Nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng - người tận tâm với nông dân

01/08/2015 08:22 AM | Nhân vật

Đam mê tìm tòi sáng tạo, cậu bé Phạm Hoàng Thắng ngay từ thuở nhỏ đã biết chế tạo những món đồ chơi cho các em…Khi lớn lên, mặc cho gia đình không đồng ý với việc sáng chế máy nông nghiệp nhưng Phạm Hoàng Thắng vẫn miệt mài với những hoài bão ấy.

Để rồi một ngày, anh đã thành công với 3 dòng sản phẩm máy nông nghiệp bất hủ được người nông Việt Nam biết đến và vô cùng ưa chuộng là: Máy gieo hạt theo hàng, Xe phun xịt dung dịch và Máy gặt đập lúa liên hợp.

Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Nhà sáng chế nông cụ họ Phạm xung quanh những vấn đề liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp…

Thưa ông, sinh ra trong một gia đình nhà nông và khởi đầu từ một Công ty sản xuất đồ nhựa, nhưng cơ duyên nào đưa ông đến với máy móc công nông?

Nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng: Tôi sinh ra trong gia đình nông dân nên từ nhỏ tôi đã phụ giúp gia đình trong việc đồng áng, do đó tôi hiểu được những cái khó nhọc của người nông dân trong các khâu canh tác lúa.

Từ đó, tôi có những suy nghĩ phải làm thế nào để chế tạo ra những máy móc thiết bị hỗ trợ cho người nông dân trong quá trình canh tác lúa, giúp người nông dân giảm bớt những nhọc nhằn, khó khăn trong công việc đồng áng. Nhưng do lúc nhỏ tôi chưa đủ trí tuệ, điều kiện về tài chính, nhân lực nên "lực bất tòng tâm”…. Đến khi lớn, tôi lên thành phố Hồ Chí Minh kinh doanh ngành nhựa xe thể thao trẻ em và đồ gia dụng.

Trong một dịp về quê, tôi được nghe bà con nông dân kể về sự cực nhọc khó khăn trong canh tác lúa, từ đó đã gợi lại cho tôi nhớ tới ước mơ từ xưa của mình. Trở lại thành phố, tôi luôn trăn trở và suy nghĩ rằng, những sản phẩm tôi kinh doanh hiện nay chỉ đem lại một hai lợi ích đơn giản cho bản thân mình và người tiêu dùng. Còn nếu như tôi chế tạo ra máy móc phục vụ nông nghiệp thì sẽ đem đến nhiều lợi ích hơn cho người nông dân và xã hội.

Từ đó, tôi bắt đầu đi tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các đề tài nông nghiệp từ thư viện, sách vở… và vun đắp những kinh nghiệm của các nhà khoa học nhằm bồi đắp thêm kiến thức cho mình để chế tạo ra các thiết bị máy móc nông nghiệp như hôm nay.

Từ ý tưởng đến việc thực hiện là một chặng đường dài đầy cam go, ông hãy cho biết những khó khăn, thử thách trên chặng đường ông đi đến thành công những nông cụ do ông chế tạo, nhất là chiếc Máy gặt đập lúa liên hợp?

Việc nghiên cứu chế tạo ra những sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp là vô cùng khó khăn bởi vì công việc đồng áng luôn chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nắng mưa, sình lầy…nên muốn chế tạo ra các thiết bị máy móc để ứng dụng phù hợp với môi trường này là không dễ.

Còn bản thân tôi thì chưa qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí, chế tạo máy móc hay học nghề... Trong khi đó, nghiên cứu tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề đạt hiệu quả tốt là một việc khó làm, để biến ý tưởng thành hiện thực lại càng khó khăn hơn.

Máy phục vụ nông nghiệp cụ thể như Máy gặt đập lúa liên hợp là loại máy cần công nghệ chế tạo cao, máy phải hoạt động trên địa hình phức tạp, đồng ruộng sình lầy mà phải đáp ứng được các khâu cắt gặt, đập tuốt, sàng sẩy lấy hạt. Tất cả đòi hỏi một trình độ cao về cơ khí chế tạo máy.

Hơn nữa, đây là một sản phẩm có giá trị cao đòi hỏi khả năng tài chính lớn. Tôi phải tự tìm nguồn vốn, vay mượn để sản xuất đồng thời phải bỏ qua lợi ích cá nhân thì mới vượt qua mọi thử thách gian nan để được thành công như hôm nay

Các sản phẩm nhựa, sắt… phục vụ nông nghiệp của Hoàng Thắng đã cải thiện được bao nhiêu phần trăm sức lao động của người nông dân? Theo ông giá trị lớn nhất mà Hoàng Thắng mang lại cho người nông dân là gì?

Hiện nay, Công ty chúng tôi đang sản xuất 03 loại máy chính để giúp bà con nông dân, cả 3 loại máy này đều đem lại hiệu quả kinh tế, năng suất thiết thực cho bà con nông dân trong suốt quá trình từ gieo hạt đến khi thu hoạch chở lúa về nhà.

Nói riêng về chiếc Máy gặt đập lúa liên hợp, chiếc máy này ít hao hụt hơn so với các máy gặt đập ngoại nhập cùng loại bình quân là 3%. Năng suất máy là 5ha/ngày/3 người. Về lợi ích kinh tế thì giá máy ngoại nhập là 600 triệu đồng/máy, còn giá máy của Công ty Nhựa Hoàng Thắng là 300 triệu đồng/máy.

Ngoài ra là các lợi ích khác như về công lao động, đem lại cho ngành nông nghiệp nhiều tỉ đồng và giảm hàng triệu công lao động mỗi năm.

Ý kiến phản hồi nhiều nhất của bà con nông dân khi sử dụng sản phẩm Hoàng Thắng là gì?

Người nông dân nói với tôi rằng, sản phẩm của tôi đã giúp họ đỡ cực nhọc hơn rất nhiều trong việc gieo sạ, không sợ việc gieo không đều phải nhổ dặm lại, việc gieo sạ theo phương pháp này còn giúp cây lúa ít bệnh, đỡ tốn chi phí mua thuốc xịt sâu bệnh.

Riêng xe phun xịt dung dịch do tôi chế tạo thì giúp họ tránh độc hại trong việc xịt thuốc trừ sâu, còn Máy gặt đập lúa liên hợp lại giúp họ giảm công và giảm tổn thất trong khâu thu hoạch.

Họ đã xem tôi là một người bạn thân thiết và động viên khích lệ tôi hãy cố gắng làm ra nhiều sản phẩm, cải tiến sản phẩm tốt hơn nữa để giúp họ không phải "bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”, giảm các chi phí mà vẫn đươc vụ mùa bội thu.

Có sản phẩm mới nào Hoàng Thắng đang nghiên cứu chế tạo không thưa ông? Hướng phát triển tương lai của doanh nghiệp Hoàng Thắng là gì?

Tôi đang nghiên cứu sản xuất ra một loại Máy gieo hạt tự động hoàn toàn mới bằng kỹ thuật tiên tiến, theo nhu cầu nông học, đạt năng suất cao hơn so với kiểu gieo trước đây. Đồng thời tôi cũng đang ấp ủ ước mơ chế tạo Máy sấy di động giúp người nông dân giảm chi phí, giảm tổn thất trong khâu bảo quản.

Định hướng cho tương lai, Hoàng Thắng cũng đang kêu gọi việc đầu tư hợp tác của các cơ quan, các doanh nghiệp trong và ngoài nước và xin được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước để thực hiện những giải pháp nêu trên, đồng thời mở rộng đầu tư phát triển nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Giá thành sản phẩm là yếu tố mà người nông dân đang quan tâm, trong bối cảnh giá cả các mặt hàng đều tăng như hiện nay thì Hoàng Thắng làm thế nào để vừa đảm bảo doanh thu vừa làm "hài lòng” bà con về giá?

Đúng vậy, giá thành là yếu tố mà người nông dân quan tâm, cho nên những sản phẩm mà tôi chế tạo ra chỉ cần sử dụng lao động phổ thông và tận dụng nguyên vật liệu có sẵn trong nước để sản xuất hàng loạt nên chi phí sản xuất thấp, giúp cho giá bán sản phẩm hạ, phù hợp với túi tiền của người nông dân.

Vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, các sản phẩm Hoàng Thắng đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, ông nhận định thế nào về ngành sản xuất máy móc nông nghiệp ở nước ta – một trong những quốc gia đang giữ vị trí thứ 2, thứ 3 về xuất khẩu gạo trên thế giới, thưa ông?

Việt Nam có nền nông nghiệp thứ 2, thứ 3 thế giới, tuy nhiên từ trước đến nay Việt Nam luôn phải nhập khẩu thiết bị máy móc phục vụ cho nông nghiệp từ các nước bạn. Hiện nay, công nghệ về nông nghiệp Việt Nam còn quá hạn chế, đó là chưa nói đến việc còn lạc hậu so với các nước có nền nông nghiệp trên thế giới.

Sở dĩ những sản phẩm máy móc nông nghiệp của tôi được xuất khẩu là nhờ thiết kế đơn giản, giá thành rẻ nhưng đem đến hiệu quả rất lớn cho người sử dụng …Theo tôi, máy móc nông nghiệp Việt Nam cần sự bùng nổ thì mới đẩy mạnh phát triển nông nghiệp được.

Nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng

Nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng

Sau những căng thẳng của công việc thì gia đình sẽ là nơi ông nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng? Ông có thể cho biết đôi điều về tổ ấm gia đình ông?

Đối với mọi người khi căng thẳng trong công việc thì gia đình sẽ nơi nghỉ ngơi lấy lại năng lượng. Nhưng với tôi thì khác, những việc làm của tôi không được gia đình ủng hộ vì họ nhận thấy rằng kết quả tôi làm ra còn quá mơ hồ.

Riêng tôi, khi những sản phẩm của mình được công đồng công nhận, được bà con nông dân đón nhận và nó đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho gia đình, xã hội thì đó là điều động viên rất lớn với tôi, sẽ làm tôi vơi đi những căng thẳng mệt mỏi để có sức tiếp tục sự nghiệp sáng tạo.

Nói về tổ ấm gia đình, có lẽ tôi không được hạnh phúc như những người khác bởi tôi và vợ đã chia tay nhau hơn 20 năm rồi. Tôi có 2 người con nhưng chúng lại không muốn tiếp bước theo nghề của cha.

Hy vọng rằng sau này, khi tôi đã già không làm việc nữa chúng sẽ suy nghĩ lại để kế thừa sự nghiệp của cha để lại...

Đến thời điểm này, khi quay đầu nhìn lại chặng đường đã qua, có điều gì làm ông hối tiếc? Một bài học hoặc một lời khuyên đến thế hệ sau sẽ là gì thưa ông?

Tôi có những thành công đã được mọi người và xã hội ghi nhận. Chặng đường tôi đã trải qua đầy những khó khăn cực nhọc, có những lúc tưởng chừng như không thể gượng dậy được nhưng cuối cùng tôi cũng đã vượt qua.

Tuy nhiên, có một điều tôi lấy làm hối tiếc là ước mơ chế tạo ra Thiết bị gieo hạt tôi đã ấp ủ từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng tại thời điểm đó lực bất tòng tâm do về nguồn lực tài chính… nên mãi đến năm đầu thế kỷ 21 (năm 2000) tôi mới biến ước mơ thành sự thật.

Giá như sản phẩm được tôi chế tạo ra trước đó 10 năm thì sẽ mang đến lợi ích cho xã hội nhiều ngàn tỷ đồng và hàng triệu công lao động. Do vậy tôi mong rằng, các thế hệ sau tôi, khi có ước mơ sáng tạo, có những sáng chế, phát minh đem lại nhiều lợi ích cho con người và xã hội thì cố gắng bằng mọi cách thực hiện ngay phát minh ấy, đừng để phải tiếc nuối như tôi.

Xin cảm ơn và chúc ông luôn gặt hái được nhiều thành công.

Quang Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM