Những chuyện đặc biệt về cựu CEO mới bị bắt của ACB

24/08/2012 09:56 AM | Nhân vật

Lý Xuân Hải quan niệm, để lòng tham không thành quá độ thì phải biết sợ. Ông cắt nghĩa, sợ tức là “tránh xa những điều không đúng pháp luật, trái thông lệ và vi phạm đạo đức kinh doanh”.


Hai năm được bình chọn là lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam nhưng ông Lý Xuân Hải - CEO mới từ nhiệm của ACB, không nhận mình là một doanh nhân thành đạt.

Sinh năm 1965 tại Hà Nội, ông Lý Xuân Hải đã có 16 năm làm việc tại ACB. Từ 1996 đến 2002, ông Hải lần lượt đảm trách các vị trí Phó giám đốc và Giám đốc ACB chi nhánh Hải Phòng sau đó là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) trong 3 năm, từ 2002 đến 2005. 

Trong vòng 1 năm từ 2004 đến 2005, ông đảm nhiệm vai trò Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính sau đó chuyển lên làm Tổng giám đốc ACB vào tháng 6/2005. Từ 2008 đến nay, ông Hải là thành viên trong Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.

Trả lời phỏng vấn về cách chiến thắng lòng tham và sự sợ hãi cũng như cách giữ mình “sạch sẽ” trong hoạt động ngân hàng, Lý Xuân Hải quan niệm, để lòng tham không thành quá độ thì phải biết sợ. Ông cắt nghĩa, sợ tức là “tránh xa những điều không đúng pháp luật, trái thông lệ và vi phạm đạo đức kinh doanh”.

Ngoài ra, ông có triết lý sống “để chiến thắng sự sợ hãi phải biết tham lam một cách hợp lý tức luôn giữ sự khách quan, vận dụng trí tuệ trong tiếp nhận và xử lý thông tin để tận dụng các cơ hội thường rất ngắn hạn trong khó khăn”. Theo ông, khi là thành viên của ACB, tính hệ thống, giá trị cốt lõi của nhà băng này khiến cho những người lãnh đạo “luôn làm đúng, kiểm soát được lòng tham để từ chối những đồng tiền không sạch sẽ, không minh bạch”.

Nhiều người đánh giá, Lý Xuân Hải là một người đầy cảm xúc và cho rằng, trong ngành kinh doanh ngân hàng rủi ro cần “cái đầu lạnh”, thì điều này là điểm yếu. Song CEO ACB chia sẻ, quan điểm “cái đầu lạnh” dường như đang bị nâng lên. 

Ông cho rằng, muốn tránh vấp ngã, mỗi người cần có quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin hiệu quả. Hiện nay, Internet và truyền thông phát triển nên việc tiếp nhận thông tin là như nhau, quan trọng là việc tư duy logic, loại thông tin nhiễu, tìm thấy sự đơn giản trong mớ phức tạp, cơ hội trong thách thức.“Nếu ai thấy tôi đầy cảm xúc, thì trước hết là bởi ACB là một tổ chức đầy cảm xúc”, ông Hải bày tỏ.

Tại ACB, mối liên quan giữa Lý Xuân Hải với Nguyễn Đức Kiên có lẽ bắt đầu từ khi CEO này gia nhập và cùng tham gia điều hành ngân hàng. Khi đó, bầu Kiên đang là Phó chủ tịch HĐQT và đảm đương nhiều vị trí cốt cán tại các lĩnh vực đa ngành như dệt may, du lịch, xây dựng, thể thao…
 
Đến lúc ông Hải được bổ nhiệm Tổng giám đốc, Nguyễn Đức Kiên vẫn đang “ngồi ghế” Phó chủ tịch HĐQT và sau đó là Phó chủ tịch hội đồng sáng lập.

Dù thế, không ai có thể trả lời tường tận giữa CEO ACB Lý Xuân Hải và người được mệnh danh là “Kiên đầu bạc”, “ông trùm tài chính” có quan hệ như thế nào. Chỉ biết, từ trước đến nay, vị CEO 47 tuổi của ACB, khi nhắc về những thành viên HĐQT, trong đó có Nguyễn Đức Kiên, đều thể hiện sự tôn trọng và có phần kiêng nể. 

Trong giai phẩm ACB Xuân Kỷ Sửu 2009, ông Hải chia sẻ: “Nguyễn Đức Kiên là một con người đầy tham vọng, thổi vào ACB những tham vọng tưởng chừng không thể đạt được và sự quyết liệt trong việc thực hiện tham vọng ấy”.

Nhận xét những người đứng đầu ACB “có bản lĩnh”, ông Hải cho rằng, tại ngân hàng này, các thành viên HĐQT như Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Nguyễn Đức Kiên đều là “những con người có cá tính, xương sống tạo nên sự thành công của ngân hàng, giúp ACB không ‘dính’ một sự cố nào kể từ khi thành lập, tạo nên văn hóa và cá tính của ACB”.

Năm 2008, khi thị trường tài chính Việt Nam trả qua một cơn "bão thanh khoản", ông Lý Xuân Hải bị nhiều lãnh đạo ngân hàng khác chỉ trích bởi việc cho vay "nóng" với lãi suất gần 40%/năm nhưng yêu cầu họ phải đến ACB để kiểm đếm và mang tiền về. Vào thời điểm đó, tổng giám đốc một ngân hàng khá lớn có trụ sở tại TP HCM nhiều lần chỉ trích ông Hải công khai tại các diễn đàn về việc "bắt chẹt" các nhà băng khác khi họ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều lãnh đạo ngân hàng khác nhận định, đó là một cơ hội làm ăn và cần tận dụng. Giải thích về chuyện yêu cầu ngân hàng khác đến kiểm đếm và mang tiền về khi vay ACB, ông Hải cho biết, do ngân hàng không còn đủ nhân lực và máy đếm tiền. "Tôi nói với họ là ACB thiếu nguồn lực kiểm đếm, máy móc do nhu cầu tăng đột biến, nếu họ cần khẩn thì hỗ trợ nhân lực và máy móc chứ không phải chúng tôi bắt chẹt", ông Hải giải thích.

Về danh hiệu cá nhân, ông Lý Xuân Hải đã 2 lần được "The Asian Banker" bình chọn là "Lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" năm 2007 và 2010. Với giới tài chính, ông Hải cũng được nhiều người đánh giá cao về độ nhạy bén, quyết đoán và là một diễn giả giỏi. Khi trả lời phỏng vấn các nhà báo, ông Hải thường đưa ra các nhận xét thẳng thắn và góc cạnh về những vấn đề diễn ra trên thị trường tài chính.

Tuy nhiên, khi nói về vai trò tại ACB, ông Hải cho biết, mình chỉ là một phần của “cỗ máy”. CEO ACB chia sẻ: “Tôi may mắn được đặt vào chỗ ngồi này để đóng vai trò của người cầm gậy chạy đầu một cuộc chạy tiếp sức, được thừa hưởng rất nhiều thành quả của những người đi trước và các cộng sự”. Ông nhận xét, vai trò cá nhân của mình cũng như bao con người khác tại ACB: Vai đã được phân và “diễn viên” phải đóng tốt, cố gắng thực hiện tốt chức năng của mình trong “cỗ máy”.

Một điểm đặc biệt là ông Hải không nhận mình là một doanh nhân thành đạt. Một người bạn của vị tổng giám đốc này chia sẻ: "Anh Hải từng ly hôn và cảm thấy đó là một thất bại lớn trong đời mình. Với anh ấy, một doanh nhân thành đạt thì không nên gặp chuyện gia đình như vậy".

Khi nhận được tin ông Lý Xuân Hải bị cơ quan điều tra "mời lên", lãnh đạo cấp cao của một nhà băng tại TP.HCM thở dài nói: "Hải là một người có tài, cẩn trọng và làm việc có nguyên tắc. Nhưng xét cho cùng, Hải vẫn chỉ là người làm thuê và một số chuyện cũng không thể tự quyết được. Mà nói chung, làm tổng giám đốc ngân hàng bây giờ nguy hiểm quá".

Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965, là người Hà Nội hiện sinh sống và làm việc tại TP HCM. Ông Hải bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Á Châu từ năm 1996 và đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc từ năm 2005.

Ông Hải là Thạc sĩ kinh tế Đại học Paris Dauphine (Pháp), Tiến sĩ Toán-Lý Đại học Tổng hợp quốc gia Belarus (Belarus).








Theo LAN ANH - HOÀNG LY
Zing/Infonet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM