Nữ Chủ tịch Dược Hậu Giang: Chúng tôi sợ mình bị rớt hạng!

02/07/2013 14:41 PM | Nhân vật

Số dư tiền mặt có khi lên đến 1.000 tỷ đồng, nhưng Chủ tịch/CEO quyết không đầu tư ngoài ngành dù cho bị cổ đông và nhà đầu tư “phê bình”. “Lấy dân làm gốc” là bài học xuyên suốt để đi đến thành công.

Ngày 28/06/2013, Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư đã tổ chức lễ vinh danh “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” năm 2012. 

Đây là chương trình khảo sát chuyên sâu và xếp hạng doanh nghiệp nhằm tìm ra 50 doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư và CTCK Thiên Việt thực hiện.

Trong khuôn khổ lễ công bố 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, bà Phạm Thị Việt Nga – Chủ tịch HĐQT Công ty Cp Dược Hậu Giang (MCK: DHG) – doanh nghiệp xếp hàng thứ 16 đã có những chia sẻ hết sức hấp dẫn về quan điểm và triết lý kinh doanh của bà. Những chia sẻ của bà Nga không chỉ dừng lại là “Chuyện những người sống sót” mà mở ra cho lớp trẻ một góc nhìn mới về quan điểm “lấy dân làm gốc” trong kinh doanh khi mà “thiên” chưa “thời”, “địa” chưa “lợi”, chỉ còn trông chờ vào “nhân”.

Dưới đây chúng tôi trích lược toàn bộ nội dung chia sẻ của bà Nga trong chương trình này.

“Chỉ có đánh mới tìm ra cách đánh”

- Thưa bà, bà có thể chia sẻ triết lý kinh doanh của mình?

Tôi không dám nói đến triết lý kinh doanh, chỉ dám nói đến triết lý sống của tôi. Triết lý sống của tôi: Tâm – Tài – Tín – Chỉ có đánh mới tìm ra cách đánh (chỉ xuất hiện thêm trong những năm khó khăn này).

- Trong 3 năm khó khăn 2009 – 2012, đối với bà bài học nào là để đời nhất, tâm đắc nhất trong hoạt động sản xuất của DHG?

Trước hết, tôi không nghĩ mình là người điều hành thành công, mà quan trọng là tôi dũng cảm. 

Trong 3 năm liền khi nào DHG cũng dư tiền, chúng tôi dư tiền khiến cho cổ đông/nhà đầu tư của DHG “phê bình” tôi, bởi giữ tiền trong ngân hàng là không hiệu quả. Nhưng tôi giữ tiền vì quyết giữ đúng tầm nhìn của mình – một cuộc sống khỏe đẹp hơn. 

Khi dư tiền, nhiều người rủ chúng tôi kinh doanh bất động sản, mua chứng khoán, nhưng chúng tôi kiên trì gửi tiền vào ngân hàng, chỉ sản xuất thuốc chất lượng và nâng cao chất lượng thuốc.

Tôi là một dược sĩ, theo ngành dược đã được 42 năm, tôi làm đúng ngành của mình. Vì vậy, tình hình bất động sản khủng hoảng,.... đều không liên quan gì đến DHG.

Thứ hai, trong tình hình khó khăn, như tôi đã nói “chỉ có đánh mới tìm ra cách đánh” nên CBCNV công ty cũng đi theo triết lý này và chúng tôi đã thành công trong việc dũng cảm đưa thuốc ra thị trường nước ngoài, xâm nhập vào những thị trường khó tính như Singapore.

Thứ ba, chúng tôi vẫn tiếp tục đào tạo/bồi dưỡng cán bộ công nhân viên, vẫn phải ra nước ngoài học tập, tham quan/học tập từ những doanh nghiệp thành công khác như tình hình “không có chuyện gì”. Chúng tôi cũng đã thuê công ty tư vấn để hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp.

Tôi nghĩ rằng đó là bước đầu tư không hợp lý lắm trong giai đoạn này, nhưng DHG có thực lực kinh tế nên các hoạt động này sẽ là bước đệm để cho những năm sau tốt hơn.

- Nếu một ngày doanh nghiệp trở thành số 1 trong lĩnh vực, ngành, tại Việt Nam, điều gì khiến bà sợ nhất?

Thực ra, nỗi sợ hãi trong tôi chắc đã từ lâu, đến ngủ cũng nằm chiêm bao bị sụt xuống thứ 2. Bởi DHG đã nhiều lần xếp số 1, bản thân tôi được phong anh hùng đầu tiên trong ngành, doanh thu dẫn đầu 10 năm liền, doanh nghiệp dược đầu tiên lọt vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Chúng tôi sợ mình bị rớt hạng!

Thứ hai, tôi sợ nhân viên của mình hài lòng với thành quả đã đạt được. Đây là điều tôi rất sợ - tâm lý “ai nói gì nói, mình vẫn là số 1”. Cha tôi dạy tôi rằng: con người ta khi thất bại, bị dồn vào chân tường phấn đấu dễ hơn khi đứng trên đỉnh vinh quang. Tôi thường nói với nhân viên rằng, mình bây giờ khó khăn hơn những người khó khăn vì mình dễ thỏa mãn, dễ hài lòng.

Tôi tâm đắc: giải pháp hôm nay là vấn đề ngày mai, đây cũng là cơ sở để chúng tôi xây dựng chủ đề hành động năm 2013 của DHG là: thay đổi, dấn thân để sánh vai cùng các nước châu Á.

Tạo cho mình sự nặng nợ đối với mọi người

- Theo bà, để có thành công 3 năm qua của DHG, bao nhiêu % là nhờ may mắn?

Tôi không biết tương lai tới sẽ ra sao, nhưng thời gian qua tôi thấy toàn may mắn. 

May mắn đầu tiên của tôi là may mắn về tình người. Tôi được lớn lên trong bối cảnh đất nước có chiến tranh rồi hòa bình, khi bé ở đâu cũng được thương yêu, lớn lên làm việc ở đâu cũng được giúp đỡ, chỉ dạy; khi về DHG được nhân viên thương; cơ quan ban ngành trong tỉnh thương nên ủng hộ...

Từ cái tình người này, mọi người đồng lòng làm việc để có thành công. Ngay như tầm nhìn giá trị cốt lõi của DHG không phải do tôi xây dựng mà là các nhân viên xây dựng nên. Nên tầm nhìn, giá trị cốt lõi của công ty là của nhân viên.

Sinh ra lớn lên trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, để học lên cao tôi phải đi bộ, vượt Trường Sơn ra Bắc học. Tôi may mắn gặp những người giỏi và có thể học hỏi từ họ....

Ngoài ra, tôi được cổ đông thương, khách hàng thương (nên DHG mới có doanh số cao).

Từ những may mắn này, tôi tạo cho mình một sự “nặng nợ” đối với mọi người, cộng đồng. Với tất cả những may mắn đó, tôi chỉ làm một điều duy nhất – trả lại may mắn, trả lại nợ ân tình bằng cách là làm hết lòng, đem hết sức mình, dốc hết suy nghĩ để đưa DHG phát triển đáp lại những tháng năm đã nặng nợ.

- Làm cách nào để thuyết phục/khuyến khích, thu hút nhân tài trong thời đại nhiều người muốn đàm phán lương là trên hết?

Hãy xem nhân viên là thần trong trái tim mình. Tôi quan điểm “mình vì mọi nguời, mọi người vì mình”. Mình sống hết lòng vì họ, cảm nhận được từng giọt mồ hôi nhân viên, mình thương họ không có cách nào mà họ không thương mình. Khi đó, CBCNV thấy mình thức đêm làm việc, lăn vào việc, họ không thể nào không làm việc và mình có thể nói lên được cái mình mong muốn với họ, thuyết phục họ.

Thứ hai, chúng ta phải tạo môi trường cho nhân viên làm việc. Tôi không nghĩ rằng người lao động chỉ đòi lương. Đến lúc nào đó, lương cũng không theo kịp.

Trong những lúc nghèo nhất, tôi cũng không mất nhân viên giỏi, bởi nhân viên nặng nợ/nặng ân tình với DHG. Vì vậy, chúng tôi HĐQT và ban lãnh đạo DHG nợ nhân viên mối ân tình, nhân viên nợ những người xung quanh một mối ân tình. Món nợ này gắn chặt chúng tôi lại, không xa nhau được.

Ứng xử bằng một tình người, tình đồng chí

- Từ kháng chiến đến nhà giáo và trở thành lãnh đạo doanh nghiệp, những trải nghiệm này đã giúp ích gì cho bà trong điều hành doanh nghiệp?

Bài học đầu tiên mà tôi vận dụng từ trong kháng chiến cho đến bây giờ là “lấy dân làm gốc”. Đối với tôi, dân ở đây không chỉ là người tiêu dùng mà còn có cả CBCNV. Gốc của DHG là CBCNV. Vì vậy, tôi luôn muốn lắng nghe nhân viên DHG, xây dựng lòng tin với CBCNV của mình.

Tôi sinh ra trong gia đình làm chính trị, nhưng không theo nghiệp gia đình mình. Khi làm kinh doanh, tôi lấy đúng một bài của các nhà chính trị - “Lấy dân làm gốc”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Tất cả những bài học này, giúp tôi trở thành người sống có bản lĩnh, bản lĩnh không chịu thua, không chịu đầu hàng, nhưng ứng xử bằng một tình người, tình đồng chí.

Ngọc Quỳnh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM