Những quý bà Nobel làm thay đổi cả thế giới

08/02/2016 15:57 PM | Nhân vật

Trong lịch sử giải thưởng Nobel, nhiều người phụ nữ đoạt giải đã có những thành tựu cực kỳ quan trọng và làm thay đổi cả thế giới.

Xuyên suốt lịch sử, các thành tựu nghệ thuật và khoa học của nam giới luôn được cộng đồng hưởng ứng và vinh danh. Tuy nhiên, đối với những người phụ nữ với tư cách là bác sĩ, kỹ sư, nhà văn hay nhà khoa học, họ phải đấu tranh trong cuộc chiến không ngừng nghỉ để được công nhận trong những ngành công nghiệp mà đàn ông chiếm ưu thế này.


Từ trái qua: Tawakel Karman, Leymah Gbowee và Ellen Johnson Sirleaf chia sẻ giải Nobel Hòa bình năm 2011.

Từ trái qua: Tawakel Karman, Leymah Gbowee và Ellen Johnson Sirleaf chia sẻ giải Nobel Hòa bình năm 2011.

Bắt đầu từ sự kiện nhà khoa học Marie Curie trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel năm 1903, đã có nhiều phụ nữ được thế giới công nhận và những đóng góp của họ đã được đền bù xứng đáng bằng giải thưởng cũng như tầm ảnh hưởng lan rộng ra toàn cầu.

Đồ U U

Nhà nghiên cứu y học và y hóa Trung Quốc, Đồ U U, đã nói: “Hơn hai năm thực tập đã dẫn tôi đến một kho báu tuyệt vời của ngành dược Trung Quốc cũng như vẻ đẹp triết học bên trong con người và vũ trụ”.

Nhà nghiên cứu y học và y hóa Trung Quốc, Đồ U U
Nhà nghiên cứu y học và y hóa Trung Quốc, Đồ U U

Giành giải Nobel y học mà không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo y khoa hay bác sĩ nào tưởng như là một điều không thể nhưng đối với người phụ nữ Trung Quốc 85 tuổi này thì điều đó đã trở thành sự thật. Bệnh sốt rét không chỉ xuất hiện trong các cuộc chiến tranh từ xưa mà còn là mối nguy hiểm cho những người dân sống ở khu vực rừng nhiệt đối ở phía Đông Trung Quốc. Tình hình càng khó khăn hơn do các lệnh cấm thử nghiệm thuốc Tây, vì vậy sử dụng các phương thuốc truyền thống của Trung Quốc là giải pháp duy nhất.

Bà Đồ U U khi đó là một nhà nghiên cứu của Học viện Y học cổ truyền Bắc Kinh, được chính cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đề nghị tìm một biện pháp chữa trị vi lượng đồng cân cho căn bệnh sốt rét, một nhiệm vụ mà không ít các nhà khoa học trước đó đã thất bại. Sau khi nghiên cứu hơn 500 tài liệu cổ, bà đã chiết xuất được thanh hao tố (artemisinin) từ cây thanh hao hoa vàng phục vụ việc chữa trị sốt rét. Việc phát hiện artemisinin và sử dụng hợp chất này để chữa trị sốt rét được coi là một thành tựu mang tính đột phá của ngành y học nhiệt đới trong thế kỷ 20 và giúp nâng cao chất lượng sức khỏe cho hàng triệu người sống ở các quốc gia đang phát triển ở Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Dù có được thành tựu vượt bậc như vậy nhưng bà vẫn chưa được chú ý nhiều cho đến năm 2011, khi bà nhận được giải thưởng danh giá về Nghiên cứu Y học Lâm sàng Lasker-DeBakey. Khi nhận giải thưởng, bà Đồ chỉ nói đơn giản rằng: “Tôi đã quá già để nhận giải thưởng này”. Và trong năm 2015 vừa qua, bà đã trở thành người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên nhận giải Nobel Sinh lý học và Y khoa.

Christiane Nüsslein-Volhard

“Tôi ngay lập tức bị mê hoặc khi làm việc với loài ruồi. Chúng khiến tôi thấy thích thú và theo tôi trong những giấc mơ của mình”, bà Christiane Nüsslein-Volhard, nhà khoa học người Đức nói.

Các nhà khoa học hiện đại thường cảm thấy khó hiểu về sự hình thành của các bào thai trong kén. Từ khái niệm về sinh sản, họ đã có thêm những kiến thức về loài người từ thuở sơ khai, tất cả đều là nhờ bà Christiane Nüsslein-Volhard.

Christiane Nüsslein-Volhard, nhà khoa học người Đức.
Christiane Nüsslein-Volhard, nhà khoa học người Đức.

Trong phòng thí nghiệm, Christiane Nüsslein nghiên cứu về các cơ cấu phân tử của phôi thai ruồi giấm, cũng như tiếp tục khám phá loài cá như hình mẫu cho việc nghiên cứu những đặc điểm cụ thể của xương sống. Christiane Nüsslein hy vọng sự kết hợp của nhiều nghiên cứu và hệ thống trong một phòng thí nghiệm có thể cung cấp cơ sở cho việc hiểu biết rộng hơn về sự phát triển phức tạp của đời sống động vật và con người.

Sau khi giành được nhiều giải thưởng và đánh giá công nhận, năm 1995, bà đã được trao tặng giải thưởng Nobel cho những khám phá về di truyền trong giai đoạn phát triển ban đầu của phôi thai cùng với hai nhà khoa học khác là Eric Wieschaus và Edward Lewis.

Christiane Nüsslein-Volhard không nghĩ rằng nghiên cứu này lại thành công đến thế và những phát minh, tìm tòi của bà lại thích hợp với y học. Những nguyên tắc cơ bản của Bà có được từ nghiên cứu ruồi giấm cũng có thể áp dụng được với những động vật có xương sống, trong đó có cả con người. Những phát minh, cống hiến to lớn của Bà đã thật sự đã mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ cho khoa học nói chung và con người nói riêng.

Toni Morrison

Nữ nhà văn da màu người Mỹ từng nói: “Khả năng của các nhà văn là tưởng tượng những gì ngoài bản thân họ, làm thân thuộc những gì xa lạ và làm những thứ quen thuộc trở nên bí ẩn. Đó là thử nghiệm cho sức mạnh của họ”.

Nữ nhà văn da màu người Mỹ, Toni Morrison.
Nữ nhà văn da màu người Mỹ, Toni Morrison.

Toni Morrison là một trong những nhân vật đáng chú ý nhất trong làng văn học hiện đại Mỹ. Sáng tác của bà thường thể hiện cuộc chiến của những người phụ nữ da màu trong một xã hội mà người da trắng và đàn ông được coi trọng hơn. Các tiểu thuyết như “The Bluest Eye”, “Sula”, và “Beloved” đã trở thành những tác phẩm kinh điển. Đặc biệt là “Beloved” đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và được New York Times bình chọn là một trong những tiểu thuyết hay nhất của Mỹ trong 25 năm qua.

Sau khi giành được nhiều giải thưởng, bao gồm giải của giới phê bình sách toàn quốc và giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu trong những năm 1970-1980, bà Morrison còn nhận được giải Nobel Văn học năm 1993. Lời giới thiệu về bà có đoạn viết: “Toni Morrison với những tiểu thuyết diễn tả cái nhìn vừa ảo diệu, vừa nên thơ nhưng lại phản ánh một khía cạnh rất chân thực của cuộc sống nước Mỹ”.

Nelly Sachs

“Những người đến từ Trái Đất nhưng có tâm hồn lên tới mặt trăng và các hành tinh thiên đường khác, sẽ bay cao bay xa”, nhà thơ người Đức Nelly Sachs nói.

Nhà thơ người Đức Nelly Sachs.
Nhà thơ người Đức Nelly Sachs.

Sự khốc liệt, tàn bạo của Thế chiến II đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà thơ và những người sống sót cầm bút và chia sẻ câu chuyện của họ cho cả thế giới. Đối với Nelly Sachs, nữ nhà thơ người Đức gốc Do Thái, cảm hứng của bà đến sau khi bà phải rời khỏi quê hương để tới Thụy Điển nhằm trốn khỏi chế độ phát xít, một tuần trước khi bà bị bắt vào trại tập trung. Các bài thơ và vở kịch của Nelly Sachs ghi lại những bi kịch và chịu đựng của người Đức gốc Do Thái một cách dữ dội nhưng đầy chất thơ.

Mặc dù bà viết một cách kiên định nhưng những vết thương mà bà phải trải qua trong thời kỳ phát xít đã ám ảnh bà một thời gian dài về sau. Nelly từng phải trải qua thời gian điều trị trong viện tâm thần và vẫn tiếp tục viết khi ở đó. Đến những năm 1960, các tác phẩm của bà được phổ biến rộng rãi, kể cả ở Đức và một giải thưởng văn học mang tên bà đã ra đời. Năm 1966, Nelly giành giải Nobel văn học với tuyên bố: “Tôi đại diện cho tấn bi kịch của người Do Thái”.

Tawakkol Karman

Nữ chính trị gia người Yemen khẳng định: “Giải pháp cho các vấn đề phụ nữ chỉ có thể đạt được trong một xã hội dân chủ và tự do, nơi năng lượng của con người được giải phóng, năng lượng của cả phụ nữ và nam giới. Nền văn minh của chúng ta được gọi là văn minh con người và điều đó có nghĩa là nó phải phân phối đều cho cả đàn ông và phụ nữ”.

Nữ chính trị gia người Yemen Tawakkol Karman.
Nữ chính trị gia người Yemen Tawakkol Karman.

Với những đặc trưng tôn giáo, văn hóa và thể chế chính trị ở đất nước mình, những tuyên ngôn giới tính của Tawakkol Karman thể hiện sự dũng cảm phi thường của bà, một điều được xem là cực kỳ hiếm, kể cả trong số những người đoạt giải Nobel. Lớn lên trong một xã hội nội chiến ở Yemen, Karman phải chứng kiến sự bất công đối với những người dân thường nhưng đó lại là nguồn sức mạnh dẫn bà đến một cuộc sống đầy can đảm và tình thương.

Bên cạnh việc trở thành một nhà báo và báo cáo về hơn 50 trường hợp bỏ tù phi pháp các tác giả, nhà văn, năm 2005, Karman đã thành lập một tổ chức đặc biệt giúp đỡ các nữ nhà báo có năng lực với tên gọi “Những nữ nhà báo không xiềng xích”. Sau khi Karman và nhóm bắt đầu xuất bản các tài liệu chỉ trích chính phủ Yemen hiện thời, bà đã phải nhận nhiều lời đe dọa tính mạng nhưng Karman vẫn rất mạnh mẽ.

Khi phong trào biểu tình chống chính phủ lan rộng giữa cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập năm 2011, Karman trở thành gương mặt công chúng của cuộc nổi dậy ở Yemen và được gọi là “Mẹ của Cách mạng”. Tháng 12/2011, Tawakkol Karman được trao giải Nobel Hòa bình và khi đó trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải thưởng này.

Leymah Gbowee

Nhà hoạt động hòa bình người Liberia, Leymah Gbowee từng nói: “Có một số thứ trên thế giới này mà mọi cá nhân đều có thể làm được. Chúa Trời đã tạo ra chúng ta vì mỗi người đều có một lĩnh vực độc nhất để cống hiến”.

Trong cuộc nội chiến thứ hai của Liberia năm 2003, bà Leymah Gbowee đã làm thay đổi số phận của đất nước mình khi kêu gọi những người phụ nữ thuộc mọi tôn giáo đoàn kết và cùng đứng lên vì hòa bình. Bà cho rằng mọi người đều có sức mạnh để đoàn kết các nhóm tôn giáo bị chia cách trong khu vực thành một phong trào hòa bình đáng kể.

Nhà hoạt động hòa bình người Liberia, Leymah Gbowee
Nhà hoạt động hòa bình người Liberia, Leymah Gbowee

Xuất thân là một nhân viên xã hội, chuyên giúp đỡ con cái của binh lính, bà Gbowee là người đứng đầu tổ chức Phụ nữ Liberia hành động vì hòa bình, thu hút hàng nghìn phụ nữ biểu tình chống lại sự chuyên chế của Tổng thống Charles Taylor. Ngày này qua ngày khác, bà dẫn đầu hàng nghìn phụ nữ biểu tình không bạo lực. Những người tham gia còn sẵn sàng tạo thành hàng rào chắn để chính quyền không thể bắt bà Gbowee.

Vào ngày 23/4/2003, Tổng thống Taylor cho phép những người phụ nữ tham gia biểu tình gặp riêng và bà Gbowee đã được chọn làm đại diện. Bà đứng trước Tổng thống và nói: “Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì chiến tranh, chúng tôi mệt mỏi vì phải chạy trốn. Chúng tôi mệt mỏi vì phải cầu xin thực phẩm, chúng tôi đau lòng khi những đứa trẻ bị hãm hiếp. Chúng tôi giờ đứng ở đây để đảm bảo tương lai cho con cái bởi chúng tôi tin rằng với tư cách là người canh giữ xã hội này, khi lớn lên những đứa trẻ sẽ hỏi: “Mẹ à, vai trò của mẹ trong cuộc khủng hoảng này là gì?”.

Đến tháng 8 năm đó, cuộc nội chiến kết thúc, ông Taylor từ chức và Liberia đã có được hòa bình lần đầu tiên sau 14 năm. Chỉ hai năm sau, Liberia bầu Ellen Johnson Sirleaf làm nữ Tổng thống đầu tiên ở một quốc gia châu Phi, người cũng từng tham gia phong trào của bà Gbowee. Đến năm 2011, bà Gbowee và Sirleaf cùng được trao giải Nobel Hòa bình.

Nội dung được tham khảo từ nguồn tin All-that-is-interesting.com, một trang web chuyên tập hợp những bài viết, bộ sưu tập ảnh, video các sự kiện thú vị và đáng chú ý trên toàn thế giới.

Theo Tuệ Minh

Cùng chuyên mục
XEM