Những siêu đại gia không ‘giàu’ trên sàn chứng khoán Việt

02/01/2013 08:14 AM | Nhân vật

Họ không có tên trong danh sách người giàu sàn chứng khoán Việt bởi công ty chưa niêm yết hoặc chỉ sở hữu cá nhân rất ít cổ phiếu. Thế nhưng, giới doanh nhân đều biết họ là ai.

Ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan), ông Dương Công Minh (Chủ tịch Tập đoàn Him Lam), "Chúa đảo" Tuần Châu – Đào Hồng Tuyển, bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch SeABank), ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank)… là những doanh nhân nổi tiếng và chủ của những công ty, ngân hàng có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, những siêu đại gia này không có tên trong danh sách người giàu sàn chứng khoán Việt.

Bài 1: Vị chủ tịch lạ lùng của Masan

Ông Nguyễn Đăng Quang không có tên trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán vì chỉ sở hữu cá nhân 10 cổ phiếu Masan đã niêm yết (MSN). Doanh nhân này từng bị nhầm là Việt kiều Nga về nước kinh doanh.

Trước khi dính tin đồn “bị bắt” thời gian gần đây và phải xuất hiện trước công chúng để phủ nhận những thông tin sai lệch, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Masan rất ít xuất hiện trước truyền thông. Là chủ tịch Masan và phó chủ tịch thứ nhất Techcombank cũng như giữ vị trí chủ tịch ở nhiều công ty lớn nhưng người ta khó có thể tìm thấy ông sở hữu cá nhân bao nhiêu tài sản.

Tại Masan, nơi ông Quang là người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT, lượng cổ phiếu cá nhân của doanh nhân này là 10 đơn vị. Tuy nhiên, những người tại công ty đều ngầm hiểu về quyền lực của “cổ đông nhỏ” nắm giữ cá nhân 10 cổ phiếu MSN.

Những phát ngôn ‘lẩm cẩm’

Tháng 11/2009, trong bài phát biểu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM khi MSN chính thức niêm yết, Chủ tịch của Masan có những tuyên bố “không giống ai” tại một buổi lễ vốn chỉ dành cho phát biểu xã giao. Hôm đó, ông Quang nói về niềm tin mãnh liệt vào giá trị Việt Nam ở Masan và “tin rằng Người Việt Nam có thể chiến thắng, những người luôn nói ‘Được’ và ‘Tìm cách để biến điều đó thành sự thực’, những người luôn yêu quý và tự hào vì Tổ quốc mình và luôn sẵn sàng làm tất cả để vinh danh Việt Nam".

Những người làm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh thường có những phát ngôn mang tính thực dụng cao, với những lợi ích, mục tiêu “sát sườn”. Cũng vì thế, ông chủ của một công ty hàng tiêu dùng nhanh lớn lại có những phát biểu như trên là một điều lạ lùng

Tuy nhiên, với những người đã làm việc nhiều với ông Quang thì phát ngôn kiểu đó không lạ. Một cựu lãnh đạo cấp cao của Techcombank (nơi ông Quang đang là phó chủ tịch thứ nhất HĐQT) tiết lộ: “Tại không ít cuộc họp, những phát biểu của anh Quang thường khá trừu tượng, mang tính triết học, chắc chỉ có cấp cao nhất là hiểu ý anh ấy. Bản thân tôi đôi khi cũng không hiểu lắm, nhưng mấy anh khác thì lại gật gù”.

Vị lãnh đạo từng làm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh này nhận xét, là chủ tịch của một công ty hàng tiêu dùng nhanh và phó chủ tịch thứ nhất của Techcombank, những triết lý của ông Quang “có vẻ hơi lẩm cẩm trong cái thế giới đầy thực dụng này”.

Thế nhưng, một chủ ngân hàng vốn ngang tàng, quen biết ông Quang lâu năm lại nhận xét: “Chính cái triết lý ‘lẩm cẩm’ mà anh Quang hay phát biểu là một yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Masan”. Ông này cho biết thêm, có ít nhất 2 đại gia tiếng tăm trong giới chứng khoán, ngân hàng đã học theo những “phát ngôn lẩm cẩm” này và thành công lớn. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Quang cũng thừa nhận mình “hơi dị”.

Giá trị Việt Nam

Là Tiến sĩ Vật lý, ông Quang cho rằng mình không giống nhà kinh doanh mà là một người đi tìm kiếm và tạo dựng các giá trị. Trong số những điều ông chủ Masan coi là phát hiện, giá trị Việt Nam là cái mà ông rất tâm đắc.

Theo đánh giá của người sáng lập Masan, Việt Nam không đơn thuần là một đất nước với GDP là 100 tỷ USD. “Nếu nhìn đây là một thị trường 85 triệu người với rất nhiều nhu cầu chưa được thỏa mãn thì người ta sẽ thấy đây là một mỏ vàng cực lớn chưa được khai thác. Chỉ cần biết kích vào đúng chỗ, các bạn sẽ có những phần thưởng xứng đáng”, doanh nhân này chia sẻ.

Trước khi phát hiện ra giá trị Việt Nam, ông Quang và những cộng sự của mình cũng nhận ra điều tương tự khi xuất khẩu mì ăn liền sang Nga nhiều năm trước đây. Trong khi những công ty khác nhắm vào cộng đồng hơn 200.000 người Việt tại đây, ông Quang nghĩ: "Tại sao lại chỉ sản xuất mì ăn liền cho cộng đồng 200.000 người Việt mà bỏ quên đi một thị trường 150 triệu người Nga còn chưa khai thác?".

Ông Quang là một doanh nhân có tinh thần dân tộc cao.

Nhờ góc nhìn khác biệt, ông Quang và các cộng sự của mình đã tấn công vào thị trường mì ăn liền và sau đó là tương ớt dành cho người Nga (những người chưa quen ăn mì, tương ớt) chứ không chỉ nhắm vào thị trường người Việt đang sinh sống tại đây. Thời đỉnh cao, doanh số xuất khẩu của Masan sang thị trường Nga đạt trên 100 triệu USD/năm – mức mà trước đó không một công ty nào mơ tới khi nghĩ về thị trường chỉ có 200.000 người Việt sinh sống.

Trao đổi với phóng viên, ông Quang chia sẻ: “Câu chuyện ở thị trường Nga cũng như Việt Nam sau này giống một câu chuyện kinh doanh mà người ta thường hay kể cho nhau nghe về nhu cầu. Hai người cùng được cử đi tìm hiểu thị trường giày da ở một nước châu Phi rất lạc hậu. Một người đi về với báo cáo rất thất vọng: Không có cơ hội nào, cả bởi người dân ở đó không quen đi giầy. Người thứ hai thì hồ hởi: Đó là một thị trường khổng lồ, tất cả mọi người đều có 2 chân và chưa ai bán được một đôi giày nào cho họ cả. Chúng tôi là những người nhìn theo kiểu thứ hai".

Ông Quang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu Masan?

Theo cáo bạch của Masan Group, ông Quang chỉ sở hữu 10 cổ phiếu MSN (công ty cổ phần tập đoàn Masan). Tuy nhiên, ông này lại là cổ đông lớn nhất, sở hữu trực tiếp 46% cổ phần của công ty cổ phần Masan (công ty mẹ của MSN) và gián tiếp nắm giữ 51% cổ phần của MSN. Giá trị vốn hóa của MSN cuối năm 2012 khoảng 3 tỷ USD (hơn 70.000 tỷ đồng).

Tại nhóm công ty Masan, ông Quang giữ các chức vụ sau: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Masan; Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group – MSN); Chủ tịch HĐQT Masan Consumer; Phó Chủ tịch thứ nhất Techcombank, Chủ tịch công ty TNHH Masan (US) LLC. Bên cạnh đó, ông này còn là Chủ tịch công ty Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo và Thành viên HĐQT Vinacafe Biên Hòa…

Vợ ông Quang - bà Nguyễn Hoàng Yến sở hữu 21,78 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 3,17% cổ phần của Masan Group.

Kỳ sau: Trở về Việt Nam tạo dựng công ty tỷ đô

Theo Hoàng Ly
Zing/Infonet

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM