Nhà thiết kế Li Lam: "Đam mê không phải là một cuộc dạo chơi"

20/09/2014 17:05 PM | Nhân vật

Bà Li Lam – Nhà sáng lập thương hiệu thời trang Lam - đã không còn là một cái tên xa lạ trong làng thời trang Việt Nam. Dù khởi nghiệp như một nhà thiết kế nghiệp dư nhưng chị đã may mắn có được sự đón nhận của công chúng ngay từ những ngày đầu.

Đó là một phụ nữ tôn thờ cái đẹp, có một chút phù phiếm, một chút tự mãn của một người biết mình đẹp và biết cách làm đẹp. Trái ngược với vẻ ngoài bình thản, Li Lam làm việc không biết mệt mỏi. Rất bận rộn khi đang phải chuẩn bị cho ngày khai trương của flagship mới mà chị gọi là “cửa hàng mơ ước” đã từ lâu, chị vẫn vui vẻ chuyện trò với chúng tôi.

* Chị có thể chia sẻ một chút về cái duyên của mình với thời trang?

- Tôi cũng không nhớ mình đã bén duyên với thời trang từ khi nào, chỉ nhớ là từ khi còn rất nhỏ đã thích làm đẹp và yêu quý tất cả những thứ gì liên quan đến cái đẹp. Lúc đó, tôi hơi cực đoan một chút, cứ thấy cái gì xấu là lại bực mình.

Đối với tôi, cái đẹp không chỉ là những bộ trang phục mà chúng ta khoác lên người, mà còn thể hiện ở lời nói, cử chỉ, vẻ đẹp tâm hồn và nét duyên dáng toát ra từ người phụ nữ. Bẵng đi một thời gian, cuộc sống cuốn tôi theo với nhiều mối bận tâm khác ngoài thời trang và cái đẹp.

Sinh ra ở quê nhưng cả thời niên thiếu tôi luôn muốn được nhìn thấy những chân trời khác, vì vậy sau đó tôi rời quê lên Sài Gòn, đi học rồi đi làm như bao người nhưng luôn tự đặt cho mình những câu hỏi “Mình đang làm những điều này để làm gì?”, “Liệu mình có đang hạnh phúc không?”.

Bước ngoặt cuộc đời đến khi tôi sinh con. Có thời gian ở nhà, nhàn rỗi thì sinh ra suy nghĩ nhiều về cuộc sống. Nhận ra rằng mình không còn lựa chọn nào khác là phải sống thật với con người mình và phải theo đuổi đam mê đến cùng, lúc đầu tôi chỉ mở tiệm may ở nhà, sau đó mới có cửa hàng. Từng bước, từng bước, đến hôm nay tôi đã năm năm chính thức gắn bó với thời trang và chưa bao giờ cảm thấy hối hận.

* Chưa qua trường lớp đào tạo bài bản, hẳn chị đã gặp phải không ít khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu Lam Boutique. Chị đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Tôi còn nhớ đã tẩn mẩn chọn từng mẫu vải, từng chiếc cúc, cọng chỉ trong những ngày đầu tiên bắt đầu công việc thiết kế. Giai đoạn đầu quả là có nhiều khó khăn. Tôi phải cố gắng diễn đạt được đúng ý mình, còn những người thợ may của tôi thì không tài nào hiểu được tại sao tôi lại khó tính, kỳ quặc và có nhiều yêu cầu khắt khe như vậy.

Tôi luôn thấy ý đồ thiết kế của mình là đúng, nhưng tính cầu toàn làm cho mình mệt mỏi. Nhưng chính sự cầu toàn đã dần tạo ra phong cách riêng Li Lam và đó cũng là lý do để các khách hàng tin yêu mình.

Để thuyết phục các khách hàng, tôi dựa một phần không nhỏ vào tinh ý và trực giác của người phụ nữ. Tôi quan sát các khách hàng của mình từ trước, đoán được rằng sẽ có một ngày người khách ấy sẽ tìm đến tôi vì cần một bộ đồ đẹp để dự các buổi họp quan trọng. Thế là tôi chuẩn bị trước cho dự đoán đó của mình. Quả thật, khách hàng đã tìm đến tôi và tất cả những gì tôi phải làm là mang ra các thiết kế đã chuẩn bị trước.

* Không chỉ sắp khai trương một flagship mới, chị còn đang muốn mở rộng thương hiệu của mình theo hướng chuyên nghiệp hơn. Chị có thể chia sẻ thêm về kế hoạch ấy?

- Sau hai năm đầu suôn sẻ với Lam Boutique, tôi cảm thấy mình có thể làm được nhiều hơn nữa, làm mọi thứ trong thế giới thời trang. Tôi mất khá nhiều thời gian cho sự ra đời của flagship mới, mà vất vả nhất là việc tìm kiếm mặt bằng. Tôi muốn mặt bằng phải thể hiện được đẳng cấp mà tôi đang xây dựng cho thương hiệu của mình.

Bên cạnh đó, tôi còn thực hiện các bước chuyên nghiệp hóa trong kinh doanh với mong muốn biến niềm đam mê thời trang của mình thành một mô hình kinh doanh có hệ thống. Tất nhiên, tôi cũng nỗ lực xây dựng một đội ngũ cộng sự để cùng mình xây dựng và phát triển thương hiệu Lam. Ngoài việc duy trì dòng thời trang cao cấp, tôi tập trung vào hai mảng mới là Lam by Lam dành cho giới trẻ và Lam Ready-to-wear mang tính ứng dụng cao.

* Là một người phụ nữ đẹp đã gặt hái thành công và chỗ đứng nhất định, vậy sao chị không tạm dừng lại để tận hưởng những điều mình đang có mà lại chọn con đường gai góc như vậy?

- (Cười) Tôi đã nghiệm ra một điều về bản thân là khi vượt qua được những khó khăn thì cảm thấy vui hơn và thấy đời có ý nghĩa hơn. Nếu dễ dàng thỏa mãn với những cái mình đang có thì có lẽ tôi khó có được ngày hôm nay.

Tôi muốn được làm đẹp cho những người xung quanh nhiều hơn và mang những ý tưởng cũng như văn hóa thời trang lan tỏa rộng hơn ra cộng đồng. Tôi tin một mô hình kinh doanh có hệ thống sẽ là phương tiện giúp mình làm được điều đó vì chẳng lẽở những nước phát triển người ta làm được thì cớ sao mình không làm được.

Tôi nghĩ việc gì cũng vậy, có chuyên nghiệp hơn thì mới đạt hiệu quả cao hơn. Sáng tạo phải chạm đến được khách hàng, hiệu quả và lợi nhuận vẫn là tiêu chí đầu tiên đánh giá độ thành công của một mô hình kinh doanh. Tôi mong muốn mình được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn và tôi đang làm việc cũng như nỗ lực hết mình cũng vì mong muốn đó.

* Chị có nghĩ khi quá sa đà vào con đường kinh doanh thì cảm hứng sáng tạo bị ảnh hưởng ít nhiều? Làm thế nào để chị cân bằng giữa Li Lam – nhà thiết kế và Li Lam – doanh nhân?

- Tôi là con người của những mảng màu đối lập. Tôi thích gặp gỡ khách hàng bạn bè nhưng nhiều lúc lại muốn ngồi tĩnh lặng một mình, nghe một bản nhạc hay đọc một cuốn sách. Có những lúc tôi lao vào sáng tạo không cần biết đến thời gian, nhưng cũng có những lúc tôi có nhu cầu phải suy nghĩ chiến lược và thảo luận cùng các cộng sự của mình để giữ đầu óc sắc bén.

Những mảng màu đối lập của tôi không khử nhau, mà cộng hưởng với nhau. Khi kiệt sức ở trạng thái này, tôi sẽ lập tức chuyển ngay sang trạng thái khác để “sạc” lại năng lượng. Nói Li Lam – nhà thiết kế hay Li Lam – doanh nhân thì cũng là bản thân tôi mà thôi.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Theo Nhật Hà

Từ khóa:  li lam
Cùng chuyên mục
XEM