Nguyễn Đức Thụy - Ông bầu thời loạn

25/12/2012 16:51 PM | Nhân vật

Nếu không có bóng đá, chắc ít người biết đến cái tên Nguyễn Đức Thụy, doanh nhân trẻ thành đạt ở Ninh Bình, nổi hơn cả bầu Trường.

Khi bầu Trường đầu tư mạnh cho Ninh Bình, doanh nhân Nguyễn Đức Thụy chỉ là một fan đến sân ủng hộ đội nhà. Có thú chơi xa xỉ khi sở hữu nhiều siêu xe, biệt thự, điện thoại xịn, bầu Thụy lại mang biệt danh tương đối lạ là Thụy "đóng gạch". Như ganh tỵ với doanh nhân đồng hương, bầu Thụy cũng chọn con đường bóng đá để đánh bóng tên tuổi. Với bản tính "chơi ngông", ông bầu sinh năm 1976 này quyết không thua kém bầu Trường, thậm chí còn muốn chơi trội hơn. 

Năm 2010, vùng đất khô cằn ở dải miền Trung, vốn chưa có lịch sử về bóng đá, càng nóng lên với cơn sốt đầu tư mà bầu Thụy mang đến. Chỉ là đội bóng hạng nhì nhưng Hà Tĩnh gây chú chú ý khi ông bầu tuổi Rồng trải thảm đỏ đón cựu tuyển thủ Văn Sỹ, sau khi HLV này chia tay CLB Ninh Bình của bầu Trường. Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy ngoài việc trao cho Văn Sỹ toàn quyền, từ đào tạo trẻ đến quản lý đội lớn, còn chi khá nhiều tiền để mua lại số cầu thủ Thanh Hóa bị thải hồi. Sau đó, để đánh bóng thương hiệu, Hà Tĩnh lấy Quốc Vượng về với hợp đồng 5 tỷ đồng - kỷ lục ở giải hạng nhì.

Khi bước vào giải hạng nhì, bầu Thụy treo thưởng đến một tỷ đồng cho một trận thắng. Ngông đến mức ấy chỉ có bầu Đức, bầu Hiển... ở V-League mới dám chơi. Tuy nhiên, mọi thứ không theo ý muốn, Xuân Thành Hà Tĩnh của bầu Thụy thua liên tục, cả trên sân khách lẫn sân nhà. Dàn cựu binh Thanh Hóa đuối sức, Quốc Vượng cũng phập phù vì chấn thương, số trẻ còn lại quá non. Mục tiêu thăng hạng phá sản nhanh chóng, khí thế cũng tắt lịm. Bầu Thụy bất đầu nợ lương, thưởng khiến cầu thủ càng thêm chán nản. HLV Văn Sỹ và bầu Thụy đứt gánh sau cuộc cãi vã. Hà Tĩnh như quả bóng xì hơi.

bau-thuy-3-jpg-1356404881_500x0.jpg
Sau 3 năm làm bóng đá, tên tuổi của bầu Thụy 'nổi như cồn'. Ảnh: An Nhơn

Mộng đưa đội bóng thăng hạng bất thành, bầu Thụy không bỏ cuộc mà còn hăng máu hơn. Ông quyết định mua suất hạng Nhất của Hòa Phát V&V, sau đó đưa quân về TP HCM với tên gọi Sài Gòn Xuân Thành chơi giải hạng nhất 2011. Cách làm bóng đá của bầu Thụy tiêu biểu cho khẩu hiệu "cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền". 

Ông tiếp tục chi hàng chục tỷ đồng để đưa về đội bóng "bộ sưu tập" của những ngôi sao nội và ngoại chất lượng như Đình Luật, Phước Tứ, Minh Đức, Huỳnh Kesley, Sỹ Mạnh... Ngoài ra, để "Sài Gòn hoá" đội bóng, bầu Thụy cho xây dựng một ban huấn luyện do những cựu cầu thủ của TP HCM nắm các vị trí chủ chốt chuyên môn, trong đó giám đốc điều hành Trần Tiền Đại và HLV Lư Đình Tuấn, trợ lý Liêm Thanh, Văn Phụng và cả Tổng thư VFF hiện nay Ngô Lê Bằng cũng từng làm Trưởng đoàn của Sài Gòn Xuân Thành.

Với dàn cầu thủ chất lượng, đội bóng của bầu Thụy như không có đối thủ ở hạng nhất. Sài Gòn Xuân Thành thăng hạng trước 5 vòng đấu với nhiều kỷ lục xác lập. Bước vào sân chơi V-League, bầu Thụy lại bơm tiền để đội bóng có thêm nhiều sao. Thủ môn Tấn Trường được mua về với 9 tỷ đồng. Đội bóng thi đấu tưng bừng. Bất chấp các mối lương duyên với các ông bầu khác đổ vỡ, CLB bị đồn nợ lương, nhưng bầu Thụy vẫn chơi trội, dể lôi kéo khán giả trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. 

"Chiêu" khá độc với sân cỏ nội như đưa dàn "chân dài" đến khán đài, mời ca sỹ Ngọc Sơn làm chủ tịch danh dự hay sự xuất hiện của những ca sĩ Phương Vi, MC Trấn Thành… bầu Thụy đã biến sân Thống Nhất trở thành lễ hội mỗi khi đội bóng đá trên sân nhà. Tưởng chừng Sài"Gòn Xuân Thành của ông đã đoạt chức vô địch V-League, nếu không có sự "bắt tay" của hai đội bóng bầu Hiển. Nhưng an ủi cho bầu Thụy, đội bóng của ông sau đó đoạt Cup quốc gia để dự AFC Cup 2013.

sieu-xe-jpg-1356404990_500x0.jpg
Siêu xe mà bầu Thụy thường lái đến sân Thống Nhất xem bóng đá. Ảnh: An Nhơn

Nhiều người cho rằng, ông đưa đội bóng về TP HCM để đạt mục tiêu nào đó, ít nhất là đất đai, dự án... trong làm kinh tế. Nhưng hai năm qua, ông chưa có gì, ngoài trừ tên tuổi. Để rồi cuối cùng bầu Thụy bỏ bóng đá. Tuy nhiên, bầu Thụy đưa ra lý do là bận công việc ở tập đoàn và không bỏ đội bóng. Bằng chứng là ông nhường lại CLB cho em trai của mình phát triển lên tầm cao mới, gặt hái nhiều thành tích hơn cho bóng đá TP HCM. Ông thừa nhận, thời gian qua làm bóng đá theo kiểu ăn đong, ăn xổi.

Dù không được nhiều trong 3 năm làm bóng đá, khi bỏ ra gần 200 tỷ đồng, nhưng đổi lại tên tuổi của bầu Thụy đã "nổi như cồn". Thế nên, việc chuyển giao quyền Chủ tịch đội bóng cho thấy đã đến lúc ông đẩy tên tuổi em trai của mình lên. Mới 24 tuổi, ông Thủy tiếp tục phá kỷ lục của anh trai - bầu Thụy để trở thành ông bầu trẻ nhất ở sân chơi bóng đá Việt Nam.

Theo An Nhơn
Vnexpress

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM