Nữ CEO Oci Fashion: Chưa một lần hối tiếc về quyết định làm thợ may

30/08/2012 09:39 AM | Nhân vật

Cô thợ may ngày xưa nay đã thành bà chủ công ty Oci Fashion.

Rất nhiều khách hàng không khỏi bất ngờ khi gặp lại cô thợ may Tô Thị Kim Loan, chủ một tiệm may nhỏ trên đường Đặng Dung, quận 1. Vẫn là cô Loan của ngày xưa nhưng tiệm may cũ nay đã trở thành công ty hẳn hoi với chuỗi ba cửa hàng khác nhau trên những trục đường ở trung tâm thành phố.

Oci Fashion là thương hiệu Loan gây dựng, sở hữu, với hệ thống bán hàng qua mạng chuyên nghiệp, quản lý bán hàng bằng phần mềm... dù cô thợ may ấy trước đây chẳng có chút kiến thức về công nghệ.

Hơn mười năm với cây kim sợi chỉ, đến tận bây giờ Tô Thị Kim Loan vẫn chưa có một lần hối tiếc về quyết định làm thợ thay vì làm thầy như bạn bè đồng trang lứa.

Học xong chương trình phổ thông trung học, phần vì gia đình không có điều kiện, phần do có sẵn năng khiếu may vá, Loan quyết định rời quê, lên TP.HCM học nghề may rồi mở một cửa hiệu nho nhỏ. Chân thành với khách hàng, lại có nhiều “tài lẻ” như chỉ cần nhìn dáng khách là có thể cắt may chính xác mà không cần đến thước đo, nhất là áo dài, Loan có được lượng khách hàng trung thành khá lớn. 

Mối quan hệ thân tình với khách mang đến cho Loan cơ hội tiếp cận những hợp đồng may đồng phục cho các ngân hàng, hợp đồng gia công cho các thương hiệu lớn. Loan cho biết, lợi nhuận từ những hợp đồng ấy không cao nhưng cũng đủ thắp lên ước mơ trong cô chủ nhỏ. “Tôi bắt đầu nghĩ đến việc lập xưởng may, làm hàng may mặc với dây chuyền chuyên nghiệp thay vì làm thủ công như hiện tại”, Loan kể. 

Loan quyết định mở xưởng ở tỉnh để tận dụng nguồn nhân công rẻ. Tây Ninh là nơi Loan chọn vì không quá xa TP.HCM và người thân ở đó có thể giúp cô quản lý thường trực.Xưởng ra đời tinh tươm với dàn máy hiện đại, 40 công nhân được Loan đào tạo lành nghề... Nhưng thật đáng tiếc, bước ra thương trường khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu lan rộng nên Loan không tránh khỏi nếm trái đắng. 

Cô tâm sự: “Gia công hàng xuất khẩu không dễ ăn như mình tưởng”. Chi phí đầu tư cao, khoản tiền “nuôi quân”... khiến toàn bộ tài sản tích cóp được của cô thợ trẻ gần như tan biến. Không để nỗi thất vọng làm nhụt chí, Loan tìm cơ hội ở thị trường trong nước. 

Vốn liếng còn lại không nhiều,Loan thử độ đón nhận của thị trường bằng thương mại điện tử. Cô kể: “Khách hàng của tôi chủ yếu là nhân viên văn phòng trẻ. Trao đổi với họ tôi mới biết họ thích mua sắm trên mạng để tiết kiệm thời gian”. Tìm tòi mô hình bán hàng trên mạng, thuê người lập web..., Loan bắt tay gây dựng lại sự nghiệp. “Cũng may là chồng tôi rất thích và đã tìm hiểu mô hình kinh doanh này từ lâu nên tôi có được sự hậu thuẫn rất lớn”, Loan chia sẻ. 

Biết vợ đang khó khăn, anh chấp nhận bỏ công việc của mình, giúp vợ quản lý mảng bán hàng qua mạng. Cái tên Oci - viết tắt của ba chữ: Online - Chip - Interested - ra đời từ đó. Sản phẩm phù hợp, giá cả tương đối mềm cộng với phương thức bán hàng hiện đại..., chỉ sau ba năm, Oci nhanh chóng trở nên quen thuộc với nhiều người. 

Và từ những tín hiệu vui này, Loan mạnh dạn mở thêm các cửa hàng trưng bày, vừa để đón khách hàng truyền thống, vừa làm nơi giao dịch. Biết được thế mạnh của công nghệ, Loan không ngần ngại ứng dụng phần mềm quản lý để có thể điều hành việc bán hàng, quản lý việc sản xuất ở xưởng. Loan nhận xét, cái khó nhất trong kinh doanh thời trang tại Việt Nam hiện nay là khâu thiết kế. 

Bởi đội ngũ nhân lực thiết kế chuyên nghiệp thiếu, nên đành phải chấp nhận “học hỏi” các mẫu của nước ngoài rồi điều chỉnh cho phù hợp với người Việt. Nhằm khắc phục nhược điểm này, Loan đang đầu tư cho khâu thiết kế để có thể tạo thế mạnh riêng. Theo nhận định của cô chủ Oci, thị trường may mặc tại Việt Nam vẫn loãng, thương hiệu nước ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ và cơ hội vẫn còn cho doanh nghiệp mới. 

Tuy nhiên, cần phải kiên trì và có chiến lược riêng mới có thể chinh phục được thị trường. Do vậy, thời gian tới, Oci sẽ phải phát triển theo hướng riêng biệt. Cụ thể, Loan vẫn duy trì mô hình kinh doanh thời trang công sở, dạ hội... như hiện tại, nhưng với mảng áo dài, “đặc sản” của Loan, cô sẽ mở chuỗi cửa hàng mới chuyên về sản phẩm này. 

“Áo dài Oci chắc chắn sẽ phát triển chậm hơn những sản phẩm đã có của Oci, bởi áo dài không phổ biến bằng thời trang công sở, nhưng khi đã tạo được uy tín với khách hàng, đây sẽ là mảng sản phẩm chủ lực”, Loan tiết lộ.

Theo Đặng Quý Yên
Doanh nhân Sài Gòn

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM