một cái mốc khác đáng nhớ trong quá trình lập nghiệp của chị. Song mọi khó khăn không làm người nữ doanh nhân kiên cường này nao núng tinh thần. Chị bị bạn lừa hết tiền. Lúc ấy chỉ còn lại 700.000 đồng, chị mua một bao vải ở chợ Triều Khúc về. Mở bao vải ra, chị tần ngần mãi vì vải vụn nhiều quá. Nhưng tất cả vốn liếng còn lại nằm cả ở đây, chẳng nhẽ bỏ đi? 

Vậy là, chị đã phải cặm cụi lựa chọn từng mảnh một. Mảnh lớn may quần áo trẻ em, mảnh nhỏ tận dụng may mũ, bao tay, giầy. May mắn, lô hàng đó chị bán có lãi. Dần dần, chị lại có tích lũy để nuôi lớn ước mơ. Cũng từ kinh nghiệm đầu tiên đó, sau này chị đã biết cách chọn vải tốt hơn.

Bà chủ thương hiệu Gifoki

Xã hội càng phát triển, nhu cầu về cái ăn cái mặc của con người ta cũng cầu kỳ hơn. Việc tận dụng vải vụn để may quần áo trẻ em đã không còn phù hợp. Đặng Thanh Hương xoay sang mua vải chính phẩm và tính chuyện làm chuyên nghiệp hơn. Khi khách hàng ngày một đông và đơn hàng ngày một nhiều, năm 2007 chị quyết định thành lập Công ty cổ phần may Vĩnh Phát. Đồng thời, chị đầu tư xây dựng một nhà máy với dây chuyền hiện đại tại thôn 1, xã ông Đình (Khoái Châu, Hưng Yên). 

Ông Lê Xuân Hùng, Chủ tịch xã ông Đình- cho biết: “Ông Đình là xã thuần nông, đường giao thông đi lại khó khăn nên việc Công ty Vĩnh Phát đầu tư nhà máy về đây rất đáng quý và xã tạo điều kiện hết sức. Công ty đã góp phần giải quyết lao động dư thừa cho địa phương và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.

Hiện nay, Đặng Thanh Hương cũng đã phát triển thêm 8 cơ sở may tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây. Công ty giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân chính thức với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng cùng hàng trăm lao động thời vụ. 

Bắt đầu từ đây, thương hiệu Gifoki được người tiêu dùng biết đến qua hệ thống siêu thị BigC, Coopmax, Hapro cùng nhiều hệ thống bán lẻ trong toàn quốc. Sản phẩm Gifoki cũng đã đặt chân đến các nước như Hàn Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Angola, Đông Âu. Giám đốc Đặng Thanh Hương cho biết: “Không giống như ngày xưa, bây giờ công ty chúng tôi có quyền lựa chọn khách hàng. Đơn hàng của công ty không bao giờ hết. Sau khi thành công ở lĩnh vực thời trang trẻ em, Gifoki tiếp tục thành công với dòng thời trang nam, nữ, rồi thời trang công sở”.

Với các đóng góp cho đất nước cũng như cộng đồng, Giám đốc Đặng Thanh Hương đã từng đạt các danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam vàng” cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. 

“Hãy tha lỗi cho mẹ!”

Đó là lời mà lúc nào nữ doanh nhân Đặng Thanh Hương cũng muốn nói với những người thân trong gia đình, nhất là với cô con gái yêu đang tuổi ăn, tuổi lớn. Khi đã dấn thân vào con đường doanh nghiệp là đã đeo đẳng cái nghiệp rồi. Người đàn ông làm doanh nghiệp cũng rất gian truân nhưng đối với phụ nữ, gian truân đó như nhân lên gấp bội. Bởi thiên chức phụ nữ là làm vợ, làm mẹ. Để đi đến thành công, những người phụ nữ như Đặng Thanh Hương đã có lúc phải xao nhãng thiên chức đó. Như cách nói của chị là “ cưỡi lên lưng hổ và không dừng lại được”. 

Vì điều đó sẽ đồng nghĩa với việc hàng trăm công nhân mất việc làm cùng nhiều hệ lụy khác nữa. Chị bộc bạch: “Tôi rất muốn được như những người phụ nữ bình thường khác, hết giờ làm việc là về với chồng, con. Ngày nghỉ có thể cùng gia đình đi chơi, ăn uống. Mặc dù đã cố gắng nhưng tôi luôn lỡ hẹn với con vì công việc phát sinh. Những lúc công ty gặp khó khăn, khách hàng kêu ca, đích thân tôi phải là người đi giải quyết để giữ uy tín cho công ty”. 

Có lẽ vì luôn cố gắng giữ uy tín trong làm ăn với khách hàng nên chị được các bạn hàng yêu mến. Thậm chí, khi cần vốn đầu tư chị đều được anh em bạn bè giúp đỡ nhiệt tình. Chị vẫn thường nói, thành công của chị ngày hôm nay là có sự đóng góp công sức của anh em, bạn bè, những công nhân gắn bó với công ty và những khách hàng chung thủy từ những ngày đầu tiên chị lập nghiệp. Dù công việc công ty bận tối mắt tối mũi nhưng chị vẫn mong muốn, cô con gái yêu hãy hiểu và thông cảm cho mẹ.

Theo Kim Thanh
Nhà báo& Công luận

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM